Thứ Tư, 28/10/2015, 11:10 (GMT+7)
.

Đại biểu Trần Văn Tấn: Góp ý Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) phát biểu góp ý như sau:

Một là, về người chưa thành niên được quy định tại Điều 21: Dự án luật chưa đề cập đến năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên như trong một số trường hợp được dự án luật quy định tại khoản 2, Điều 27 về quyền thay đổi họ và khoản 2, Điều 28 về quyền thay đổi tên như sau: Việc thay đổi họ tên của người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

Vì vậy, đề nghị điều luật này cũng cần có quy định về năng lực hành vi của người chưa thành niên từ đủ 9 tuổi trở lên để áp dụng như 2 trường hợp vừa nêu và quyền của con từ 9 tuổi trở lên trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.

Hai là, về nơi cư trú của quân nhân được quy định tại Điều 44: Tại khoản 1 quy định: “Nơi cư trú của quân nhân đang làm nghĩa vụ quân sự là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân”; đề nghị bổ sung từ “tại ngũ” sau cụm từ “nghĩa vụ quân sự”, vì theo quy định tại khoản 1, Điều 4 của Luật Nghĩa vụ quân sự vừa được Quốc hội thông qua, quy định thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Vì vậy, quân nhân phục vụ trong ngạch dự bị có thể công tác, sinh sống ở nơi khác không phải là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân. Do vậy khoản 1, Điều 44 được thể hiện lại như sau: “Nơi cư trú của quân nhân đang làm nghĩa vụ quân sự tại ngũ là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân”.

Ba là, về tuyên bố mất tích được quy định tại Điều 68: Tại khoản 3 quy định: “Quyết định của tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch”.

Đề nghị bổ sung từ “cuối cùng” vào sau cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp xã”. Vì trong thực tế có thể 1 người cư trú bao gồm thường trú và tạm trú ở nhiều nơi, do vậy nếu quy định được cụ thể thì tòa án sẽ dễ thực hiện khi bộ luật có hiệu lực thi hành.


Bốn là, về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo được quy định tại Điều 124: Tại khoản 2 quy định: “Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ 3 thì giao dịch dân sự đó vô hiệu nếu người thứ 3 có yêu cầu”; đề nghị bỏ cụm từ “đối với người thứ 3”, vì theo tôi nội dung quy định đối với người thứ 3 là không cần thiết, không phù hợp với các quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, gây khó khăn cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật.

Năm là, về đại diện theo ủy quyền được quy định tại Điều 138: Đề nghị bổ sung vào điều này một khoản là khoản 3, để quy định về hình thức lập văn bản ủy quyền của cá nhân, pháp nhân. Vì trong thực tế hiện nay do không có quy định cụ thể về hình thức lập văn bản ủy quyền nên các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự còn gặp nhiều lúng túng.

Cụ thể như cá nhân ở nước ngoài ủy quyền cho người trong nước thì chỉ cần làm giấy ủy quyền gửi về Việt Nam, còn cá nhân ở Việt Nam thì phải lập hợp đồng ủy quyền. Vì vậy, khi giải quyết các thủ tục liên quan đến việc ủy quyền, các cơ quan chức năng áp dụng không thống nhất làm ảnh hưởng quyền dân sự của cá nhân.

Sáu là, về hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định tại Điều 354: Tại đoạn cuối khoản 1 quy định: Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo.

Quy định do nguyên nhân khách quan là quá chung; đề nghị bổ sung 2 trường hợp cụ thể do sự kiện bất khả kháng, do thiên tai. Vì nếu không quy định 2 trường hợp trên thì bên có nghĩa vụ viện lý do để trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc né tránh việc thực hiện nghĩa vụ của mình, dẫn đến bên có quyền bị thiệt hại.

Có thể nói, đây là điều kiện, là cơ sở ràng buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên có quyền là phù hợp với luật này và các luật khác có liên quan.

Bảy là, về chuộc lại tài sản đã bán được quy định tại Điều 453: Khoản 2 điều này quy định: Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, nếu không có thỏa thuận khác.

Theo nội dung quy định tại khoản này thì bên mua tài sản trong thời hạn chuộc lại tài sản đã bị hạn chế quyền sở hữu tài sản mà mình đã mua, nhưng trong trường hợp người mua chết thì người thừa kế của người mua có được quyền xác lập quyền sở hữu đối với tài sản mua trong trường hợp này hay không; hoặc nếu 1 trong người bán hoặc người mua chết thì những người thừa kế của họ có được hưởng quyền chuộc hoặc chuộc lại tài sản không.

Vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn đối với trường hợp này nhằm tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện khi bộ luật có hiệu lực thi hành.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.