Thứ Bảy, 28/11/2015, 06:23 (GMT+7)
.

Bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

Khai mạc vào ngày 20-10, sau hơn một tháng làm việc, chiều 27-11, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII họp phiên bế mạc

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII là kỳ họp có nhiều dấu ấn đặc biệt với cử tri cả nước với việc Quốc hội thông qua số lượng lớn dự án luật, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Một trong những dấu ấn nổi bật nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn khác những kỳ họp trước.

Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội vẫn là những vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống; với kết quả hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ; những bất cập còn tồn tại trong thực hiện chính sách; những định hướng chiến lược trong ngắn hạn, dài hạn về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia, cải thiện đời sống nhân dân…

Phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trong 2 ngày rưỡi (từ ngày 16 đến hết buổi sáng 18-11), là phần trả lời và giải trình thêm các vấn đề mang tính tổng thể hoặc nội dung liên quan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Công Thương, GD&ĐT, Y tế, NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, GTVT, Thông  tin truyền thông, VHTT&DL, Nội vụ, Viện KSND tối cao.

Sự khác biệt ở đây chính là đại biểu Quốc hội có thể chất vấn đồng thời cả lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan về một nội dung.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10.

Điểm nhấn thứ hai  là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016 với 392/435 đại biểu có mặt  tán thành, chiếm tỉ lệ 79,35%. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng (mức hiện nay) lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ ngày 1-5-2016.

Một điểm nhấn khác của kỳ họp thứ 10 mà cử tri có thể thấy rõ rệt hơn là Hiến pháp 2013 ngày càng đi vào cuộc sống. Biểu hiện của nội dung này chính là việc Quốc hội đã bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia và chức danh Tổng Thư ký Quốc hội; thông qua Luật Trưng cầu ý dân.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng quyết định ngày 22/5/2016 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Cũng tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua một khối lượng lớn các luật, bộ luật.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua: Luật An toàn thông tin mạng;  Luật Khí tượng thủy văn; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Kế toán (sửa đổi); Luật Thống kê (sửa đổi); Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Tạm giữ, tạm giam; Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật Phí, lệ phí; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, viên chức quốc phòng; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Việc thông qua các đạo luật có vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật nước nhà như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố dụng dân sự (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, Luật Trưng cầu ý dân… đồng thời, xem xét chuẩn bị ban hành Luật về Hội, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Tiếp cận thông tin,… đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tổ chức và hoạt động của Quốc hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Mở đầu phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 chiều 27-11, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”.

Ủy viên Đoàn Thư ký kỳ họp, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Triệu Thị Nái trình bày Dự thảo Nghị quyết “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng”.

Với 92, 91 % ĐBQH tán thành, Nghị quyết “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng” đã được Quốc hội thông qua.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội nghe Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Ủy viên Đoàn Thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trình bày dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.

Với 90,89% ĐBQH tán thành, QH thông qua Nghị quyết “Về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của QH Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn”.

 Lễ chào cờ tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII
Lễ chào cờ tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc, các đại biểu Quốc hội làm Lễ chào cờ, kết thúc tốt đẹp kỳ họp thứ 10.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.