Thứ Hai, 06/02/2017, 10:37 (GMT+7)
.

Hai tấm gương của đảng viên cao niên

BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG NGUYỄN THỊ HUỲNH:

“Đảng luôn trong trái tim mình!”

Mẹ Nguyễn Thị Huỳnh (sinh năm 1926, ngụ xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) được phong tặng danh hiệu danh dự Bà mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2014, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Mẹ nói: “Bây giờ đã già, nên càng nhớ về ký ức gần suốt một đời theo cách mạng. Hồi ấy, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, công tác ở địa phương hay thoát ly, những người cùng chí hướng thường nói là “theo cách mạng”, “làm cách mạng” và gọi chung là “đồng chí”; họp chi bộ, đại hội Đảng bộ thường đề cập đến “tính Đảng, tính giai cấp…” để nhắc nhở trách nhiệm đảng viên. Theo mẹ nghĩ, nói “cách mạng” thì ai cũng hiểu sự nghiệp cách mạng là do Đảng lãnh đạo”.

Mặc dù đã 91 tuổi, mẹ Nguyễn Thị Huỳnh vẫn còn minh mẫn, những sự kiện đã đi vào ký ức mẹ kể như vừa mới xảy ra. “…Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, gần 3 tháng sau ở huyện Chợ Gạo giặc bắt đầu khủng bố trắng, nhưng cho đến năm 1948 gia đình mới biết cách làm hầm bí mật trong nhà, trước hết là để chồng mẹ trốn tránh giặc. Xã Thanh Bình hồi ấy chỉ có 1 cái đồn, vừa là công sở tề xã. Lính đồn có 1 trung đội, gọi là lính làng, trưởng đồn là thằng đội Nhượng, nó hết sức chú ý gia đình mẹ, không chỉ vì đó là gia đình cộng sản, mà còn vì những năm ấy mẹ đang ở cái tuổi “gái 1 con trông mòn con mắt”. Nó dẫn lính tới nhà không biết bao lần, đi ban ngày rồi phục kích ban đêm, hết trấn áp, đe dọa nó lại dụ dỗ. Cho đến cuối năm 1950, một lần dẫn lính tới, thằng đội Nhượng nói thẳng thừng, nếu chịu làm vợ bé cho nó thì nó sẽ bỏ qua hết, nếu không thì đừng trách nó quá tàn ác. Nói rồi, nó kéo quân về. Mấy ngày sau nó dẫn lính tới, cho lính đánh dằn mặt mẹ suốt mấy tháng liền. Đầu năm 1951, một hôm nó dẫn lính tới từ sáng sớm, nó nói đủ điều ngon ngọt cho tới trưa, mẹ vẫn cương quyết chối từ. Không còn kiềm chế được, nó cho lính tra tấn thẳng tay, trói mẹ nằm vắt ngang cái cối giã gạo, kêu lính leo lên đạp chày lên cao rồi cho thả xuống, rồi giả bộ thương xót lấy dầu ra xức và dụ dỗ mẹ, nhưng mẹ vẫn một mực không khai…

Sau đình chiến năm 1954, chồng mẹ ở tù được trao trả, mừng được mấy ngày gần gũi thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bắt đầu, chồng mẹ lại tiếp tục thoát ly.

Cuối năm 1960, nổi dậy Đồng khởi. Chồng của mẹ lúc ấy là Ủy viên Ban Cán sự huyện Chợ Gạo, nên cái hầm bí mật làm trong nhà hồi năm 1948 bây giờ không chỉ dành riêng cho chồng mẹ, mà mẹ còn giấu nhiều cán bộ của huyện, mấy khi các cán bộ không ở nhà mẹ thì mẹ làm liên lạc. Năm 1963, huyện Chợ Gạo thành lập Huyện ủy, nhà mẹ là một trong những cơ sở hợp pháp của Văn phòng Huyện ủy.

Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 nổ ra được mấy ngày thì tối mùng 6 tháng Giêng, đồng chí Năm Sơn, là Bí thư Huyện ủy đi cùng với đồng chí Hai Bài, là cán bộ Văn phòng Huyện ủy đến phân công mẹ ra chợ Mỹ Tho nắm tình hình. Khi trở về thì bị địch bắt cùng với nhiều người đi chợ, vì địch nghi vấn là tiếp tế cho Việt cộng. Vào tù, vì chuyện mẹ chống chào cờ, chống “học tập chính trị” nên giặc chuyển qua nhốt chung tù chính trị, còn mấy người bị bắt cùng chỉ mấy ngày sau giặc thả về. Mẹ ở tù cho đến gần cuối năm giặc mới thả. Ra tù, mẹ đi như chạy. Mới tới cầu Quây gặp người cùng xóm đi chợ, họ báo tin chồng mẹ đã hy sinh cách đó gần 3 tháng ở Gò Công, mẹ cảm thấy trời đất tối sầm, sụp đổ dưới chân…

Vì thấy mẹ càng kể càng ngậm ngùi, nên chúng tôi lái sang chuyện khác. Tôi hỏi: “Quá trình đóng góp cho cách mạng như vậy mà sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước mẹ mới được kết nạp vào Đảng!?”. Khi ấy mới thấy mẹ nở nụ cười và nói rằng: “Những năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều lần anh em trong Văn phòng Huyện ủy Chợ Gạo trao đổi với ý định kết nạp mẹ vào Đảng. Vì mẹ đang hoạt động hợp pháp, ngày ngày đối mặt với giặc, lại là gia đình kháng chiến, thằng giặc muốn bắt lúc nào chẳng được. Nếu nó biết mẹ là đảng viên thì nó bắt ở tù lâu lắm, trong khi mẹ đang lo cho mẹ già, con nhỏ, còn phải nuôi chồng, con đi kháng chiến, nên mẹ đành xin để dịp khác, song luôn nghĩ rằng Đảng có từ trong hai tiếng “cách mạng”,  phục vụ cho cách mạng tức là phục vụ cho Đảng và Đảng luôn trong trái tim mình!...”.

