Thứ Sáu, 14/09/2012, 13:59 (GMT+7)
.

Ngân hàng Công thương Tây Tiền Giang học và làm theo Bác

“Tận tụy, hết lòng phục vụ khách hàng, luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng, không để khách hàng phản ánh, phàn nàn về thái độ giao dịch. Tiết kiệm giấy in, điện, nước, thời gian cho khách hàng và bản thân. Nâng cao trình độ hiểu biết...”, đó là những tiêu chí mà chị Nguyễn Thị Thanh Thoảng ghi ở bảng đăng ký làm theo Bác trong năm 2012.

Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương Tây Tiền Giang Phạm Quang Đạt cho biết: Từ đặc thù kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ, thường xuyên tiếp xúc với nhiều đối tượng, thành phần khách hàng trên mọi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên tập thể chi bộ đã thống nhất chọn chủ đề: “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” để học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến năm 2015.

Làm theo Bác, nhân viên Ngân hàng Công thương Tây Tiền Giang nâng cao trách nhiệm  phục vụ khách hàng.
Làm theo Bác, nhân viên Ngân hàng Công thương Tây Tiền Giang nâng cao trách nhiệm phục vụ khách hàng.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên, đi vào chiều sâu và thực chất, Chi ủy, Ban Giám đốc Ngân hàng Công thương Tây Tiền Giang đã xây dựng “Chuẩn mực đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và người lao động” gồm các nội dung sau:

- Xây dựng phương pháp làm việc khách quan, khoa học, sâu sát cơ sở; chấp hành Quy định những điều đảng viên không được làm, nâng cao ý thức đấu tranh tự phê bình và phê bình, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.

- Trong công việc luôn có thái độ khiêm tốn, hòa nhã, trung thực; luôn quan tâm lắng nghe ý kiến của quần chúng, gương mẫu nói đi đôi với làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm và làm đạt kết quả tốt.

- Chống các biểu hiện chây lười trong công tác, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, tùy tiện, thiếu tinh thần phối hợp hỗ trợ trong giải quyết công việc, trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, gây bè phái, cục bộ…

Sau khi biểu quyết chọn chủ đề học tập và làm theo Bác, Chi ủy, Ban Giám đốc ngân hàng đã triển khai cho các phòng, ban, đoàn thể của đơn vị, phổ biến đến từng cán bộ, đảng viên, nhân viên của ngân hàng.

Từ đó, 100% cán bộ, đảng viên, nhân viên của ngân hàng đã lựa chọn những phần việc cụ thể, thiết thực, phù hợp với vị trí công việc, nhiệm vụ của mình để đăng ký làm theo Bác.

Riêng đối với cán bộ, đảng viên là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn và lãnh đạo các đoàn thể, ngoài đăng ký các phần việc làm theo Bác, còn phải đăng ký trách nhiệm nêu gương.

Ngoài ra, lãnh đạo ngân hàng còn phát động phong trào 3 tiết kiệm: Tiết kiệm về thời gian; tiết kiệm vật liệu, giấy tờ in; tiết kiệm điện, nước, điện thoại.

Sau đó, chi bộ phân công đảng viên là cán bộ lãnh đạo các phòng, tổ phối hợp cùng bộ phận giúp việc giám sát, kiểm tra cán bộ, đảng viên, nhân viên, người lao động, qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc làm theo Bác.

Anh Phạm Minh Linh, Trưởng Phòng Khách hàng cá nhân chia sẻ: Sau khi đăng ký các phần việc làm theo Bác, nhân viên trong phòng đã có những chuyển biến tích cực, làm việc có nền nếp, sắp xếp công việc khoa học hơn. Điểm nổi bật là nhân viên đã tích cực tham gia các hoạt động phong trào, nhất là phong trào từ thiện - xã hội. Ngoài ra, nhân viên còn tiết kiệm thời gian của khách hàng, tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm, không còn đi trễ về sớm…

Từ đó góp phần tích cực giúp ngân hàng thực hiện đạt chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra. Cụ thể, năm 2011 lợi nhuận sau khi trích lập dự phòng rủi ro là 11,533 tỷ đồng và lợi nhuận bình quân đầu người của chi nhánh đạt 311 triệu đồng, tăng 115 triệu đồng so với năm 2010. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, lợi nhuận sau khi trích lập dự phòng rủi ro là 5,572 tỷ đồng…

Bí thư Chi bộ Phạm Quang Đạt phấn khởi: Thực hiện 3 tiết kiệm, bước đầu đã có kết quả tích cực. Cụ thể, về tiết kiệm thời gian, đã rút ngắn thời gian giao dịch với khách hàng, thời gian tác nghiệp, thời gian của đồng nghiệp và của các cấp phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhân viên của đơn vị tác nghiệp nhanh chóng, chính xác, không để mất thời gian cho khách hàng, đồng nghiệp.

Tình trạng hội họp trễ giờ đã được khắc phục triệt để. Về tiết kiệm văn phòng phẩm: Phải kiểm tra kỹ nội dung trước khi in; phải in 2 mặt, nếu in sai phải giữ lại giấy để làm nháp. Giấy in không còn sử dụng được thì để dành làm giấy quấn tiền…

Về tiết kiệm điện, nước, điện thoại: Không mở quá sớm thiết bị điện, máy lạnh, máy vi tính khi chưa giao dịch với khách hàng và tắt màn hình máy tính khi ra khỏi phòng; điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa vừa phải khi thời tiết bên ngoài không quá nóng bức và tắt trước khi hết giờ làm việc 30 phút; giao dịch qua điện thoại phải ngắn gọn và phải chuẩn bị trước nội dung khi điện thoại cho khách hàng… Từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã tiết giảm chi phí hơn 200 triệu đồng.  

Làm theo Bác, bên cạnh việc kinh doanh, Ngân hàng Công thương Tây Tiền Giang còn quan tâm đến công tác từ thiện, an sinh xã hội, xem đó là trách nhiệm của mình đối với các gia đình chính sách, các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Từ năm 2010 đến nay, ngân hàng đã xây tặng 7 căn nhà tình nghĩa, 11 căn nhà đại đoàn kết, 2 phòng học cho Trường Mẫu giáo Ngũ Hiệp (Cai Lậy), trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh của 25 trường…, với tổng trị giá 822 triệu đồng.

Ngoài ra, hàng năm ngân hàng còn ủng hộ và tài trợ cho Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn để thực hiện các chương trình từ thiện - xã hội, mỗi đơn vị từ 5 đến 10 triệu đồng/năm. 

NGUYÊN CHƯƠNG

.
.
.