Thứ Tư, 04/03/2015, 10:06 (GMT+7)
.

Gặp lại người chiến sĩ trong "Tiểu đội gang thép"

Từ Tiền Giang đi mất nửa ngày đường mới đến được ấp 4, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre để tìm gặp người chiến sĩ còn lại của “Tiểu đội gang thép” trong trận đánh Ấp Bắc (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy) cách đây hơn 50 năm. Đó là anh Lê Văn Chiến, đã dùng súng phóng lựu bắn cháy chiếc thiết giáp M113 đầu tiên của trận đánh.

Trong căn nhà tình nghĩa mà Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre vừa mới cất tặng, thay cho căn nhà của Tỉnh đội Tiền Giang xây tặng anh hồi năm 1977 đã xuống cấp, anh kể:

TIỂU ĐỘI 4 ĐÁNH XE M113 TRẬN ẤP BẮC

Ngày 2-1-1963, đến 14 giờ mà 2 đợt tấn công của chi đoàn xe bọc thép M113 và bộ binh địch không vượt qua được đội hình Trung đội 2 của chúng tôi.

Sau đó chúng tổ chức đợt tấn công thứ 3, khẩu trung liên của trung đội mới phát hỏa được mấy viên thì bị hóc, xe địch bườn tới. Tình thế nguy cấp, tôi dùng súng phóng trôm-lông bắn thẳng vào chiếc xe đi đầu. Xe bốc cháy.

Ngay khi đó, các đồng chí Đừng, Công, Minh, Thùy, Dương và các chiến sĩ của Tiểu đội 4 dùng pháo thủ ném tay và bắn áp đảo bộ binh địch rồi xung phong. Quần nhau quyết liệt với địch gần 1 giờ đồng hồ.

Thủ pháo liên tiếp nổ dưới gầm xe, trên nóc xe, 3 chiếc tiếp tục bốc cháy, khói mịt mù. Súng trọng liên trên những chiếc xe còn lại và đám lính bộ binh theo xe cũng đánh phản xung phong dữ dội. Gần hết tiểu đội hy sinh và bị thương, may mắn là tôi không sao.

ĐÁNH VÀO MỸ THO DỊP XUÂN MẬU THÂN NĂM 1968

Chiếm khu giếng nước, tôi được đơn vị phân công bố trí cùng với anh em chốt tại một căn nhà lầu đầu phố. Thức đánh nhau mấy ngày đêm mệt mỏi, nên hôm đó mới hơn 2 giờ chiều mà 2 mắt tôi nặng trịch. Ngồi xuống, tay vẫn để ở vòng cò khẩu M79.

Thoáng bóng một thằng Mỹ xách súng AR15 bước vô cửa. Tôi choàng mở mắt thì thấy nó bồng súng giơ ngay mình, chỉ cách 2 - 3 m. Phản xạ tự nhiên của người lính là tôi té ngang. Nó nổ nguyên băng đạn, trúng vào chân phải tôi 3 viên, tay phải 3 viên và 1 viên vào đầu. Tôi bắn trả nó 1 trái M79, loại đạn phản xung phong. Nó cũng không chết, chạy ra ngoài. Tôi cố leo lên lầu, còn bắn xuống mấy trái M79 nữa, sau đó không còn biết gì.

Sau trận Mậu Thân, tôi được đưa về khu. Các anh định đưa tôi ra miền Bắc an dưỡng. Tôi năn nỉ xin về tỉnh. Các anh cho về. Về đến Huyện đội Ba Tri, nằm “dưỡng thương” vì vết thương ở đầu cứ hoành hành. Cho tới lúc khí thế tấn công những ngày cuối tháng tư năm 1975 sục sôi, tôi cùng các anh của bộ phận tiền phương tỉnh Bến Tre tiến vào giải phóng huyện Ba Tri.

CHUYỆN CƯỚI VỢ, RƯỚC VỢ ĐI THĂM

Năm 1964, cô Ba Định làm lễ khao quân Tiểu đoàn 261 tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, tôi được gặp cô Hỷ đang cùng với nhiều chị em trong Hội Phụ nữ tham gia làm tiệc đãi bộ đội. Năm ấy Hỷ mới 18 tuổi (còn tôi 25 tuổi). Thấy… ưng ý quá, tôi bạo dạn đề nghị tổ chức xin cưới cô Hỷ. Vợ chồng gần nhau mới có mấy ngày thì đơn vị rút đi. Ở tiểu đoàn của khu, đơn vị đi tứ xứ, có khi hơn 1 năm mới rước vợ được 1 lần.

Có lần anh Tám Thụ, Chính trị viên phó của tiểu đoàn gọi tôi hỏi: “Cậu nhớ vợ dữ chưa!?”. Lần ấy rước vợ lên ở được 1 ngày bên phía Bắc lộ 4 của tỉnh Mỹ Tho. Ngày sau lính càn, bộ đội đánh càn suốt ngày. Tối đơn vị hành quân về phía Nam lộ 4, vợ tôi đi theo. Về đến nơi, lo công sự xong thì gần sáng. Sáng ra, lính sư đoàn 7 đeo theo đánh tiếp 1 ngày nữa.

Chị Hỷ cũng ngồi nghe anh kể chuyện, đến đoạn này bổng chị Hỷ lên tiếng chen vào: Hai ngày ngồi dưới công sự bộ đội nghe tiếng súng, tiếng pháo, tiếng bom nổ mà tưởng như trời sập, tưởng không thể còn sống mà về xứ được.

Hết ngày thứ hai, tranh thủ đêm tối, chồng đưa tôi ra gởi bà con để sáng về. Khuya bà con đưa ra lộ 4, đoạn dưới thị trấn Cai Lậy đón xe. Tới Trung Lương, thấy lính đông nghẹt, không dám xuống, phải ngồi trên xe lên tới Chợ Lớn mới leo lên xe khác về lại Mỹ Tho ở nhờ nhà bà chị.

SAU NĂM 1975

Là thương binh 2/4 nhưng sức lực cũng còn, chỉ khổ nỗi vết thương sọ não cứ hoành hành theo thời tiết, tuy vậy anh cũng tham gia vào Ban Quân quản huyện Ba Tri. Hết thời gian quân quản, anh được điều về xã Tân Xuân làm Trưởng Công an.

Cũng vì cái đầu cứ “xục xịch” nên năm 1980 anh được điều sang làm Tập đoàn trưởng ở ấp 4, được cấp 4 công đất, loại đất hạng 5, mỗi năm chỉ làm được 1 vụ. Bốn đứa con, đứa lớn nhất sinh năm 1974. Vợ thì đốn cây rán, tuốt lá lấy que bó chổi bán. Còn anh, nghề chính là đi cắm câu, mò hang bắt cua biển, mỗi ký lúc đó bán được vài chục ngàn đồng, cứ vậy mà đắp đổi sống qua ngày…

Năm 1977, Tỉnh đội Tiền Giang xây tặng căn nhà tình nghĩa. Cách nay vài tháng, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre hỗ trợ 50 triệu đồng giúp anh cất lại căn nhà đã xuống cấp nặng theo thời gian. Anh tâm sự: “Bây giờ cuộc sống gia đình đỡ rồi. Cảm ơn tập thể đã quan tâm chăm lo cho gia đình tôi. Nay tôi đã ở tuổi “xế chiều” nhưng còn đóng góp được cho bà con, cho xã hội thì tôi vẫn tích cực tham gia”.

NGUYỄN HỮU CHÍ

.
.
.