.

Tiền Giang: Kinh tế số chiếm 15% GRDP vào năm 2025

Cập nhật: 16:48, 18/11/2022 (GMT+7)

Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh, đến năm 2030 đạt 25%.

a
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tăng cường trao đổi và lắng nghe các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong địa bàn tỉnh

1.249 tổ công nghệ số cộng đồng

Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022, tỉnh Tiền Giang tập trung đẩy mạnh theo hướng minh bạch, dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Tỉnh triển khai hiệu quả chuyển đổi số trên 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), trong đó tập trung vào hoạt động hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số, nền tảng số.

Theo kế hoạch, thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số theo Kế hoạch số 370 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch 217 về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Tiền Giang năm 2022 và Kế hoạch 245 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang về hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang năm 2022.

Theo báo cáo đánh giá DTI năm 2021 của Bộ TT&TT, Tiền Giang xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố về chỉ số kinh tế số, đạt 0,4856 so với giá trị trung bình kinh tế số cấp tỉnh là 0,4098, cao hơn so với trung bình chung cả nước là 0,0758. Với những kết quả cụ thể đã đạt được, giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2021 là 8.619 tỷ đồng/100.314 tỷ đồng, chiếm 8,59% GRDP của tỉnh.

Tiền Giang tự tin với những kế hoạch cụ thể đối với phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh. Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh, đến năm 2030 đạt 25%. Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, đến năm 2030 đạt 15% và năng suất lao động hằng năm tăng bình quân trên 7%, đến năm 2030 đạt 8%.

Hiện Sở TT&TT tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông biên soạn, triển khai tài liệu dưới nhiều hình thức tuyên truyền, như dạng text, dạng slide, dạng infographic và các video ngắn đảm bảo trực quan, sinh động, dễ tiếp cận người xem. Đáng chú ý, thời gian qua, Tiền Giang đã triển khai thí điểm thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.

Tổ công nghệ số cộng đồng được đánh giá là lực lượng quan trọng, mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn… Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, như Sở Công thương, Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở Tư pháp… và các đơn vị địa phương có  8.007 thành viên hoạt động tại 1.249 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn Tiền Giang.

Trong đợt tập huấn thứ 2, các tổ công nghệ số cộng đồng được trang bị các kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho cộng đồng địa phương. Từ đó, các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng địa phương có thể hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số, kỹ năng số, góp phần nâng cao nhận thức và đưa công nghệ số vào đời sống của người dân.

a
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh tỉnh Tiền Giang đã và đang phát huy hiệu quả cao trong xu hướng chuyển đổi số của tỉnh

Mở rộng mục tiêu triển khai

Trong suốt quá trình thực hiện, nhiều chuyển biến được cải thiện rõ rệt qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Ngoài ra, tỉnh còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới; phấn đấu thứ hạng các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng (SIPAS)… đạt giá trị cao hơn trong thời gian tới.

Hiện chính quyền địa phương tiếp tục nỗ lực để duy trì và cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh thông qua việc phản ánh cũng như phân tích PCI hàng năm. PCI năm 2021 của Tiền Giang đạt 64,41 điểm, xếp hạng 33/63 tỉnh, đứng đầu nhóm trung bình, liền kề tỉnh Nghệ An được xếp loại khá, hạng 32 với 64,75 điểm.

Theo phân tích của các chuyên gia, sự tăng bậc mạnh mẽ của Tiền Giang thời gian qua là do tốc độ cải thiện của các chỉ số thành phần quan trọng, như: Tính minh bạch (6,21 điểm), chi phí không chính thức (7,33 điểm), tính năng động (6,83 điểm), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,95 điểm), đào tạo lao động (5,54 điểm), thiết chế pháp lý (6,48 điểm). Đạt được kết quả như trên là do sự nỗ lực lớn của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, bởi chỉ cần thêm hơn 0,34 điểm Tiền Giang sẽ được xếp loại khá trong chỉ số đánh giá toàn quốc.

Một trong những mục tiêu lớn trong năm 2022 là Tiền Giang lần đầu tiên triển khai đánh giá bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Đây là giải pháp được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, tạo sự thay đổi bứt phá về PCI cấp tỉnh trong thời gian tới. Theo đó, doanh nghiệp được trực tiếp tham gia đánh giá chất lượng phục vụ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Từ đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có chương trình hành động cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như những bất cập, tồn tại nếu có.

UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, cũng như triển khai DDCI trong năm 2022 và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các chỉ số thành phần quan trọng.

Theo chinhphu.vn

.
.
.