Thứ Tư, 02/01/2013, 12:22 (GMT+7)
.

“Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, nhân dân Mỹ Tho-Gò Công nổi dậy

Sau chiến thắng Ấp Bắc, ngày 25-3-1963, Trung ương Cục quyết định phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở miền Nam.

Phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” hướng vào các nhiệm vụ cụ thể: Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, xây dựng xã chiến đấu, chống càn quét lấn chiếm, phá ấp chiến lược, binh vận. Đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm, nuôi quân, phòng gian bảo mật, ủng hộ bộ đội, du kích. Đẩy mạnh tòng quân, săn sóc thương binh, làm tốt chính sách đối với liệt sĩ và gia đình có công với cách mạng, chống bắt lính, chống địch vũ trang nhân dân.

Phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” được phát động trong tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công. Bộ đội tỉnh kết hợp với lực lượng vũ trang huyện, xã và quần chúng phá ấp chiến lược, theo phương thức: “Bao vây bức rút bức hàng. Đứng lại đánh càn giải phóng nông thôn”.

Trước thế tiến công của ta sau trận Ấp Bắc, địch tăng cường đôn quân bắt lính, xây dựng bộ máy kềm kẹp ở cơ sở, kết hợp với lực lượng chủ lực hành quân càn quét dọc theo các tuyến giao thông nhằm hỗ trợ lực lượng địa phương đóng đồn, xây dựng các khu gom dân.

Trước mắt chúng xây dựng các khu gom dân ở Dưỡng Điềm, Điềm Hy dọc theo lộ 4, gom dân 7 xã huyện Cai Lậy; Khu lộ An Khương, gom dân các xã Trung Hòa, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh. Cùng lúc địch củng cố ấp chiến lược xây dựng dọc theo lộ 4, lộ 24, tuyến kinh 12...

Tháng 3-1963, địch tập trung 10 đại đội bảo an, 1 tiểu đoàn chủ lực, 1 tiểu đoàn biệt động quân, 1 hải đoàn, 40 xe M.113 càn vào các xã thuộc huyện Cai Lậy. Quần chúng đấu tranh không chịu dỡ nhà, chúng cột dây vào nhà rồi cho xe M.113 kéo sập. Nguyễn Thúc Hùng, quận trưởng Cai Lậy trực tiếp chỉ huy dỡ nhà. Tại hai xã Tân Bình Thạnh và Trung Hòa địch gom được 9.000 dân ra lộ An Khương.

Cuối tháng 4-1963, Tiểu đoàn 514 điều Đại đội 2 xuống huyện Chợ Gạo, Hòa Đồng, Gò Công. Đại đội 2 kết hợp với bộ đội địa phương 305 Hòa Đồng đột phá các ấp chiến lược: Ụ Giữa, Vĩnh Phú, Vĩnh Phong xã Thạnh Trị. Bộ đội địa phương Chợ Gạo và du kích đánh phá ấp chiến lược Bình Đông xã Bình Phan,  ấp chiến lược Long Thạnh, Bình Khương xã Quơn Long, ấp chiến lược Bình An xã Song Bình, ấp chiến lược Mỹ An xã Mỹ Phong. Đêm 21-5, bộ đội địa phương huyện tiến công trụ sở tề xã Mỹ Phong, diệt và làm bị thương 10 tên.

Ở Gò Công, Đại đội 206 phối hợp với nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược An Hòa; đứng lại đánh bọn dân vệ, thanh niên chiến đấu, phát động quần chúng phá ấp ban ngày, bức rút đồn trong ấp. Đây là ấp chiến lược đầu tiên trong tỉnh bị phá dứt điểm. Phối hợp với mặt trận chính, các xã Bình Tân, Đồng Sơn, Phú Thạnh Đông, Thạnh Nhựt, lực lượng du kích cùng nhân dân phá ấp chiến lược và cảnh cáo ác ôn.

Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho quyết định chọn 3 xã Cẩm Sơn, Xuân Sơn, Hội Sơn (Cai Lậy) mở mảng rút kinh nghiệm. Tiểu đoàn 514 phối hợp với 2 trung đội địa phương Cai Lậy, du kích 3 xã, có yểm trợ hỏa lực của đơn vị trợ chiến tỉnh.

