Thứ Hai, 28/03/2016, 14:02 (GMT+7)
.

ĐBQH Huỳnh Văn Tính: Góp ý dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Ngày 21-3, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) góp ý 8 vấn đề cụ thể như sau:
Một là, về giải thích từ ngữ tại Điều 3, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung việc giải thích từ ngữ các khái niệm về “trang thông tin điện tử”, “mạng xã hội thông tin có tính chất báo chí” để người đọc dễ hiểu và đảm bảo sự thống nhất trong thực thi luật.

Hai là, về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí tại Điều 4, đề nghị xem xét tách khoản 2 thành 2 khoản, quy định cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí để việc thực thi luật đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và để hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền được thuận lợi hơn; đồng thời đề nghị xem xét thay cụm từ “của báo chí” thành cụm từ “hệ thống báo chí” để quy định được chính xác, vì báo chí là một sản phẩm chứ không phải là chủ thể hành động.

Ba là, về Hội Nhà báo được quy định tại Điều 8, đề nghị xem xét 3 vấn đề sau:

- Tại khoản 1, đề nghị xem xét, bổ sung cụm từ “là tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam” vào trước cụm từ “được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hội” nhằm khẳng định rõ tính chất chính trị của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; qua đó nâng cao vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong hoạt động báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động được tốt hơn.

- Đề nghị tách quy định tại khoản 2 của điều này thành 2 khoản riêng biệt, quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội Nhà báo để quy định được rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức và thực thi luật.

- Cũng tại khoản 2 của điều này, đề nghị xem xét, bổ sung quy định về việc tham gia thực hiện quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí; tham gia xét khen thưởng, xử lý vi phạm cơ quan báo chí và người làm báo; xem xét việc cấp thẻ nhà báo là một trong những quyền của Hội Nhà báo, vì việc này đã có quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước và Điều lệ Hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, trong thời gian qua việc thực hiện nội dung này còn tùy thuộc vào nhiều địa phương, có nơi đã thực hiện tốt, nhưng có nơi chưa thực hiện được. Do vậy, cần bổ sung vào luật quy định nội dung này để tạo điều kiện cho Hội thực hiện đúng quyền hạn và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Bốn là, tại khoản 12, Điều 9, đề nghị xem xét, bổ sung những hành vi cấm gây ảnh hưởng đến hoạt động báo chí như: “không tiếp phóng viên, không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật” vào sau cụm từ “cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật” để quy định này được đầy đủ, rõ ràng và chặt chẽ.

Năm là, tại Điều 27 quy định về điều kiện, tiêu chuẩn được cấp thẻ nhà báo. Tại điểm c, khoản 1 điều này, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét rút ngắn thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí và đề nghị cấp thẻ đối với trường hợp cấp thẻ nhà báo lần đầu từ “3 năm trở lên” xuống còn “2 năm trở lên”, tính đến thời điểm đề nghị xét cấp thẻ nhằm tạo điều kiện để lực lượng phóng viên trẻ sớm được cấp thẻ nhà báo, tạo thuận lợi trong quá trình tác nghiệp.

Sáu là, tại Điều 28 quy định về cấp, đổi thẻ Nhà báo, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ “cấp lại, nộp lại và thu hồi” vào sau cụm từ “cấp đổi”; xem xét, bổ sung cụm từ “nộp lại” vào trước cụm từ “thu hồi” để đảm bảo trình tự trong công tác cấp lại, nộp lại và thu hồi thẻ nhà báo.

Bảy là, tại Điều 40 quy định về trả lời trên báo chí. Tại khoản 4 của điều này, đề nghị bổ sung quy định về thời hạn cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời để quy định được đầy đủ, chặt chẽ, đảm bảo công bằng về trách nhiệm trả lời trên báo chí của cơ quan có thẩm quyền và của cơ quan báo chí đối với các vấn đề mà báo chí đã thông tin; bởi lẽ, tại khoản 2 của điều này có quy định về thời hạn thông báo cho cơ quan báo chí biết kết quả hoặc biện pháp giải quyết đối với các ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến.

Như vậy, đề nghị thể hiện khoản 4 của điều này như sau: “Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin. Cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan, tổ chức hoặc của công dân”.

Tám là, tại Điều 60 quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí. Đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, chuyển quy định tại khoản 4 của điều này về quy định tại Điều 28 của dự thảo luật để quy định được hợp lý, đầy đủ và chặt chẽ, vì khoản 6 và khoản 7 của Điều 28 có đề cập nội dung thu hồi thẻ nhà báo mà khoản 4 của điều này đã quy định.

Ngoài ra, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí, hoặc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí đúng theo quy định của pháp luật, hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí; đồng thời xem xét, bổ sung quy định xem xét trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp hành hung, truy sát nhà báo trong tác nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc bảo vệ an toàn tính mạng của nhà báo khi tác nghiệp.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.