Thứ Sáu, 01/07/2016, 06:02 (GMT+7)
.

Lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự 2015

Sáng 30-6, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

Áp dụng  các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3, Điều 7 Bộ luật hình sự 2015

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Nghị quyết số 144/2016/QH của Quốc hội.

Theo đó, bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai.

Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước  công bố Nghị quyết số 144/2016/QH của Quốc hội. Ảnh: TH
Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước công bố Nghị quyết số 144/2016/QH của Quốc hội. Ảnh: TH

Lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam từ ngày 1-7-2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, trừ các quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này.

Cụ thể, kể từ ngày 1-7-2016, thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3, Điều 7, Bộ luật hình sự 2015 và điểm b, khoản 1, Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2, Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13.

Áp dụng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại điểm a khoản này.

Các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự và tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự có ghi thời điểm “ngày 1 tháng 7 năm 2016) được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự  2015 có hiệu lực thi hành”.

Tiếp tục áp dụng Bộ luật hình sự 1999 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009), Bộ luật tố tụng hình sự 2003, Pháp lệnh tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2004 (được sửa đổi một số điều theo Pháp lệnh năm 2006 và năm 2009), Nghị định số 89/1998/NĐ- CP ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 98/1998/NĐ- CP và Nghị định 09/2011/NĐ- CP) cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực thi hành.

Theo Nghị quyết, giao Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành điểm a và điểm b, khoản 4 của Nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 30-6-2016.

Sẽ làm rõ trách nhiệm trực tiếp của  các cơ quan, tập thể,  cá nhân

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cho biết:  Những sai sót của Bộ luật hình sự  2015 chủ yếu về mặt kỹ thuật, còn quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về chính sách hình sự là không sai. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến quá trình áp dụng pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm, có thể dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm hoặc gây oan sai.

“Cá nhân tôi cũng là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã biểu quyết thông qua Bộ luật hình sự 2015, để xảy ra sai sót, tôi xin nhận trách nhiệm trước cử tri, Quốc hội, nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH ) trong báo cáo trình ra Hội nghị gặp gỡ các Trưởng đoàn ĐBQH vừa rồi cũng đã nói trách nhiệm thuộc về  Quốc hội và Đại biểu Quốc hội ”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Luật nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật  phát biểu tại  buổi họp báo. Ảnh: TH
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: TH

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Luật cho hay, từ sự việc này rút ra bài học trong chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, cần tính toán kỹ lưỡng hơn nữa, bảo đảm thời gian, điều kiện về con người, cơ sở vật chất để trình ra trước Quốc hội xem xét các dự án luật, ban hành đáp ứng yêu cầu cuộc sống, yêu cầu phát triển đất nước.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo thật đầy đủ với tinh thần không bỏ sót, để lọt, không để xảy ra sai sót tiếp theo khi trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai, đây là vấn đề nhân dân, cử tri không thể chấp nhận được.

Thứ trưởng  Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng thông tin thêm: Sai sót chủ yếu ở khoản chung, vị trí sắp xếp khung hình phạt, một số điều luật viện dẫn điều luật khác không chính xác …Điều luật có lợi cho người phạm tội vẫn tiếp tục thực hiện, thể  hiện tính nhân đạo, nhân văn, hướng thiện của Bộ luật hình sự 2015.

Đề cập đến trách nhiệm của các tập thể, cá nhân, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Tới đây, sẽ làm rõ hơn trách nhiệm trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất là cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Trên cơ sở đó Quốc hội sẽ quyết định  có cần thiết việc xin lỗi cử tri hay không?.

“Việc phát hiện sai sót của Bộ luật hình sự 2015 từ các nhà chuyên môn, cử tri, báo chí, cho thấy vai trò giám sát của cử tri, dư luận, về hoạt động Quốc hội, trong đó có hoạt động lập pháp. Trong nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo, cần tiếp tục phát huy vai trò giám sát của cử tri, người dân, dư luận để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, trong đó hoạt động lập pháp”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.