Thứ Sáu, 06/03/2015, 19:52 (GMT+7)
.

Người dân ở ấp Mỹ Thạnh tích cực đi họp, do đâu?

Báo Ấp Bắc số 3255, ra ngày 27-2-2015 có đăng bài Vì sao người dân chưa mặn mà đi họp? Tác giả bài báo ghi nhận tại Hội nghị tổng kết ngành Tư pháp năm 2014 có đưa ra một số mô hình “Ngày pháp luật”, “Đờn ca tài tử” lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật… đã cải thiện tình trạng nêu trên, nhưng cũng chỉ ở một vài cơ sở xóm, ấp.

Hội nghị phân tích và nêu những nguyên nhân chính như: Nguồn kinh phí tuyên truyền ở cơ sở quá thấp, năng lực của cán bộ cơ sở còn hạn chế, chưa có sự thưởng - phạt rõ ràng đối với các hộ đi họp đầy đủ hoặc không tham gia họp… Đại biểu dự hội nghị kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan nghiên cứu tháo gỡ khó khăn.

Theo tôi nhận thấy, cũng không quá khó khăn để từ “người dân chưa mặn mà đi họp” trở thành “người dân tích cực đi họp” như ở ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo. Nếu chỉ nói mô hình “Ngày pháp luật” lồng ghép góp vốn xoay vòng ở ấp Mỹ Thạnh thôi thì cũng chưa đủ sức tác động để người dân trong ấp “tích cực đi họp”.

Có một thời gian dài theo dõi các phong trào quần chúng ở ấp Mỹ Thạnh, tôi xin được giới thiệu đôi nét: Cho đến năm 2004, ấp Mỹ Thạnh cũng nằm trong tình trạng “người dân chưa mặn mà đi họp” như nhiều ấp khác trong toàn huyện.

Thời điểm này, Đảng ủy xã Hòa Định cử bà Nguyễn Thị Mười Hai, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện nghỉ hưu tiếp tục gánh vác công việc Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, về ứng cử và đã đắc cử chức vụ Bí thư Chi bộ ấp Mỹ Thạnh (lúc đó chi bộ chỉ có 4 đảng viên). Từ đó tình hình trong ấp Mỹ Thạnh bắt đầu có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm công tác vận động quần chúng từ trong kháng chiến, bà Mười Hai là Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp đã dành nhiều thời gian để gần gũi với từng thành viên của Ban công tác Mặt trận, với từng trưởng, phó tổ tự quản và gần như suốt ngày sống với những hộ gia đình đang gặp khó khăn, những hộ đang có vướng mắc, mâu thuẫn.

Chuyện 2 hộ trong ấp tranh chấp nhau con đường đi chung kéo dài còn tồn đọng, có một bên lý lẽ không chắc nhưng lại cương quyết giành phần phải. Lần đó bà đến nhà giải thích, động viên từ sáng đến chiều mà chị chủ nhà vẫn chưa chịu nhịn. Mặt trời sắp lặn, bà xuống nhà dưới xách nồi vo gạo nấu cơm.

Chị chủ nhà thấy lạ hỏi, bà bảo: “Tao ở đây nấu cơm ăn rồi nói cho tới khi nào mầy chịu hòa tao mới về!”. Chị chủ nhà nói để nghĩ lại. Sáng sớm hôm sau bà lại tới. Chị chủ nhà chịu hòa. Bà mời cả 2 gia đình giảng hòa, khỏi cần lập biên bản, đến nay 2 gia đình vẫn giữ được tình đoàn kết như không có chuyện gì xảy ra.

Còn biết bao câu chuyện thực tế, cũng hết sức trách nhiệm như vậy trên các mặt đời sống xã hội ở ấp Mỹ Thạnh trong 10 năm qua.

Gần dân mới hiểu được dân, cộng với tinh thần trách nhiệm với dân, chăm lo quyền lợi cho dân một cách thiết thực nên từ đó bà Mười Hai đã tạo được niềm tin trong dân, được dân tin tưởng, “có gì cũng nói” với bà, nói thẳng thắn và thật lòng mình. Bà còn chọn được 24 tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản nhiệt tình, gương mẫu và được dân tin.

Qua đó cho thấy, một khi người cán bộ lãnh đạo thể hiện được vai trò và tinh thần trách nhiệm với dân, hết mình chăm lo quyền lợi, đời sống người dân, biết lắng nghe dân nói thì cán bộ nói dân nghe, đó là nguyên nhân gốc rễ thứ nhất.

Thứ hai, không phải có nguồn kinh phí mới “hoạt động phong phú, đa dạng nhằm thu hút người dân”, mà ở ấp Mỹ Thạnh, trong mỗi cuộc họp dân, bà Mười Hai xác định nội dung cuộc họp cụ thể, đưa ra giải quyết được một vấn đề gì đó nhằm đáp ứng quyền lợi thiết thực của dân hoặc vấn đề được người dân đang quan tâm, bức xúc.

Nhờ suốt ngày lặn lội trong dân, hiểu hết những bức xúc của dân, từ đó bà suy nghĩ, tìm tòi xem mình phải làm cách gì để đem lại quyền lợi thiết thực cho dân. Vì vậy mà họp lệ tổ tự quản hàng tháng ở tổ này bà đưa ra lấy ý kiến giải quyết bức xúc của dân việc này, ở tổ khác bà đưa ra giải quyết vụ khác, nhờ đó mới có mô hình “Ngày pháp luật gắn với góp vốn xoay vòng”, ai cũng đi họp để tranh hốt vốn và để được nghe giải đáp thắc mắc. Tháng nào bà Mười Hai cũng sắp lịch họp không trùng ngày hoặc trùng buổi để bà đều dự ở cả 12 tổ trong ấp.

Để công tác tuyên truyền sinh động, lần đầu bà nghĩ ra cách tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, để kiểm tra kiến thức của dân về pháp luật. Mà thi thì phải có thưởng. Bà đi gặp các nhà hảo tâm xin tiền, mua mỗi phần thưởng 30 - 50 ngàn đồng, đủ tổ chức 12 cuộc thi trong ấp. Đến nay, ấp đều đặn tổ chức mỗi quý 1 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, luật này rồi luật khác.

Nguyên nhân thứ ba, đó là biết chăm lo đến tinh thần và cả vật chất cho lực lượng nòng cốt là thành viên Ban công tác Mặt trận, trưởng và phó tổ tự quản, anh em đội dân phòng. Ở ấp thì chỉ có biểu dương và khen… miệng. Còn “thưởng”, nhân những ngày lễ trọng đại như: 30-4, 2-9, Tết Nguyên đán… ấp tặng mỗi người khi 1 cái áo, khi 1 cái quần, khi 1 phần quà. Tiền cũng tự đi vận động.

Những “phần thưởng” dù không đáng là bao so với công sức của anh em bỏ ra, nhưng đó là sự động viên rất lớn đối với cả gia đình những người nòng cốt trong ấp, nhờ đó giúp ấp Mỹ Thạnh giữ vững các phong trào hành động cách mạng của nhân dân trong ấp, giữ vững được tinh thần “người dân tích cực đi họp”.

NHC

.
.
.