Đêm 27-5-1963, lực lượng địa phương Cai Lậy, du kích và đơn vị trợ chiến bao vây đồn Cẩm Sơn, Xuân Sơn và Hội Sơn. Đại đội l ém quân ở Xẻo Tre, Đại đội 2 và Đại đội 3 phục kích mé lộ thầy Thanh, cách đồn 500 mét. Đơn vị trợ chiến dùng badôca bắn sập một góc đồn Cẩm Sơn.

10 giờ, đại đội bảo an 174 quận Khiêm Ích (Cai Lậy) tiến vào trận địa, chạm súng với Đại đội 2. Đại đội 1 và Đại đội 3 vận động khóa đuôi. Đại đội 3 lên chậm, bọn địch đi sau tháo chạy qua cầu Phú An. Bọn đi đầu bám vào địa hình chống trả, ta diệt 23 tên, làm bị thương 17 tên, bắt 5 tên. Đêm 27-5-1963, nội tuyến trong đồn Cẩm Sơn nổi dậy diệt gần hết bọn chỉ huy, phối hợp lực lượng ta bên ngoài bức hàng số lính còn lại trong đồn.

Ở xã Long Trung du kích bao vây đồn Ông Đề, ấp 11. Sau 1 ngày đêm bị bao vây, địch ra hàng. Đồn Cầu Ván Nhỏ, ngã tư Hưng Long, Chợ Cầu và Xuân Sơn rút chạy. Hai xã Cẩm Sơn, Long Tiên được giải phóng.

Kinh nghiệm trận Tiểu đoàn địa phương 514 đột phá giải phóng khu vực Cẩm Sơn, đánh phá ấp chiến lược Bình Tân càng làm sáng tỏ hơn những điều đã nhận định: Muốn giải phóng được nhiều xã, phá dứt điểm được nhiều ấp chiến lược thì phải tập trung 3 thứ quân bám trụ tại chỗ mở từng khu vực. Sau đó dùng 3 lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận tại chỗ mở rộng diện bao vây, tiêu diệt, bứt rút, bứt hàng đồn bót, tạo thời cơ cho quần chúng bị kềm kẹp nổi dậy phá tan ấp chiến lược.

Tháng 7-1963, Quân khu mở đợt đánh phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn. Mỹ Tho được chọn làm điểm. Quân khu ủy thống nhất với tỉnh chọn vùng nam quốc lộ 4, gồm 14 xã thuộc 2 huyện Cai Lậy, Châu Thành, làm mặt trận chính tiến công và nổi dậy. Vùng Nam lộ 4, từ sau Đồng khởi 1960, người dân hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Vùng giải phóng rộng tồn tại cho đến trước năm 1962 khi địch bắt đầu xây dựng ấp chiến lược. Tuy bị địch kềm kẹp gắt gao nhưng ở nhiều xã ta vẫn xây dựng được thế tấn công ba mũi.

Song song với mặt trận chính, tỉnh mở mặt trận kết hợp ở Chợ Gạo, cùng nổ súng đồng thời với trọng điểm. Nhiệm vụ của mặt trận Chợ Gạo là thu hút địch, nhằm làm giảm áp lực địch lên trọng điểm, để các đơn vị ở mặt chính đánh bứt hệ thống đồn bót của địch và phá hệ thống ấp chiến lược, giành quyền làm chủ.

Đêm 16-7, tổ đặc công tỉnh Mỹ Tho và du kích xã Long Tiên đánh sập 1 lô cốt ấp chiến lược bót Cả Mít. Du kích xã trong mặt trận chính đồng loạt nổ súng đánh các đồn và chốt canh trong các ấp chiến lược. Ban binh vận các xã tổ chức học tập cho gia đình binh sĩ và đưa họ vào đồn kêu gọi thân nhân trở về, phát động quần chúng nổi dậy, phá ấp chiến lược.

Cùng thời gian, Đại đội 1 Tiểu đoàn 514 bộ đội địa phương Châu Thành cùng du kích xã bức hàng bót Đông Hòa, bót Bình Trưng và bót cầu Sập, xã Song Thuận, thu toàn bộ vũ khí. Phát động quần chúng nổi dậy phá tan bộ máy kềm kẹp, san bằng đồn bót và ấp chiến lược ở các xã Kim Sơn, Phú Phong, Hữu Đạo...

