Thứ Tư, 13/08/2014, 16:15 (GMT+7)
.

Về 1 trường hợp chưa được công nhận liệt sĩ

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Ưa (Sáu Cống, sinh năm 1940, ở ấp Long Hòa B, xã Long Định, huyện Châu Thành), hy sinh năm 1966, thuộc đơn vị Y4 - đơn vị tiền thân của Ban Cán sự Quận ủy quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Xác minh đơn khiếu nại của gia đình ông Ưa, sở dĩ ông Ưa chưa được xét công nhận liệt sĩ do 2 nguyên nhân:

Thứ nhất, khi chiến tranh kết thúc, không có ai làm phiếu phát hiện và phiếu báo công cho ông Ưa. Mặc dù ông Ưa có người anh ruột là Nguyễn Văn Chưa (Tư Hà) cùng công tác với em, nhưng là dân vùng sâu, vùng xa ít chữ nghĩa, không am tường chế độ, chính sách của Nhà nước nên cũng không làm hồ sơ khai báo thành tích em mình.

Thứ hai, sau này mấy người cháu của ông Ưa có làm đơn đề nghị xét công nhân liệt sĩ cho người chú của mình, song cái chết của ông Ưa do bị rắn hổ mang cắn chết, nên các cơ quan chức năng đang phân vân, chưa có ý kiến đề xuất với lãnh đạo các cấp xem xét giải quyết. Sự việc này đã được Báo Ấp Bắc phản ánh cách nay hơn 4 năm, qua bài Chuyện về Y Tư, Sáu Cống”, đăng số 2672, ra ngày 13-5-2011.

Đồng đội vận động xây tặng nhà tình nghĩa cho người cháu đang thờ cúng ông Nguyễn Văn Ưa (năm 2014).
Đồng đội vận động xây tặng nhà tình nghĩa cho người cháu đang thờ cúng ông Nguyễn Văn Ưa (năm 2014).

Ông Ưa tham gia cách mạng năm 1962, là chiến sĩ của Y4. Y4 là mật danh của “Chi bộ nông thôn 14”, trực thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, bám trụ tại tỉnh Mỹ Tho từ đầu năm 1962 và tồn tại vững chắc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975.

Nhiệm vụ của Y4 lúc bấy giờ là xây dựng căn cứ, cơ sở, tuyển chọn người từ các vùng nông thôn về huấn luyện, quán triệt tinh thần cách mạng để đưa vào cài cắm trong nội ô Sài Gòn - Gia Định; đồng thời đón người từ trong nội ô Sài Gòn - Gia Định ra học tập, huấn luyện, hướng dẫn phương pháp hoạt động rồi đưa trở vào để xây dựng cơ sở trong nội thành.

Tóm lại, đây là những cán bộ được Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đưa về các vùng nông thôn để vận động, tuyển chọn lực lượng cho nội ô nhằm chuẩn bị khi có thời cơ là đánh thẳng vào Sài Gòn.

Căn cứ đầu tiên của Y4 được xây dựng tại vùng Kinh Năng, Kinh Một (Bắc lộ 4, thuộc ấp Long Hòa B, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho). Về sau phát triển sang Nam lộ 4 ở các xã Mỹ Long, Long Tiên (huyện Cai Lậy); Bàn Long, Hữu Đạo, Dưỡng Điềm, Bình Trưng, Long Hưng, Phước Thạnh (huyện Châu Thành) và xã Đạo Thạnh (TX. Mỹ Tho).

“Chi bộ nông thôn 14” ở Mỹ Tho được thành lập vào tháng 5-1962. Bí thư chi bộ đầu tiên của “Chi bộ nông thôn 14” là đồng chí Bảy Xiếu. Đồng chí Bảy Xiếu lúc bấy giờ đang làm Bí thư xã Dưỡng Điềm, được Tỉnh ủy Mỹ Tho điều động sang hỗ trợ cho Y4. Lực lượng của Y4 ngày càng phát triển và trở thành nòng cốt để thành lập Ban Cán sự Quận ủy quận 3 thuộc Khu ủy Sài Gòn - Gia Định sau này.

Tháng 4-1967, Ban Cán sự Quận ủy quận 3 chính thức được thành lập tại kinh Năng, xã Long Định, gồm 3 đồng chí: Trần Văn Hiệp (Tư Hiệp) làm Trưởng ban, Lê Quang Đồng (Tư Cẩm) làm Phó ban và Lê Thị Bạch (Chín Bạch) làm ủy viên.

