Kết quả thực hiện chuyển đổi số năm 2024
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành một xu hướng tất yếu không chỉ trong đời sống mà còn trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong các cơ quan hành chính nhà nước. Hòa chung với xu thế ấy, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang đã chủ động triển khai mạnh mẽ công cuộc CĐS nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Nhân viên Bệnh viện Quân y 120 quyét mã QR code Thẻ CCCD công dân trên hệ thống trong KCB BHYT. |
Năm 2024, BHXH tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc trong thực hiện CĐS, cụ thể: Chuyển đổi mạnh mẽ từ phương thức quản lý hồ sơ truyền thống sang phương thức điện tử với trên 72.460 hồ sơ được số hóa giúp việc tra cứu hồ sơ trở nên dễ dàng hơn. Triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai mạnh mẽ, hiện có 99,52% số căn cước công dân (CCCD)/định danh cá nhân được cập nhật và xác thực, tạo điều kiện cho 100% cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) triển khai sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT với hơn 10 triệu lượt tra cứu thành công. Thực hiện liên thông trên 73.000 giấy khám sức khỏe lái xe, trên 27.000 giấy chứng sinh và gần 300 giấy báo tử… điều đó đã chứng minh tính ưu việt của việc ứng dụng công nghệ trong KCB BHYT, giúp người dân tiết kiệm thời gian và thủ tục.
Ngoài ra, ứng dụng VssID - BHXH số đã trở thành “cánh tay nối dài” của cơ quan BHXH, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin và dịch vụ mọi lúc mọi nơi với trên 430.000 lượt đăng ký, cài đặt và sử dụng;
Bên cạnh đó, triển khai toàn diện 25 dịch vụ công trực tuyến đã mang lại sự tiện lợi tối đa cho người dân, riêng thủ tục liên thông về “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” đã tiếp nhận, giải quyết trên 22.000 hồ sơ.
Đối với các đơn vị sử dụng lao động đã có 3.544/3.544 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, từ đó tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Trong năm, BHXH tỉnh đã giải quyết gần 280.000 hồ sơ của cá nhân, đơn vị với tỷ lệ 99,1% hồ sơ đúng hạn, trước hạn.
Riêng chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt (ATM) đạt hiệu quả rất cao: Tỷ lệ chi trả lương hưu qua ATM, đạt 80,5%, chi trả BHXH một lần qua đạt tỷ lệ 99,9%, chi trả trợ cấp thất nghiệp đạt tỷ lệ 100%, cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến và được người dân đón nhận.
Thành công của quá trình CĐS không chỉ là sự nỗ lực của công chức, viên chức, người lao động của BHXH Tiền Giang mà còn là kết quả của sự đồng hành, hưởng ứng tích cực của người dân và doanh nghiệp. CĐS không chỉ là nhiệm vụ mà còn là điều kiện tiên quyết để việc sắp xếp tổ chức bộ máy thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
PHẠM VĂN HÒA