Chủ Nhật, 06/01/2019, 09:39 (GMT+7)
.

Để không còn những "hung thần" trên đường, phố

Theo Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (ATGTQG), năm 2018 tai nạn giao thông (TNGT) cả nước giảm cả 3 tiêu chí và giảm sâu nhất trong vòng 5 năm gần đây. Tuy nhiên, số người chết vẫn còn cao (8248 người); một con số khá nhức nhối, đặc biệt trong năm 2018 nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra, cho thấy cuộc chiến với TNGT vẫn còn nhiều cam go phía trước.

Và đầu năm 2019, TNGT thảm khốc chiều 2-1 tại Bến Lức - Long An đã gây xót xa trong dư luận, khi những công dân trẻ phút chốc đã "ra đi" hoặc có thể sẽ tàn tật suốt đời. Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác ATGT năm 2018 vào ngày 4-1, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGTQG đã rất đau lòng trước TNGT đặc biệt nghiệm trọng này; và yêu cầu ngành vận tải cần tăng cường quản lý xe container đang có xu hướng tăng nhanh. Cần phải có biện pháp với những nhà xe "ép tài" để quay nhanh vòng xe nhằm hưởng lợi, dẫn đến tài xế "quá tải" về tinh thần, không kiểm soát tay lái. Phó Thủ tướng cũng cho rằng, nhà xe phải có trách nhiệm trong việc tuyển dụng, quản lý tài xế, không thể để tình trạng tài xế nghiện ma túy nhưng vẫn cầm xe lưu thông trên đường.

a
Hiện trường vụ TNGT ở Long An.

Tại Hội nghị, nhiều giải pháp đã được Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đưa ra như:  đề án tổng thể để duy tu sửa chữa đường bộ; tiến tới xóa hết các "điểm đen" trên Quốc lộ trong năm 2019. Sửa đổi bổ sung Luật để có cơ sở xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó có cả quy trách nhiệm cho các nhà xe. Cải tiến, giám sát chặt công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe cả về lý thuyết và thực hành; tăng cường giám sát về đạo đức của tài xế, nhất là những tài xế xe container...

Có thể nói, chưa có công tác nào mà cả hệ thống chính trị cùng đồng lòng vào cuộc như công tác đảm bảo trật tự ATGT. Quyết tâm có thừa, giải pháp cũng không ít, nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa bền vững, số vụ TNGT vẫn tăng giảm hằng năm. Có nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nhưng tựu trung lại vẫn là yếu tố con người, cụ thể hơn là ý thức con người.

Đó là ý thức của người tham gia giao thông, ý thức của người thực thi công vụ. Bởi dù hạ tầng giao thông có hoàn thiện đến đâu, cũng như những cơ sở pháp lý để chế tài, xử phạt có chặt chẽ tới mức độ nào, nhưng ý thức của người chấp hành và thực thi luật pháp (giám sát, xử phạt) chưa thật sự coi "tính mạng con người là trên hết", thì sẽ vẫn còn đó những TNGT đau lòng.

Do đó công tác giáo dục nâng cao ý thức người dân, đề cao văn hóa giao thông là rất cần thiết; và để làm hiệu quả việc này là cả một quá trình; trong đó việc tuyên tuyền về ý thức khi tham gia giao thông từ trong nhà trường, ngay từ các bậc học mầm non, tiểu học là rất cần thiết. Song hành với đó là việc giám sát người thực thi luật pháp, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chức quyền bảo kê, bao che cho những sai phạm. Từ đó mới loại bỏ suy nghĩ có thể “mua đường” “ mua bến, bãi”; và “khai tử” những hung thần “xe vua” đang lộng hành trên các tuyến đường.

VI THẢO             
                                                                                                                  
 
 

.
.
.