MINH ANH

Chuyện về người đảng viên cao niên

Đến ấp 1 (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) hỏi thăm Đại tá Mai Thanh Bình, hầu như bà con trong ấp đều biết và nói về ông với niềm yêu mến đặc biệt. Không phải vì ông đã từng giữ các chức vụ cao trong Quân đội, mà còn bởi dù nghỉ hưu, ông Mai Thanh Bình vẫn luôn là đảng viên gương mẫu trong lời nói và việc làm, có ảnh hưởng tốt đối với các phong trào hành động cách mạng ở địa bàn nơi ông cư trú.

Gặp Đại tá Mai Thanh Bình vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tại nhà ông, giờ chỉ còn 2 vợ chồng già ở. Các con của ông bà đều đã trưởng thành và giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan Nhà nước của TP. Mỹ Tho và của tỉnh. Trò chuyện với ông, nghe ông nói về những chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước và việc tu dưỡng đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng tôi cảm nhận rõ sự nhiệt tình, say mê của người đảng viên 80 năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng…

Cầm trên tay ly trà nóng, ông say sưa chia sẻ về thời thanh niên sôi nổi, nhiệt huyết và quá trình phấn đấu trở thành người đảng viên. Quê ông ở xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè. Năm 1960, khi mới 23 tuổi, ông tham gia công tác ở xã (cán bộ điều lắng), đến ngày 30-7-1960 ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1961, ông được đề cử làm Bí thư Chi bộ dự bị xã Mỹ Trung. Năm 1962, ông được Huyện ủy giao nhiệm vụ Chính trị viên phó Huyện đội Cái Bè kiêm Chính trị viên Đại đội địa phương huyện. Đến năm 1967, ông được Quân khu 8 bổ nhiệm làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn 261 để chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Sau cao điểm 1 năm Mậu Thân, ông được điều về làm Chính trị viên Tiểu đoàn 514A Gò Công, rồi Chính trị viên Tiểu đoàn 514C Mỹ Tho. Năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ban Chính trị Tỉnh đội Mỹ Tho. Trở về cơ quan Chính trị Quân đội, với nhiệt huyết của một đảng viên, thấy rõ hơn những khó khăn, thiếu thốn của các lực lượng vũ trang trong thời kỳ ác liệt, gian khổ, hy sinh, ông tự nhủ: “Mình phải làm gì để giúp Đảng ủy - Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh động viên cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, dũng cảm chiến đấu...”. Với nhiệm vụ được phân công phụ trách Trưởng ban Chính trị Tỉnh đội, đôi chân của người cán bộ, đảng viên Mai Thanh Bình đã luôn lặn lội xuống các đơn vị chiến đấu (khi đó chưa nhập tỉnh Gò Công) giúp xây dựng kế hoạch công tác Đảng - công tác chính trị, kịp thời giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng bộ đội nỗ lực khắc phục khó khăn, dũng cảm chiến đấu giành nhiều chiến thắng giòn giã trên các chiến trường “bám mục tiêu chiến đấu, giữ vững trận địa; một tấc không đi, một ly không rời”, làm nòng cốt cho các lực lượng và nhân dân xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với những ai đã sống, chiến đấu trong thời chiến và sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975, trải qua thời kỳ bao cấp, bộ đội và nhân dân Tiền Giang ai cũng biết đến tấm gương tiêu biểu của Đại tá Mai Thanh Bình đã chấp nhận gian khó mà vượt lên để khẳng định mình. Những kết quả công tác, chiến đấu mà ông đã đạt được không chỉ là các vị trí công tác mà ông được bổ nhiệm và đã làm tốt như: Chính trị viên phó Tỉnh đội kiêm Chủ nhiệm Chính trị Tỉnh đội Mỹ Tho, Chính trị viên Đoàn 9903 - Puasát, Campuchia (giai đoạn 1976 - 1989), mà lớn hơn, đó chính là niềm tin yêu, quý trọng của mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân dành cho ông “Người đảng viên cao niên Quân đội” - Đại tá Mai Thanh Bình.

Đã nghỉ hưu, nhưng ông Mai Thanh Bình luôn tâm niệm “là đảng viên, còn sức thì còn nhiệt tâm cống hiến”, vì thế ông luôn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể tại nơi cư trú; thường xuyên tham gia đóng góp ý kiến nhằm phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương. Ông cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ  chính là chìa khóa để đẩy lùi mọi hiện tượng tiêu cực trong Đảng và trong đời sống xã hội... Với ông, để xã hội phát triển, công tác giáo dục - đào tạo đối với thế hệ trẻ giữ vai trò hết sức quan trọng, vì vậy ông tích cực động viên con cháu trong dòng họ, khu phố không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập...

Đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ở ông Mai Thanh Bình với cái tâm, cộng với nhiệt huyết luôn tuôn trào của người đảng viên chân chính, khiến ông luôn canh cánh nỗi niềm: “Phải làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bởi đó chính là cốt lõi của mọi thành công”.

“...Ông Mai Thanh Bình luôn chủ động, đi đầu trong mọi công việc, sống mẫu mực, làm gương cho con cháu, bà con lối xóm...” - ông Thành, Bí thư Chi bộ ấp 1, xã Trung An nhận xét về ông.

LÊ HỒNG LÂM

.
.
.