Thứ Hai, 11/06/2012, 08:29 (GMT+7)
.
11-6: Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng

Người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi & phong trào cách mạng ở Mỹ Tho

Việc thành lập Collège de Mitho (nay là trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho) của chính quyền thực dân Pháp không ngoài mục đích truyền bá văn hóa Pháp, đào tạo ra lớp trí thức bản xứ nhằm phục vụ chế độ thống trị Pháp.

Thế nhưng, mưu đồ đen tối và thâm độc của nhà cầm quyền thực dân đã bị thất bại thảm hại. Tuyệt đại đa số học sinh của trường vẫn không quên cội nguồn và nền văn hóa dân tộc, mà điều thể hiện trước nhất là tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh bất khuất của họ.

Cuộc đấu tranh đầu tiên của học sinh Collège de Mitho là cuộc bãi khóa (năm học 1922 - 1923) khiến chính quyền thực dân vô cùng lo sợ, vì đốm lửa này sẽ lan rộng khi có luồng gió mới thổi bùng lên. Từ năm 1923 - 1925, học sinh Collège de Mitho được tiếp xúc với sách báo cách mạng do Nguyễn Ái Quốc viết, như quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Báo “Le Paria” (Người cùng khổ)…

Từ năm 1925 - 1926, học sinh của trường nổi lên đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu, bãi khóa nhân đám tang của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, tham gia phong trào Hội kín Nguyễn An Ninh, đập phá rạp chiếu bóng Casino của Hội đồng Ninh khi tên này nịnh hót thực dân Pháp, mạ lỵ cụ Phan Châu Trinh…

Để đối phó, nhà cầm quyền Pháp ở Nam kỳ đã ra quyết định đuổi học toàn bộ 230 học sinh của trường; sau đó, trước sức ép của dư luận, bọn chúng mới lần lượt cứu xét cho trở lại học một số ít học sinh.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và đồng chí Phạm Hùng (thứ  4 từ phải sang)  tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986-1990.  Ảnh:  T.L.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và đồng chí Phạm Hùng (thứ 4 từ phải sang) tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986-1990. Ảnh: Tư liệu

Năm 1928, Collège de Mitho đã có Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và đến năm 1931 có Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đó phong trào đấu tranh của học sinh Collège de Mitho phát triển mạnh mẽ theo con đường cách mạng vô sản, xứng đáng là “một lò lửa cách mạng” ở Nam kỳ hồi đó.

Trong bối cảnh lịch sử như thế, năm 1927, với tên khai sinh Phạm Văn Thiện, đồng chí Phạm Hùng thi đỗ vào trường Collège de Mitho. Lúc bấy giờ, thi đỗ vào trường này phải học thật giỏi, bởi vì hàng năm trường chỉ tuyển sinh với số lượng rất hạn chế.

Vốn học giỏi lại có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần chống áp bức, bất công; lại chịu sự tác động tích cực bởi các cuộc đấu tranh của nhân dân Nam kỳ nói chung và Collège de Mitho nói riêng, đặc biệt là chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sách báo của Nguyễn Ái Quốc, như quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Báo “Le Paria”, Báo “Việt Nam hồn” từ Pháp được bí mật chuyển về Việt Nam…, nên người học sinh trẻ tuổi Phạm Hùng bắt đầu tham gia các tổ chức cách mạng theo khuynh hướng cộng sản được thành lập bí mật tại Collège de Mitho, đầu tiên là “Nam kỳ học sinh liên hiệp Hội” rồi “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” và sau đó là “Thanh niên Cộng sản đoàn”.

Đến năm 1930, với sự giác ngộ sâu sắc lý tưởng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng chí trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam khi tròn 18 tuổi.

Về sự kiện này, đồng chí kể lại: “… Hồi bấy giờ, tôi học ở trường trung học Mỹ Tho, một trường mà bọn thực dân gọi là “lò lửa cách mạng”. Những người học ở trường Mỹ Tho đều chịu ảnh hưởng của sách báo do đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết. Lúc đó, chúng tôi đã có “Nam kỳ học sinh liên hiệp Hội”, tổ chức nhiều chi nhánh khắp các trường trung học ở Nam bộ, kể cả trường Nữ học Sài Gòn. Chịu ảnh hưởng của quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp”, của Báo “Người cùng khổ”, Báo “Việt Nam hồn”, thanh niên, học sinh chúng tôi được sớm giác ngộ về cách mạng dân tộc dân chủ và xã hội chủ nghĩa.

