Thứ Hai, 04/02/2013, 16:13 (GMT+7)
.

Những chặng đường chiến đấu cam go của Thành ủy Mỹ Tho

Cơ quan Thành ủy Mỹ Tho phải trải qua nhiều lần di chuyển căn cứ hoạt động đầy cam go, hy sinh gian khổ mới đến được ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Điều này càng mang lại nhiều ý nghĩa hơn khi cả nước đang kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng.

Để chuẩn bị mọi mặt cho đợt tổng công kích tiến tới tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định trong “Chiến tranh cục bộ”, Hội nghị Khu ủy Khu 8 (tháng 6-1967) đã chọn TP. Mỹ Tho làm trọng điểm tấn công, vì đây là cơ quan đầu não bộ máy chiến tranh của địch trên địa bàn Khu 8.

Để đảm bảo cho sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời trên chiến trường trọng điểm, theo đề xuất của Khu 8, Trung ương cục miền Nam đã chuẩn y nâng TP. Mỹ Tho lên ngang cấp tỉnh, trực thuộc Khu 8. Ngày 24-8-1967, Thành ủy Mỹ Tho đầu tiên được thành lập tại Thạnh Hưng (Cái Bè) gồm 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Thanh Hà (Mười Hà) làm Bí thư Thành ủy.

Từ những nhiệm vụ cấp bách, Thành ủy Mỹ Tho đã đề ra phương hướng hoạt động là vừa tấn công vừa xây dựng để tấn công, tổ chức đến đâu thì hoạt động đến đó, để trong 3 tháng hoàn thành việc chuẩn bị thế và lực cho kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Thành ủy Mỹ Tho đã chỉ đạo chia thành phố thành 4 khu trong nội ô và các xã ven gồm: Đạo Thạnh, Mỹ Phong, Trung An, Tân Mỹ Chánh. Vì yêu cầu phải giữ bí mật nên ta tránh đụng đầu trực tiếp với địch, phải lách, né, xây dựng các cụm hầm bí mật hình thành tam giác, lấy trung đội làm cơ sở.

Căn cứ Thành ủy Mỹ Tho tại ấp 3 A xã Đạo Thạnh
Bia lưu niệm căn cứ Thành ủy Mỹ Tho tại ấp 3 A, xã Đạo Thạnh

Nếu địch phát hiện một hầm thì số còn lại tốc lên dựa vào nhau chiến đấu, sau đó phân tán, thọc sâu bám vào dân. Nên dù có hỏa lực mạnh, địch vẫn không đẩy được lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn, ngược lại chúng còn chủ quan cho rằng ta chỉ có một số du kích lẻ tẻ không đáng kể.

Do địa hình mỏng vì vậy ta phải hết sức khôn khéo để không lộ lực lượng và làm cho địch không phán đoán được ý đồ chiến lược của ta. “Đi không dấu, nấu không khí, đèn không để lọt ánh sáng ra bên ngoài”là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy và các lực lượng võ trang, đoàn thể quần chúng nội ngoại ô TP. Mỹ Tho.

Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam đã đập tan chiến lược chiến tranh cục bộ, một cuộc chiến tranh tổng lực mà Mỹ thực hiện ở Việt Nam với những cố gắng cao nhất của cường quốc quân sự trong chủ nghĩa đế quốc.

Nói về căn cứ của Thành ủy Mỹ Tho ở Mỹ Hạnh Đông (Cai Lậy), trong hồi ký của đồng chí Nguyễn Thanh Hà (Mười Hà), Bí thư đầu tiên của Thành ủy Mỹ Tho có viết: “Trong khoảng thời gian đó, căn cứ Thành ủy đã bị hai trận càn. Trận càn đầu, nó phát hiện hầm của Bác sĩ Tâm, người lo về y tế cho Thường vụ Thành ủy và phát hiện hầm của đồng chí Phó Văn phòng Thành ủy. Chúng đã giết hai đồng chí này. Trận càn thứ hai, nó đụng Tiểu đoàn 514, đánh nhau suốt ngày hôm đó, mãi trưa hôm sau mới rút…”

Tháng 11-1968, sau khi lên làm Tổng thống, Nixon cho ra đời học thuyết mang tên ông, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh với mục tiêu cơ bản là rút quân Mỹ về nước và củng cố ngụy quân, ngụy quyền trở nên mạnh, từ bỏ chiến lược tìm diệt, chuyển sang chiến lược bình định lấn chiếm.