Ở Cai Lậy, bộ đội địa phương kết hợp với du kích xã cùng gia đình binh sĩ và quần chúng nổi dậy bao vây siết chặt các đồn bót. Tiếp tục bức hàng được bót ngã ba Hưng Long, bót Mù U ở Tam Bình, bót Đìa Đưng xã Mỹ Long và bức rút các bót Long Khánh, Phú Quí, Nhị Quí, Mỹ Long, thu toàn bộ vũ khí.

Đến ngày 21-7-1963, ở mặt trận chính ta phá hủy bót và công sở xã Vĩnh Kim, bức hàng 8 đồn và bức rút 6 đồn, tiêu diệt 1 đại đội bảo an, bức hàng 8  trung đội bảo an và phá tan bộ máy kềm kẹp của địch từ ấp đến xã, phá dứt điểm 14 ấp chiến lược và khu tập trung dân cư của 14 xã, thu trên 200 súng.

Hoạt động tháng 7-1963 giành thắng lợi to lớn, mở ra vùng giải phóng liên hoàn 14 xã của 2 huyện Cai Lậy, Châu Thành. Vùng “Giải phóng 20-7” ra đời từ đó.

Cổ Chi - Phú Mỹ là tuyến ngăn chặn ta từ Đồng Tháp Mười tiến ra lộ 4 Tân Lý Tây và Tân Hương. Ở đây bọn địch kềm kẹp dân rất nặng nề. Vùng này được giải phóng, ta khai thông hành lang xuống Chợ Gạo. Giải phóng xong khu vực Cổ Chi - Phú Mỹ, Tiểu đoàn 514 điều Đại đội 1 xuống Cái Bè, Đại đội 2 và Đại đội 3 xuống các huyện phía đông, có nhiệm vụ hỗ trợ địa phương giải phóng nông thôn.

Ngày 2-11-1963, Tiểu đoàn 261 bao vây tấn công yếu khu Ba Dừa (Long Tiên - Cai Lậy). Sau 4 ngày đêm vây đánh, địch đầu hàng, ta bắt 62 tù binh. Du kích và nhân dân xã Long Tiên, Long Trung, Long Khánh, Tam Bình, Cẩm Sơn, Xuân Sơn, Hội Sơn (Cai Lậy) bao vây, bức rút, bức hàng toàn bộ đồn bót trong khu vực.

Tiểu đoàn 261 chuyển xuống hỗ trợ quần chúng bao vây thị trấn Vĩnh Kim, giải phóng xã Đông Hòa (Châu Thành). Vùng giải phóng 20-7 được mở rộng về phía tây đến rạch Ba Rài (Cai Lậy), phía đông đến kinh Nguyễn Tấn Thành (Châu Thành), phía bắc sát lộ 4, phía Nam giáp sông Tiền. Hành lang vận chuyển vũ khí từ Bến Tre qua lộ 4 về Đồng Tháp Mười thông suốt.

Đại đội 1 bức rút đồn Mỹ Lương, Cái Thia, Nước Trong, hỗ trợ bộ đội địa phương Cái Bè và 3 mũi bao vây bức rút nhiều đồn phía bắc lộ 4, giải phóng một vùng rộng lớn 6 xã phía bắc huyện. Từ kinh Nguyễn Văn Tiếp ra đến lộ 4, rạch Ruộng, xã Thanh Hưng giáp tỉnh Kiến Phong, chỉ còn đồn Cái Nứa, xã Hậu Thành và khu trù mật Hậu Mỹ. Đại đội 2, Đại đội 3 diệt đồn Mỹ Tịnh An, đồn ngã ba Chị Cúc, đồn Thanh Bình, đồn Phú Kiết; hỗ trợ quần chúng nổi dậy.

Đại đội 206 hỗ trợ quần chúng nổi dậy, diệt và bức toàn bộ đồn bót trong huyện, chỉ còn lại thị trấn Gò Công. Hòa Đồng tự giải phóng được 3 xã Phú Thạnh Đông, Bình Tân, Vĩnh Hựu, phá banh 5 ấp chiến lược trên lộ 24 thuộc các xã Thạnh Trị, Bình Phục Nhứt, Thạnh Nhựt.