Nên sau đó, bao nhiêu anh em cốt cán của “Nam kỳ học sinh liên hiệp Hội” đều gia nhập “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội” và về sau này vào “Thanh niên Cộng sản đoàn” rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” (1).

Tháng 4-1930, chấp hành sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Collège de Mitho và do đồng chí làm Bí thư. Đây là trường trung học đầu tiên ở nước ta có chi bộ Đảng Cộng sản và cũng là một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Mỹ Tho.

Từ đây, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, trực tiếp là đồng chí Phạm Hùng, phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh Collège de Mitho dâng lên rất mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc “làm reo” ngày 6-10-1930 của toàn thể học sinh trong đợt phối hợp với các cuộc đấu tranh sôi nổi của nhân dân Tiền Giang và nhân dân cả nước trong cao trào cách mạng năm 1930 - 1931.

Sau sự kiện gây chấn động đó, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp buộc thôi học bởi Quyết định số 2782 ngày 20-10-1930 do Thống đốc Nam kỳ Jean - Félix Krautheimer ký. Việc này chứng tỏ tầm vóc và ảnh hưởng của cuộc đấu tranh đối với thanh niên, học sinh rất to lớn; đồng thời, kẻ địch cũng đã bắt đầu nể sợ nhà cách mạng trẻ tuổi Phạm Hùng.

Cuộc khủng bố đầu tiên của bọn thực dân đã không làm đồng chí nao núng, khiếp sợ, mà ngược lại, đồng chí càng hăng hái hoạt động cách mạng. Trong không khí hừng hực của những ngày nhân dân Mỹ Tho vùng lên chống thực dân và bọn địa chủ phong kiến tay sai, đồng chí chuyển công tác về vùng nông thôn để lãnh đạo bà con nông dân và quần chúng lao khổ bị áp bức, bóc lột đứng lên đấu tranh quyết liệt, đòi quyền lợi cho chính giai cấp mình và nền độc lập, tự do cho đất nước.

Đồng chí Phạm Hùng triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội V toàn quốc của Đảng cho BCH Đảng bộ Tiền Giang nhiệm kỳ 1983-1986.  Ảnh: Tư liệu.
Đồng chí Phạm Hùng triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội V toàn quốc của Đảng cho BCH Đảng bộ Tiền Giang nhiệm kỳ 1983-1986. Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1931, khi mới 19 tuổi, đồng chí được Xứ ủy Nam kỳ chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Với tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí đã cùng với các thành viên khác trong Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân tiếp tục quật khởi, nổi lên đấu tranh. Bằng tất cả sự năng nổ, nhiệt tình và phong cách đi sâu, đi sát phong trào quần chúng ở cơ sở, đồng chí Phạm Hùng đã trực tiếp tổ chức và chỉ huy nhiều cuộc biểu tình có quy mô rất lớn. Tiêu biểu là các cuộc biểu tình sau đây:

Ngày 16-1-1931, đồng chí chỉ huy một đoàn biểu tình đông 200 người, từ gò Ông Cuốc (nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành) kéo ra đồn Chợ Bưng đấu tranh. Nhà cầm quyền Pháp ở thị xã Mỹ Tho cho tên đội Dương mang lính đến đàn áp.

Để bảo vệ đoàn biểu tình và quần chúng, đồng chí đã dùng súng bắn trả vào toán lính địch, khiến tên chỉ huy bị thương nặng, bọn còn lại tháo chạy tán loạn. Quần chúng thừa thắng kéo đến Nhà việc xã Thân Cửu Nghĩa đốt hết sổ sách, giấy tờ và rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động (1-5-1931), đồng chí Phạm Hùng chỉ huy 3.000 người ở các xã Vĩnh Kim, Nhị Bình, Dưỡng Điềm, Bình Trưng, Song Thuận, Đông Hòa, Tam Hiệp, Thạnh Phú, Phước Thạnh, Long Hưng, Long Định (nay đều thuộc huyện Châu Thành) trương cờ đỏ búa liềm và biểu ngữ tiến về xã Long Định họp mít tinh, đòi chính quyền thực dân giảm tô thuế, giảm giờ làm, thực hiện Luật Lao động, chống khủng bố, đàn áp.

