.

Tiền Giang: Triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm ở động vật

Cập nhật: 10:23, 09/12/2024 (GMT+7)

(ABO) Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh cúm gia cầm (CGC) trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc trên người tăng cao cả về số lượng (82 ca) và đa dạng về chủng vi rút CGC bị nhiễm (H5N1, H5N2, H5N6, H9N2, H10N3), nhất là tại quốc gia láng giềng Campuchia có đến 10 ca.

Ở Việt Nam, đã xảy ra 14 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 9 tỉnh, tiêu hủy gần 100 nghìn con gia cầm (tăng 2,64 lần so với cùng kỳ năm 2023) và 2 ổ dịch CGC A/H5N1 trên động vật hoang dã (hổ, báo) tại tỉnh Long An, Đồng Nai. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh CGC A/H5N1 trên người trong năm 2024 gia tăng, cụ thể: 1 ca tử vong tại tỉnh Khánh Hòa (tháng 3-2024) và gần đây là 1 ca nhiễm tại tỉnh Long An (tháng 11-2024). 

Tại Tiền Giang, từ đầu năm 2024 đến nay xảy ra 3 ổ dịch CGC A/H5N1 tại 3 xã/3 huyện (xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây; xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành và xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy), đã tiêu hủy 3.355 con gia cầm. Đặc biệt, trong tháng 4-2024, đã phát hiện 1 ca trên người nhiễm vi rút CGC A/H9N2 tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành.

Thực hiện Chỉ thị 8974/CT-BNN-TY ngày 26-11-2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh CGC ở động vật.

Để chủ động khống chế, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh CGC nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo đảm nguồn thực phẩm cho tiêu dùng, nhất là giai đoạn cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nội dung như sau:

1. Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống bệnh CGC, đặc biệt là phát hiện sớm, xử lý nhanh các ổ dịch CGC vừa mới phát sinh, không để lây sang diện rộng; thông tin giữa 2 ngành Nông nghiệp và Y tế để kịp thời ngăn chặn bệnh CGC lây truyền từ động vật sang người.

2. Tổ chức tiêm vắc xin CGC cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm chưa tiêm phòng hoặc hết thời gian miễn dịch.

3. Cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh phối hợp với đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện giám sát vi rút CGC tại địa phương để đánh giá đặc điểm dịch tễ và định hướng chiến lược sử dụng vắc xin đối với bệnh CGC.

4. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh, vận chuyển động vật; kiểm tra các cơ sở thu mua động vật, sản phẩm động vật để chế biến làm thức ăn cho động vật.

5. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh CGC cho đàn gia cầm.

6. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân:

(i) Khi phát hiện gia cầm bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh;

(ii) Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường;

(iii) Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định;

(iv) Vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột tại khu vực nuôi gia cầm, không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc;

(v) Sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh;

(vi) Tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm;

(vii) Xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định pháp luật về thú y (bao gồm cả những cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã) và để lây lan dịch bệnh và xử lý trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

7. Vận động chủ nuôi xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm.

8. Chỉ đạo các lực lượng chức năng quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.

P.V








 

.
.
.