Thứ Ba, 01/01/2013, 09:01 (GMT+7)
.

Mặt trận sân bay Thân Cửu Nghĩa: Nổ súng theo chuyến bay

Sau 3 trận liên tiếp đứng lại đánh càn của Tiểu đoàn 514 giành thắng lợi: Trận ngày 13-9-1962 tại rạch Cả Nai (xã Mỹ Long), trận ngày 24-9-1962 ở 2 xã Phú Phong - Vĩnh Kim và trận ngày 5-10-1962 tại Cầu Vông (xã Mỹ Hạnh Đông); tháng 10-1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội mở hội nghị rút kinh nghiệm và kết luận: Đánh càn thắng lợi phải dựa vào thế 3 mũi giáp công trong một trận đánh càn, phải hợp đồng chống càn tại điểm với tấn công trên diện rộng.

Triển khai thực hiện tinh thần đó, Ban Chỉ huy Tỉnh đội bố trí giao nhiệm vụ cho Đại đội Trinh sát xây dựng căn cứ tại khu vực giáp ranh 3 xã Thân Nhơn, Tam Hiệp, Long An; lập phương án tác chiến kềm chế mọi hoạt động chi viện phục vụ cho càn quét của địch tại sân bay Thân Cửu Nghĩa.

Thực lực của Đại đội Trinh sát lúc ấy mới có 2 trung đội đủ, đồng chí Lê Văn Việt làm Đại đội trưởng, đồng chí Da Lu làm Đại đội phó và đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Chỉ huy phó Trinh sát Tỉnh đội chỉ huy chung.

Đêm 1-1-1963, qua theo dõi tình hình địch trong sân bay, kết hợp tin của cơ sở trinh sát bên ngoài, ta đánh giá sáng hôm sau địch sẽ có càn lớn và sẽ sử dụng sân bay làm đầu cầu chi viện phục vụ. Ngay đêm đó các cán bộ chỉ huy đã họp, triển khai các phương án tác chiến đến từng chiến sĩ.

Xác máy bay Mỹ trên cánh đồng Ấp Bắc.
Xác máy bay Mỹ trên cánh đồng Ấp Bắc.

Hơn 6 giờ sáng ngày 2-1, mặt trận Ấp Bắc nổ súng. Địch trong sân bay nhốn nháo, sau đó là từng tốp máy bay trực thăng hạ cánh rồi cất cánh. Ban Chỉ huy Đại đội Trinh sát ra lệnh triển khai đội hình chiến đấu bắn máy bay, theo phương án cơ động ra đồng trống tiếp giáp sân bay.

Hơn 7 giờ, một tốp trực thăng từ hướng Ấp Bắc về chuẩn bị hạ cánh, bộ đội với súng tiểu liên đã nổ những loạt đạn đầu tiên; không trúng đích nhưng đã làm cho đội hình bay của địch rối loạn. Đến chuyến hạ cánh khoảng 9 giờ, ta đã bắn hạ chiếc trực thăng đầu tiên, cả Đại đội Trinh sát hết sức phấn khởi.

Khi ấy, lực lượng địch bảo vệ sân bay cũng chỉ có 1 đại đội bảo an và cũng không có phản ứng. Bộ đội tiếp tục vận động ra đến giữa đồng, còn cách sân bay độ 500m. Để chủ động phòng ngự, sau mỗi đợt nổ súng lúc trực thăng hạ cánh rồi cất cánh, bộ đội cơ động ra vào chiến đấu theo từng chuyến bay.

Khoảng 12 giờ, chiếc trực thăng thứ hai bị bắn hạ. Đợt chiến đấu này, Ban Chỉ huy còn cho khẩu cối 60 ly bắn yểm trợ mấy quả vào sân bay, dù không sát thương thêm địch nhưng từ lúc đó đến chiều địch không còn sử dụng sân bay Thân Cửu Nghĩa cho máy bay lên xuống.

Mặt trời sắp lặn, lúc Đại đội Trinh sát đã lùi hết về mé tiền duyên, 1 trung đội liền nhận được nhiệm vụ mới: Chuẩn bị bao vây pháo kích đồn ngã tư Chợ Bưng, căn cứ Giồng Dứa. Ngay lúc đó địch lại cho máy bay tiếp tục hạ cánh xuống sân bay, nhưng lần này chỉ có 1 chiếc.

Ta quan sát bằng ống nhòm, phát hiện địch chuyển tới nhiều kiện hàng, chất ngoài trống nhưng không rõ đó là vũ khí, phương tiện hay hàng quân dụng. Nắm chắc lực lượng bảo vệ sân bay chỉ có đại đội bảo an, đến tối địch vẫn không tăng cường thêm, Ban Chỉ huy hội ý chớp nhoáng và quyết định dù còn 1 trung đội ta vẫn tổ chức đánh địch, thu số hàng địch vừa chuyển đến.

Đồng chí Việt cùng 1 tiểu đội trinh sát bám địch, cán bộ còn lại xuống ngay 2 xã Thân Nhơn, Tam Hiệp huy động dân công. Gần 10 giờ đêm ngày 2-1, liên lạc của bộ phận trinh sát về báo: Đại đội bảo an đã bung ra bảo vệ vòng ngoài, tại nơi địch chất hàng không có 1 tên lính nào.

Tình hình hết sức thuận lợi, hơn 50 dân công đã có mặt nôn nóng thúc giục anh em hành quân, không chờ thêm dân công còn chưa tới. Có người nói: “Người ít thì mình ráng vác nặng một chút”. Khoảng 2 giờ sáng, toàn bộ hàng chiến lợi phẩm được chuyển hết về tới căn cứ của Đại đội Trinh sát, đó là 200 đạn Rocket hỏa tiển còn mới nguyên trong hòm.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.