Với khí thế sục sôi, quần chúng đã trừng trị tên tay sai khét tiếng tàn ác và thâm độc là hương quản Trâu để tạo điều kiện thúc đẩy phong trào đấu tranh ngày càng mạnh mẽ và cảnh cáo những tên tay sai khác (2).

Ngày 1-8-1931, kỷ niệm ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc và nối tiếp phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước, đồng chí chỉ huy cuộc biểu tình tuần hành của hàng ngàn quần chúng từ Nhơn Huề (Chợ Bưng, Tam Hiệp) tiến ra lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1A).

Trước sức mạnh như vũ bão của quần chúng, bọn lính đã dùng súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình tay không để khủng bố, đàn áp. Một số người đã ngã xuống vì đạn của quân thù. Tình hình diễn ra rất căng thẳng. Để đoàn biểu tình có điều kiện tiến lên, đồng chí đã dùng súng bắn trả và cùng với hàng ngàn người la hét vang trời hòa với tiếng trống, mõ nổi lên dồn dập khiến bọn địch hoảng sợ, rút lui. Thừa thế, quần chúng xốc tới vô cùng mãnh liệt.

Cũng trong ngày này, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, chi bộ Đảng ở nhiều xã trong tỉnh đã tổ chức quần chúng tiến hành các cuộc mít tinh, biểu tình, đập phá trụ sở làm việc và đốt sổ sách của chính quyền địch ở cơ sở khiến cho bọn hương chức hội tề và binh lính vô cùng hoang mang, dao động.

Sau cuộc đấu tranh này, chính quyền thực dân Pháp huy động lực lượng hùng hậu tổ chức nhiều cuộc khủng bố, đàn áp hết sức dã man, dìm phong trào của quần chúng trong bể máu. Vào những tháng cuối năm 1931, đồng chí Phạm Hùng bị địch bắt.

Tại Sở Mật thám, mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn một lòng, một dạ trung thành với Đảng và nhân dân, kiên quyết giữ vững lập trường cách mạng. Cuối cùng, bọn chúng phải chuyển đồng chí đến Khám tù Mỹ Tho.

Bọn giám ngục, lính gác và đám tù anh chị (tức tù thường phạm giang hồ), vốn đã nghe danh tiếng của người chiến sĩ cộng sản ngoan cường, nên khi đồng chí đến đây, đã có phần e dè, nể trọng.

Khi vào khám tù, thấy bọn tù anh chị thường hay hiếp đáp tù chính trị, đồng chí  nói với họ: “Anh em chúng ta đều bị đế quốc và tay sai ức hiếp, bắt bớ, tù đày. Ai cũng khổ cực. Đã cho mình là anh chị yêng hùng thì phải có gan chống đế quốc và bọn giám ngục tay sai, bênh vực bạn tù, lẽ nào lại còn hiếp đáp họ!...”.

Trước sự phân tích phải trái, đúng đắn của đồng chí, những người tù thường phạm hiểu ra và không còn ức hiếp tù chính trị. Đồng thời, bằng lập luận đanh thép, kiên quyết, đồng chí Phạm Hùng còn mạnh mẽ đấu tranh việc bọn cai tù, giám ngục thường vô cớ đánh đập, chửi bới tù chính trị, khiến bọn này giảm bớt việc đánh đập tù nhân.

Sau đó chính quyền thực dân tỉnh Mỹ Tho chuyển đồng chí Phạm Hùng lên Sài Gòn và mở phiên tòa thượng thẩm xét xử đồng chí. Tòa án thực dân kết án tử hình đồng chí. Tuy nhiên, do sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân và báo chí ở tỉnh Mỹ Tho, ở Nam kỳ và toàn quốc, thậm chí ở cả bên Pháp, bọn quan tòa đành phải giảm án đồng chí xuống còn chung thân khổ sai và đày đi Côn Đảo.

Quả là người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Phạm Hùng đã có công lao rất lớn trong việc lãnh đạo và thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Mỹ Tho tiến lên mạnh mẽ, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh oanh liệt của nhân dân cả nước trong cao trào cách mạng năm 1930 - 1931.

TS.  NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

(1) Người là niềm tin tất thắng, NXB Thanh Niên, trang 126.
(2) Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang,  tập 1, trang 74, 75, 76                                                                        

.
.
.