Căn cứ của Ban Cán sự Quận ủy quận 3 lúc bấy giờ đóng tại xã Long Định, có lúc đóng tại xã Bình Trưng, Dưỡng Điềm. Ông Lê Quang Đồng sau này được điều động làm Phó Văn phòng Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.

Đồng đội góp tiền xây mộ cho ông Ưa  (năm 2011).
Đồng đội góp tiền xây mộ cho ông Ưa (năm 2011).

Nhiệm vụ của ông Ưa được Y4 giao là cùng với Thợ Tư (Tư Truyện) chuyên làm hầm bí mật, lo nơi ăn ở, ngủ nghỉ cho lực lượng được tuyển chọn từ các nơi đưa về và từ nội thành ra học tập, công tác. Vuông vườn của gia đình ông Ưa cũng chính là căn cứ của Y4 và của Ban Cán sự Quận ủy quận 3.

Vùng Kinh Năng, Kinh Một giáp với Đồng Tháp Mười là một vùng đất trũng, nhiều cá tôm nhưng cũng không ít rắn, rết. Vì vậy, việc làm hầm bí mật vô cùng gian nan, vì vừa phải chống nước thấm, vừa phải chống các loài rắn độc. Lúc đầu hầm được làm bằng cây ván, nhưng về sau được xây dựng bằng bê tông.

Ông Lê Quang Đồng cho biết, có lúc địch dùng máy bay trực thăng đổ quân bất ngờ, xuống dưới hầm nước vẫn ngập lai láng. Cho nên ông Ưa phải thường xuyên đi kiểm tra hầm để tránh rủi ro cho khách. Không ai còn nhớ ông Ưa và Thợ Tư đã làm bao nhiêu hầm bí mật, chỉ biết rằng cơ sở của Y4 phát triển tới đâu thì ông Ưa và Thợ Tư phải nhanh chóng triển khai xây dựng hầm bí mật tới đó.

Vào một ngày cuối tháng 3-1966, ông Ưa được giao nhiệm vụ đi kiểm tra hầm bí mật để đón khách từ trong nội thành ra, đã bị rắn hổ mang cắn chết. Lúc bấy giờ ông Ưa mới 26 tuổi và chết trên tay của ông Lê Quang Đồng, là cán bộ lãnh đạo của Y4. Ông Lê Quang Đồng hiện còn sống, ngụ tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những đồng đội cũ của ông Ưa (trong đó có bà Chín Bạch ở TP. Hồ Chí Minh và ông Lê Quang Đồng) có dịp về thăm lại căn cứ Y4, mới biết mộ của ông Ưa chỉ là mộ đất, không mộ chí, không tên tuổi, năm sinh, ngày mất, cho nên đã gom góp được 5 triệu đồng để xây cho ông Ưa một ngôi mộ.

Mới đây (ngày 5-7-2014), đồng đội của ông Ưa đã vận động Công đoàn cơ sở Trường THCS Minh Đức, quận 1, TP. Hồ Chí Minh xây tặng người cháu đang thờ cúng ông Ưa căn nhà tình nghĩa trị giá 35 triệu đồng. Trong buổi lễ trao tặng nhà, ông Lê Quang Đồng bức xúc trình bày với các đồng chí trong Đảng ủy và UBND xã Long Định: 

“Sáu Cống chết trên tay tôi do rắn hổ mang cắn. Lúc bấy giờ giữa đồng không mông quạnh, chung quanh đồn bót địch giăng đầy nên không có điều kiện đưa Sáu Cống đi giải nộc độc rắn cắn kịp. Sáu Cống là người của tổ chức Y4, hy sinh trong lúc đi làm nhiệm vụ. Vì vậy Sáu Cống được công nhận liệt sĩ là điều hợp tình, hợp lý…”.

Trao đổi vấn đề này với ngành LĐ-TB&XH, được biết ngành chưa nhận được hồ sơ đề nghị xét công nhận liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Ưa, nên chưa thể có ý kiến gì về trường hợp này. Nếu công luận lên tiếng phản ánh, ngành sẽ tiến hành xác minh và báo cáo với lãnh đạo xem xét.

Đây là 1 trường hợp tồn đọng sau chiến tranh, gia đình ông Ưa cần phải làm hồ sơ lần đầu và phải được thông qua Hội đồng xét duyệt chính sách của xã và huyện, sau đó gửi về tỉnh để được xem xét giải quyết.

Hy vọng qua bài báo này, với nghĩa cử “đền ơn đáp nghĩa”, những đồng đội cũ của ông Ưa, gia đình ông Ưa, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp quan tâm, làm hồ sơ đề nghị xét công nhận liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Ưa.

ĐẬU VIẾT HƯƠNG

.
.
.