Tại Mỹ Tho - Gò Công, mà trọng điểm là TP. Mỹ Tho và khu vực vùng ven, địch đã tập trung lực lượng phản kích quyết liệt hòng tiêu diệt lực lượng võ trang của ta, xây dựng vành đai an toàn xung quanh thành phố. Để trực tiếp chỉ đạo và xây dựng, củng cố lại phong trào, Thành ủy Mỹ Tho đã dời căn cứ từ xã Đăng Hưng Phước huyện Chợ Gạo về xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, đồng thời xây dựng cơ sở đứng chân ở ấp 3 và ấp 5.

Để nâng cao khả năng chiến đấu và xây dựng lực lượng đủ sức vươn lên làm chủ địa bàn, Thành ủy Mỹ Tho đã chú trọng xây dựng và củng cố lực lượng võ trang làm đòn xeo cho phong trào đấu tranh chính trị và binh vận. Thành đội Mỹ Tho cũng thành lập thêm 6 đội biệt động, đây là lực lượng tập trung những chiến sĩ ưu tú của các lực lượng võ trang thành phố được huấn luyện, trui rèn và trải qua thử thách chiến đấu.

Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân miền Nam nói chung và thành phố Mỹ Tho nói riêng là việc ra đời chính quyền nhân dân. Từ ngày 14-6-1969, Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố Mỹ Tho đã được thành lập do Giáo sư Hồ Quang Ân làm chủ tịch và ra lời kêu gọi nhân dân thành phố Mỹ Tho.

Lời kêu gọi có đoạn viết: “Toàn thể đồng bào và cán bộ chiến sĩ…ra sức thực hiện đại đoàn kết toàn dân, kiên quyết đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả nước đến toàn thắng”. Sau khi Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố được thành lập, các Ủy ban nhân dân cách mạng xã, ấp cũng được xây dựng, làm cơ sở hình thành bộ máy chính quyền nhân dân…

Giữa năm 1969, Thành ủy Mỹ Tho lại dời địa điểm làm việc từ Đạo Thạnh qua Quới Sơn (Bến Tre) để bảo toàn lực lượng, tiếp tục chỉ đạo phong trào cách mạng thành phố. Thành ủy do đồng chí Tám Hưng, quyền Bí thư đã động viên toàn quân, toàn dân thành phố Mỹ Tho kiên quyết đánh bại mọi âm mưu của địch, giữ vững và đẩy mạnh phong trào cách mạng, phối hợp nhịp nhàng 3 mũi tấn công, giữ vững quyền làm chủ ở ngoại ô, đẩy mạnh các hoạt động trong nội ô để chuẩn bị cho các đợt tấn công mới có ý nghĩa quyết định.

Sau hiệp định Paris được ký kết, để phân chia lại chiến trường, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ mới, Khu ủy đã kiến nghị Trung ương cục đưa thành phố Mỹ Tho về trực thuộc tỉnh Mỹ Tho. Cuối tháng 10-1973, Thành ủy Mỹ Tho triển khai học tập Nghị quyết 21 của Trung ương, Nghị quyết số 12 của Trung ương cục, Nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch mùa khô 1974-1975 của Khu ủy.

Đồng thời, Tỉnh ủy cũng đề ra nhiệm vụ cụ thể là đánh địch lấn chiếm, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh xây dựng 3 thứ quân và lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận. Dưới ánh sáng của các Nghị quyết của Đảng, với niềm tin vào sự nghiệp kháng chiến của cả dân tộc, quân và dân thành phố Mỹ Tho cùng quân dân cả nước đã dốc toàn bộ sức lực của mình cho cuộc chiến đấu mới tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam.

19 giờ ngày 30-4-1975 ta đã làm chủ hầu hết thành phố Mỹ Tho. Để phát huy khí thế tiến công, áp đảo địch, đồng thời nhằm tránh gây tổn thất, thương vong về người cho cả 2 bên, Thành ủy Mỹ Tho chỉ đạo giao nhiệm vụ cho đội biệt động thành đoàn dùng loa phát thanh kêu gọi địch buông súng đầu hàng.

Để có được những giờ phút thiêng liêng, vui mừng phấn khởi và niềm tự hào là người chiến thắng, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã không quản ngại gian khổ hy sinh, khắc phục mọi khó khăn tạo nên những chiến công oai hùng, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng ngày 30-4-1975.

PHƯƠNG ANH

.
.
.