Thứ Bảy, 23/06/2012, 09:15 (GMT+7)
.

Khắc tinh của tham nhũng, lãng phí

Ngay sau Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) bế mạc, tôi đã có bài “Phòng, chống tham nhũng, lãng phí: liều thuốc cao hơn” đăng trên Báo Ấp Bắc. Đọc tới đọc lui Kết luận 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí (PCTNLP), tôi nảy ra ý viết bài này.

Trước hết, được biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), công tác PCTNLP có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu…

Tuy nhiên, vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Kết luận nêu ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh nhân tố quyết định thành công của công tác PCTNLP là sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; cũng đồng nghĩa với trách nhiệm nặng nề của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các nhiệm vụ, giải pháp còn lại là việc hoàn thiện con người: thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân; đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác PCTNLP.

Hai nhiệm vụ trọng tâm còn lại là tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội; tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp, đòi hỏi chung là phải bảo đảm tối thiểu ba điều kiện: dân chủ, công khai, minh bạch. Kết luận nhiều lần nói đến 3 điều kiện này, như là biện pháp trong giải pháp. Dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ (nhất là trong các khâu tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật…); trong giám định tài chính, giám định chất lượng công trình đầu tư xây dựng…; trong chi tiêu công; trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên; trong thủ tục hành chính; trong thông báo kết quả xử lý tổ chức, cán bộ, đảng viên sai phạm…

Có dân chủ mới phát huy được trí tuệ tập thể, thu hút được người tài, tạo được sự đồng thuận trong sáng. Có công khai mới phơi bày sự thật, thấy rõ tốt xấu. Có minh bạch mới biết rõ đúng sai, cơ sở tạo lập sự công bằng.

Dân chủ, công khai, minh bạch do đó là khắc tinh của tham nhũng, lãng phí. Ở đâu có 3 vị khắc tinh này thì tham nhũng, lãng phí sớm muộn cũng bị phơi bày, xử lý.

3 vị khắc tinh này có mặt thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tạo thành công luận, là vũ khí sắc bén của các cơ quan truyền thông chân chính, cách mạng. Tham nhũng, lãng phí do đó cũng rất sợ báo chí. Sợ vì:

"Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".

TRẦN QUÂN

.
.
.