Thứ Hai, 28/05/2012, 11:21 (GMT+7)
.

Đoàn ĐBQH tỉnh: Kiến nghị 3 vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

 

Sáng ngày 24-5, kỳ họp thứ ba - Quốc hội khóa XIII thảo luận ở tổ để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2011 và những tháng đầu năm 2012; về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010 và bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015.

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Danh (Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang) nêu những kiến nghị với Chính phủ nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2012:

Thứ nhất, giải pháp miễn, giảm, giản thuế không phải là giải pháp tối ưu, duy nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, vì hiện nay doanh nghiệp chủ yếu gặp khó khăn như tiếp cận vốn vay, tín dụng, lãi suất tiền vay cao, thị trường thu hẹp, sức mua giảm dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng cao, gây ứ đọng vốn, nợ đọng thuế cao.

Do đó, đề nghị Chính phủ cần xem xét toàn diện hệ thống chính sách vĩ mô, trong đó chú trọng hơn về giải pháp tiền tệ, tín dụng, giảm mạnh lãi suất cho vay và cần sớm xem xét vấn đề ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp lại khát vốn.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu hơn để giúp nông dân sản xuất lúa thực sự có lãi, cải thiện được đời sống và giữ được 3,8 triệu hecta đất lúa. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2012/NĐ-CP quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa; những quy định cụ thể nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả đất trồng lúa.

Đây là sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc hạn chế tối đa việc chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Qua tiếp xúc cử tri là nông dân sản xuất lúa, họ cho rằng, ngoài những chính sách đã đề cập trong Nghị định 42 của Chính phủ, cần thực hiện thêm một số vấn đề sau:

- Nhà nước cần công khai quy hoạch diện tích đất lúa cho nông dân biết để họ không tự ý chuyển đổi, hoặc nếu chính quyền địa phương lấy đất lúa để sử dụng vào mục đích khác không đúng quy hoạch thì người nông dân được quyền kiến nghị để bảo vệ chủ trương giữ đất lúa.

- Nhà nước cần đánh giá đúng về vai trò đặc biệt quan trọng của nông nghiệp và nông thôn trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; cần có chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất, trạm bơm điện, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; có chính sách ưu đãi vốn vay cho người trồng lúa để giảm rủi ro…

Trước mắt, đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; cần sửa đổi, bổ sung theo hướng thay đổi tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị được hỗ trợ lãi suất, bởi hiện nay quy định tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị được hỗ trợ lãi suất 60% là quá cao; đồng thời, việc hỗ trợ vốn vay này cần được mở rộng đối với các loại máy móc, thiết bị ngoại nhập, nhất là các loại máy gặt đập liên hợp.

Đối với Quyết định 491/2009/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, đề nghị cần sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí cho phù hợp với thực tế đời sống nông thôn hiện tại và trong tương lai, cụ thể như: Tiêu chí về cơ cấu lao động, thu nhập, chợ nông thôn, sân vận động, nghĩa trang… cho phù hợp với văn hóa đặc thù của các xã nông thôn thuộc vùng ĐBSCL.

Đối với Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở từ 23,5 triệu đồng lên 30 triệu đồng/căn, do hiện nay giá cả vật tư xây dựng và nhân công tăng rất nhiều.

- Đề nghị Chính phủ có giải pháp để ổn định giá cả dịch vụ và giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào, đảm bảo giá cả đầu ra cho cây lúa, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”. Về xuất khẩu gạo, cần có kế hoạch để các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng ngay từ đầu vụ, tránh tình trạng khi nông dân vào vụ thu hoạch thì các doanh nghiệp trì hoãn, hạ giá mua lúa để được Chính phủ hỗ trợ lãi suất mua lúa tạm trữ; đến khi lúa trong dân không còn nhiều thì doanh nghiệp tái ký hợp đồng trở lại, khi đó giá lúa tăng thì nông dân không còn lúa để bán.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ tăng cường công tác thanh tra, có cơ chế kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng các công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn Nhà nước.

Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thông báo nhiều công trình, dự án có vấn đề tiêu cực, trong đó có những công trình đầu tư vốn lớn, áp dụng phương pháp thi công tiên tiến, nhưng khi đưa vào sử dụng thì chất lượng công trình không đảm bảo...

ĐĂNG HIẾU (lược ghi)

.
.
.