Công binh chủ động phục kích các tuyến giao thông, phá hủy và phá hõng 43 xe quân sự, 12 tàu. Du kích Thanh Hòa diệt 1 xe Jeep ngay sát thị trấn Cai Lậy, làm chết 3 tên, thu 2 súng. Du kích Thân Cửu Nghĩa đánh sân bay, phá hỏng 1 máy bay L.19. Du kích xã Mỹ Thiện dùng ong vò vẽ, đắp mô trên quốc lộ 4, cắt đứt giao thông một ngày.

Du kích Tân Hội dùng mìn “gạt” gài trong mô, địch gỡ đem về đồn. Đám lính bu lại xem, một tên dựng quả mìn lên, mìn nổ, diệt 10 tên. Trên quốc lộ 4, các đoạn Cầu Rượu, ấp Trung, lộ quẹo Nhị Bình, Thẻ 24, ngã 3 Nhị Quí, xóm Bưng Cả Chác, lộ quẹo Bình Phú, Thẻ 23, Đồng Lớn, Cổ Cò là những điểm săn xe và phá lộ của du kích.

Trong các ấp chiến lược, du kích trừng trị 86 tên ác ôn, cảnh cáo hạ uy thế 1.765 tên. Du kích Hậu Mỹ phục kích diệt và bắt 1 tiểu đội dân vệ, thu 11 súng. Du kích Đông Hòa Hiệp tập kích 1 lô cốt, thu 6 súng, 25 lựu đạn. Du kích Hậu Thành phục kích diệt 3 tên, thu 3 súng. Du kích Tân Thành, An Hòa, Kiểng Phước, Tân Niên Tây, Tân Niên Trung, Tân Niên Đông, Bình Ân (Gò Công) bám sát ấp chiến lược, tuyến giao thông, đánh địch đạt kết quả cao.

Cuối năm 1963, tỉnh Mỹ Tho xây dựng được 33 xã chiến đấu. Quần chúng đào hơn 216.550 hầm chông, cắm hơn 2,2 triệu mũi chông lao, gần 50 ngàn chông bàn, đào 5km giao thông hào, làm hơn 25.230 công sự chiến đấu, dựng gần 143km hàng rào chiến đấu, đào 72 tuyến kinh, dài 500km, rộng 5 mét để ngăn xe M.113.

Các tổ vũ khí xã sản xuất 18.724 đạp lôi. Công trường huyện Gò Công sản xuất được đạn cối lửa, có chứa chất cay làm ngạt thở, bắn xa 200 mét để bao vây đồn. Công trường huyện Cái Bè sản xuất lựu đạn, vỏ đúc bằng gang.

Năm 1963, lực lượng vũ trang đánh 3.595 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 5.891 tên (bắt 2.605 tên), bắn rơi 14 máy bay, phá hủy và hỏng 23 xe quân sự, thu 332 súng các loại, 1.308 mìn, lựu đạn và 15 máy thông tin.

Quốc sách “ấp chiến lược” của địch ở Mỹ Tho đến năm 1963 bị phá sản. Bộ tổng tham mưu ngụy thú nhận: “Tại Định Tường - một trong các tỉnh trọng điểm của miền Trung Nam bộ, chỉ còn 10 ấp trong tổng số 184 ấp đã lập, nhưng không còn đủ tiêu chuẩn nữa”.

Phong trào thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công đã động viên quân và dân tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Công đẩy mạnh cao trào giành quyền làm chủ ở nông thôn diễn ra sôi nổi, toàn diện, làm nền tảng để xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng 20-7 và làm thất bại một bước quan trọng âm mưu bình định lấn chiếm của địch.

LÊ VĂN TÝ

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang: “Chiến thắng Ấp Bắc - Kỷ yếu Hội thảo khoa học”. Tháng 12-1993.
2. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang: “Lịch sử kháng chiến Quân dân Tiền Giang (1940-1975)”. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008.

3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-Viện Lịch sử Đảng: “Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục Miền Nam (1954-1975)”. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.
4. J.Pimlott: “Việt Nam những trận đánh quyết định”. Trung tâm thông tin khoa học- Công nghệ- Môi trường. Bộ Quốc phòng. 1997.

5. Lê Quốc Sản: “Cuộc đọ sức thần kỳ”. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1991.
6. “Trận Ấp Bắc nhìn từ hai phía”. Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. 1992.

 

.
.
.