Thứ Sáu, 11/01/2013, 06:23 (GMT+7)
.

Báo Đảng - lòng dân

Ở đồng bằng Nam bộ, ở Tiền Giang có một cơ quan báo mà phải sống, làm việc dưới gốc bình bát, núp dưới rặng trâm bầu. Người phóng viên mới hôm qua tay cuốc tay cày, nay tay viết; vừa làm phóng viên, vừa làm chiến sĩ; vừa viết tin, bài, lại phải gát bút đi gài chông, gài lựu đạn, cầm súng chống giặc đi càn. Khi cần một bài mang tính thời sự nóng hổi, người làm báo cũng xung phong vào trận địa, cũng xung kích như Chiến sĩ Giải phóng quân.

Và giữa muôn vàn khó khăn nhất của cách mạng, giữa mạng lưới kềm kẹp dày đặc của kẻ thù, chỉ một vài đồng chí cũng vẫn làm ra báo, ấn loát (in) bằng bột, xu xoa hay đất sét, chỉ mấy mươi tờ, khổ bằng trang giấy nhỏ và len lỏi qua mắt giặc để cho đồng bào ta chuyền tay nhau xem.

Chỉ vậy thôi mà báo đã đi vào lòng người đọc từng câu, từng chữ như người đang khát nước gặp mưa rơi. Và cũng chỉ vậy thôi, đã gợi lên trong lòng người đọc niềm xúc động vô biên: “Đảng vẫn ở bên cạnh chúng ta”.

Trước khi báo Đảng của tỉnh nhà mang tên Ấp Bắc, lịch sử Đảng đã đánh dấu từng chặng đường bằng phương thức cách mạng, báo chuyển giai đoạn bằng những cái tên được ghi vào lịch sử như: Lao Động, Dân Cày, Nông Dân, Phấn Đấu, Vùng Lên, Tranh Đấu, Thông Tin, Giải Phóng… Những tờ báo mang dấu ấn lịch sử ấy dù ra mắt với bạn đọc chỉ trong thời gian nhất định nào đó, song vẫn là báo Đảng, mang tiếng nói của Đảng, đến với mọi người dân bị áp bức, tạo niềm tin vững chắc giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng, tạo nên sức mạnh, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng đến bến bờ vinh quang.

Đến ngày 2-1-1963, một chiến thắng làm nức lòng nhân dân cả nước, chấn động năm châu, đảo điên phe hiếu chiến. Đó là trận Ấp Bắc nổ ra trên quê hương Ấp Bắc. Sau Chiến thắng Ấp Bắc không lâu, tờ báo Đảng tỉnh Mỹ Tho mang tên lịch sử vàng ấy. Tầm vóc và sứ mạng của tờ báo Đảng vì vậy đã được nâng cao, nhân rộng.

Hoạt động của Báo Ấp Bắc chuyển lên bước mới bằng cách tăng cường thêm nhân lực, được sự hỗ trợ của nhiều cây viết chuyên nghiệp của các báo Khu Trung Nam bộ, báo Quân khu 8, cả lực lượng văn, thơ, nhạc, họa của những cơ quan văn hóa - nghệ thuật. Báo Ấp Bắc được in chữ chì bằng khuôn tự tạo để kéo quay guốc với số lượng nhiều trang, nhiều tờ, đến với nhiều đối tượng người xem.

Có giao liên (giao bưu) chuyển báo đến khắp nơi trong tỉnh từ vùng giải phóng đến các vùng kềm kẹp của giặc, đặc biệt báo còn được trao đổi với mọi tỉnh, thành trong cả nước. Qua báo, bè bạn gần xa đã hiểu thêm nhiều về đất nước và con người Mỹ Tho - Tiền Giang.

Đến sau ngày 30-4-1975, Báo Ấp Bắc chuyển sang một thời kỳ mới. Ở thời kỳ đầu sau giải phóng, thống nhất đất nước, Báo Ấp Bắc là phương tiện quan trọng để phục vụ sát sườn mọi chủ trương của Đảng bộ tỉnh như: Ưu tiên phát triển nông nghiệp “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”.

Ra quân trên mặt trận thủy lợi “Bắt đất phải nhã ra thóc, thay trời làm mưa”. Phong trào giao lương, Phong trào xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, Phong trào hợp tác xã mua bán, Phong trào đảm phụ giải phóng, Phong trào nghĩa vụ quân sự, phục vụ biên giới Tây - Nam của Tổ quốc…

Về xuất bản, suốt thời gian khá dài, báo in một tuần 5.000 tờ theo số lượng giấy in được Cục Báo chí Trung ương cấp khống chế. Số lượng in tùy theo trọng tâm chính trị của đợt, của chiến dịch. Vì báo lúc bấy giờ còn coi như là một tài liệu học tập, phát động quần chúng. Do đó, báo phải phát hành theo từng cụm trọng điểm của đợt học tập chính trị, của chiến dịch hoạt động mang trọng tâm kinh tế, văn hóa, xã hội… theo chỉ đạo của cấp trên. Vì vậy số lượng in lúc tăng gấp đôi, lúc tăng gấp rưỡi. Vì giấy in được “rót” xuống có hạn nên có lúc Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo báo ra bốn trang.

Cũng trong thời gian này, Ban Biên tập báo tìm mọi cách bổ sung phóng viên, nâng tay nghề, mở lớp bồi dưỡng cộng tác viên. Phóng viên vừa đi phong trào, vừa đào tạo cộng tác viên, vừa phát hành báo. Một gợi ý được Ban Biên tập đặt ra với anh em là “Ra khỏi ngỏ gặp đề tài”, lột dép, lội ruộng hòa mình với người ta để viết”…

Báo Đảng - lòng dân qua Báo Ấp Bắc và những tờ báo tiền thân mãi sau này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho những người làm báo hôm qua, hôm nay và mai sau dấn thân: Vì Báo Ấp Bắc - vì sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

TIỀN PHONG

.
.
.