Thứ Sáu, 27/11/2015, 10:46 (GMT+7)
.

Đại biểu Trần Văn Tấn: Góp ý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Quốc hội vừa thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là dự án luật được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này. Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Văn Tấn (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) góp ý 5 nội dung cụ thể như sau: 
 
Một là, về tính thống nhất giữa nội dung quy định của dự án luật với pháp luật do Quốc hội đã ban hành: Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung những nội dung quy định trong dự án luật cho thống nhất với quy định của Luật Chính quyền địa phương và Luật Tố cáo. Cụ thể: 
 
- Về quy định các cơ quan hành chính Nhà nước tại các điểm b, khoản 3, Điều 11; điểm a, khoản 2, Điều 20; điểm a, khoản 2, Điều 40; điểm b, khoản 3, Điều 42; điểm c, khoản 3, Điều 51, đề nghị bổ sung cơ quan thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. 
 
- Tại khoản 1, Điều 64 giải quyết tố cáo về tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Mọi tổ chức, cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”. Đề nghị bỏ cụm từ “tổ chức” cho phù hợp với Luật Tố cáo (chỉ có cá nhân mới có quyền tố cáo). 
 
Hai là, về cụ thể hóa các điều luật giao Chính phủ quy định: Đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể, chi tiết các điều luật vừa nêu, để khi luật được Quốc hội thông qua là thi hành được ngay, không phải chờ nghị định quy định chi tiết và thông tư hướng dẫn thi hành. 
 
Ba là, quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo: Đề nghị phương pháp quản lý Nhà nước cần được quy định trong dự án luật là các quy định hướng dẫn, khuyến khích, tạo hành lang pháp lý cho tự do tín ngưỡng, tôn giáo tồn tại và phát triển theo quy định của pháp luật. 
 
Bốn là, về giải thích từ ngữ được quy định tại Điều 2, đề nghị xem xét đến các vấn đề sau: 
Thứ nhất, với tên gọi là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì cần phải giải thích tín ngưỡng là gì, tôn giáo là gì? 
Thứ hai, tại khoản 3, đề nghị tách riêng 2 khái niệm chức sắc và chức việc để quy định được cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ.  
 
Thứ ba, về hoạt động tôn giáo được quy định tại khoản 8: Cần giải thích thêm như thế nào gọi là giáo lý? 
Về giải thích cơ sở tôn giáo được quy định tại khoản 10: Cần bổ sung thêm cụm từ “truyền bá tôn giáo” sau cụm từ “hoạt động tôn giáo”, vì cơ sở thờ tự tôn giáo cũng thường là nơi truyền bá tôn giáo. 
Trong khoản 12, cần thêm cụm từ “đã được Nhà nước công nhận” sau cụm từ “thuộc hệ thống tổ chức tôn giáo”.
 
Năm là, đề nghị tại Điều 3 nên sắp xếp lại theo thứ tự những điều, khoản thuộc về tín ngưỡng rồi đến những điều, khoản thuộc về tôn giáo.
 
ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)
.
.
.