Thứ Tư, 08/07/2015, 14:34 (GMT+7)
.

Thực trạng và giải pháp nâng chất các đoàn thể trong doanh nghiệp

Công tác nâng chất các đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Cựu chiến binh cơ sở) trong các loại hình doanh nghiệp là vấn đề mà Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên các tổ chức cơ sở đảng trong khối; đã có nghị quyết chuyên đề, được quy định trong quy chế làm việc.

Đảng ủy khối định kỳ làm việc với các đoàn thể 2 lần/năm để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết những bức xúc, kiến nghị của các đoàn thể… Nhìn chung, trong thời gian qua, các tổ chức đoàn thể trong khối Doanh nghiệp đã phát huy vai trò và đạt nhiều kết quả tích cực, là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp…

Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên khối Doanh nghiệp thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên khối Doanh nghiệp thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tuy nhiên, hoạt động của các đoàn thể cơ sở trong khối Doanh nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:

Tính chất không đồng đều về quy mô của các doanh nghiệp; đoàn viên, hội viên là người lao động, chủ yếu lo về chuyên môn; nội dung sinh hoạt đoàn thể còn chung chung, chất lượng, thời gian sinh hoạt chi đoàn, chi hội chưa duy trì thường xuyên, đầy đủ;

Đa số cán bộ đều kiêm nhiệm nên thời gian dành cho hoạt động đoàn thể còn hạn chế, chưa mạnh dạn trong công tác tham mưu, ngại va chạm; chưa xác định cụ thể nội dung hoạt động hàng tháng, quý; lực lượng đoàn viên, hội viên, thanh niên thường xuyên biến động nên khó quản lý; đặc biệt do nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh là chủ yếu nên hoạt động đoàn thể có lúc bị xem nhẹ hoặc bị xao nhãng, ít được doanh nghiệp quan tâm, biểu hiện rõ nhất ở các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần quy mô nhỏ;

Một số đoàn viên, hội viên, thanh niên thiếu nhiệt tình, ít tham gia các phong trào do đoàn thể tổ chức. Ngoài ra, mô hình tổ chức, bộ máy biên chế, kinh phí hoạt động của cơ quan chuyên trách đoàn thể khối còn ít nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Đảng ủy khối Doanh nghiệp đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và các đoàn thể trong khối tập trung thực hiện tốt các giải pháp để nâng chất các đoàn thể ở doanh nghiệp như sau: 

1. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác đoàn thể gắn với nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo công tác đoàn thể, đảm bảo vai trò lãnh đạo trực tiếp và toàn diện; tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của đoàn viên, hội viên, tôn trọng và phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các đoàn thể.

Quan tâm động viên vật chất, tinh thần đối với đội ngũ cán bộ đoàn thể ở doanh nghiệp. Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng trong đoàn viên, hội viên là công nhân. Định kỳ sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm và bổ sung kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong lãnh đạo đoàn thể; làm tốt công tác thi đua - khen thưởng hàng năm; nhân rộng điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

2. Kiện toàn về tổ chức, sắp xếp và bồi dưỡng cán bộ đoàn thể, nhất là tăng cường công tác quản lý cán bộ đoàn thể, thực hiện tốt việc đánh giá gắn với phân công, bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ đoàn thể. Thực hiện đúng quy trình 3 khâu giữa công tác quy hoạch; đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ đoàn thể.

Phải chọn đồng chí bí thư chi đoàn, chủ tịch Hội CCB và Hội LHTN thật sự có năng lực, chịu làm, có tâm huyết, được sự tín nhiệm cao của đoàn viên, hội viên. Về bồi dưỡng cán bộ đoàn thể cần sử dụng 2 hình thức trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm để bồi dưỡng, tổ chức tập huấn ngắn ngày (theo điều kiện của doanh nghiệp) với những nội dung thiết thực, phù hợp để cán bộ đoàn thể biết cách hoạt động (chủ yếu công việc cụ thể).

3. Đổi mới về nội dung sinh hoạt phù hợp đặc thù của doanh nghiệp, đa dạng hóa các mô hình sinh hoạt, phương thức tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, hội viên; tăng tỷ lệ và chất lượng tập hợp đoàn viên, hội viên; nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sinh hoạt của tổ chức đoàn thể ngày càng có chiều sâu, đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ của chi, đảng bộ và điều kiện doanh nghiệp.

Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, ban lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể; định kỳ tổ chức đối thoại, trao đổi hoạt động giữa cấp ủy, lãnh đạo doanh nghiệp với các tổ chức đoàn thể.

4. Tập trung đổi mới về phương pháp, xác định mục đích công việc và xây dựng kế hoạch hoạt động của đoàn thể theo từng tháng; bảo đảm sinh hoạt đoàn thể có chất lượng, trên cơ sở phải chuẩn bị kỹ nội dung thật khoa học, không bị chồng chéo, tập trung vào mục tiêu chính, định hướng cho cán bộ đoàn thể ở cơ sở trong hoạt động, những vấn đề cần làm ngay; phân công giao việc cho đoàn viên, hội viên thực hiện; tạo điều kiện về vật chất, về tổ chức, về tâm lý để đoàn viên, hội viên phấn khởi hoạt động; đặc biệt cán bộ chủ chốt đoàn thể phải luôn kiểm tra, đôn đốc, phải bám theo quy chế hoạt động, giúp đỡ đoàn viên, hội viên hoàn thành nhiệm vụ được phân công.

5. Tham mưu cho cấp ủy và chủ doanh nghiệp thực hiện tốt Nghị định  98/2014/NĐ-CP ngày 24-10-2014 của Chính phủ về việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và  tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức đoàn thể hoạt động; đoàn viên, hội viên có điều kiện tham gia các phong trào thi đua do đoàn thể tổ chức; phát huy tinh thần tương thân, tương ái; kết hợp hài hòa lợi ích của đoàn viên, hội viên với lợi ích của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất và kinh doanh.

PHẠM DŨNG
(Phó Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp)

.
.
.