Tiền Giang: Chủ động tích trữ nguồn nước ngọt, ứng phó với hạn, mặn
(ABO) Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn từ nay đến đầu tháng 4-2025 sẽ có 3 đợt triều cường cao có khả năng gây ngập các vùng trũng thấp: Đợt 1 từ ngày 29-1 - 3-2-2025 (Tết Nguyên đán), đợt 2 từ ngày 1 - 4-3-2025 (đầu tháng 2 âm lịch) và đợt 3 từ ngày 29-3 -2-4-2025 (đầu tháng 3 âm lịch).
Dự báo mực nước cao nhất tại trạm Mỹ Tho trong giai đoạn này đạt mức từ 1,65-:-1,75 m, cao hơn mức báo động III từ 0,05-:-0,15 m. Đồng thời, trong thời gian từ cuối tháng 1-2025 trở đi độ mặn sẽ tăng cao, dự báo biên mặn 1,0g/l cách cửa sông từ 52 đến 60 km (cầu Xoài Hột - Kim Sơn) vào nửa cuối tháng 3-2025 sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Để chủ động tích trữ tối đa nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh nhằm ứng phó với hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2025; đồng thời, không bị ngập úng khi đóng cống vào các đợt triều cường từ nay đến đầu tháng 4-2025, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung sau:
1. Thường xuyên phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang để nắm thông tin về tình hình diễn biến xâm nhập mặn và vận hành công trình; đồng thời, theo dõi sát tình hình diễn biến mặn, vận hành công trình và tình hình mực nước trên bản tin Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để thông báo rộng rãi cho người dân biết chủ động nguồn nước tưới.
2. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực bơm trữ nước tối đa trên ruộng, mương, vườn, ao, líp… Tận dụng các ô bao ngăn lũ và triều cường của các địa phương, đóng các cống, đập ngăn mặn giữ ngọt cho khu vực phía bên trong nội đồng để đảm bảo phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, sử dụng nước tiết kiệm. Chỉ đạo các địa phương chủ động sẵn sàng máy bơm để tổ chức bơm chuyền và vật tư để đắp đập ngăn mặn khi có khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo dõi độ mặn để lấy nước ngọt (phải kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước để tưới cho cây phù hợp với khả năng chịu mặn của từng loại cây trồng), chọn thời điểm thích hợp để lấy nước ngọt theo khuyến cáo, không để mương vườn, ao, líp… bị khô kiệt, không cho phèn có điều kiện hoạt động ảnh hưởng đến cây trồng.
3. Tăng cường thực hiện công tác vớt lục bình, dọn dẹp cỏ dại trên lòng kinh, rạch và kiểm tra việc thực hiện giao khoán quản lý, duy trì thông thoáng lòng kênh, rạch theo Phương án số 390/PA-UBND ngày 14-12-2022 của UBND tỉnh; không xả rác, nước thải ra môi trường, không thả xác súc vật chết xuống kinh, rạch; không được sử dụng hóa chất để diệt lục bình làm ô nhiễm nguồn nước, môi trường.
4. Chủ động triển khai thực hiện phương án phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập của địa phương; đồng thời, chủ động bố trí nguồn ngân sách cấp huyện được phân cấp quản lý theo quy định để lập hồ sơ đầu tư nạo vét các tuyến kinh, rạch. Gia cố, nâng cấp, sửa chữa bờ bao, đê bao, cống bọng để tăng khả năng trữ nước khi các công trình đầu mối vận hành lấy nước, lưu ý khu vực phía sau cống Bảo Định, các cống trên đường tỉnh 864; đồng thời, không bị ngập úng khi đóng cống do triều cường gây ra.
Đặc biệt, lưu ý đối với khu vực TP. Mỹ Tho (phía bên ngoài cống Bảo Định) đề nghị UBND TP. Mỹ Tho chỉ đạo các xã, phường tuyên truyền đến người dân biết để chủ động kê kích các vật dụng trong gia đình tránh bị thiệt hại do triều cường gây ra như các đợt triều cường vào đầu năm 2024.
5. Thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
P.V