Thứ Sáu, 24/11/2017, 15:24 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU NGUYỄN MINH SƠN (ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG):

Góp ý 7 vấn đề vào dự án Luật Đo đạc và Bản đồ

Ngày 20-11, nhằm tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đo đạc và Bản đồ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) tham gia đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, tại Điều 1, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ cho đầy đủ, bao quát hơn.

 

Thứ hai, về cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia tại khoản 3, Điều 14, đề nghị làm rõ cơ sở dữ liệu gốc là cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; đồng thời đối chiếu với quy định tại các luật chuyên ngành để xác định tỷ lệ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền sao cho thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ với nhau.

Thứ ba, về xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia trong Điều 15:

Tại khoản 1, đề nghị nghiên cứu các tỷ lệ đã quy định tại các luật chuyên ngành khác để đảm bảo tính thống nhất, không quy định chung chung tỷ lệ nhỏ hơn như tại các điểm a, b.

Tại khoản 3, đề nghị quy định chu kỳ cập nhật cho từng loại dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia không quá 5 năm, phù hợp với các giai đoạn, chu kỳ lập chiến lược quy hoạch, bởi với hỗ trợ về khoa học, công nghệ như hiện nay thì việc cập nhật dữ liệu không còn khó khăn và phức tạp như trước đây.

Tại khoản 4, đề nghị làm rõ hơn quy định về cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia phải kết nối với Cổng thông tin địa lý quốc gia như thế nào? Cổng thông tin địa lý quốc gia đã có chưa? Đơn vị nào quản lý? Nội dung đăng tải, nguyên tắc khai thác, cập nhật và sử dụng tài liệu cho phép truy cập và sử dụng thông tin theo quy định của các luật chuyên ngành để đồng nhất với một cơ sở dữ liệu, hạn chế thủ tục hành chính, đơn giản phương thức phối hợp.

Thứ tư, về nội dung đo đạc và bản đồ chuyên ngành tại Điều 21: Đề nghị cân nhắc, sắp xếp thứ tự của từng loại bản đồ chuyên ngành trên cơ sở thống nhất các đơn vị chủ quản, vì có nhiều loại bản đồ trước là căn cứ của bản đồ sau nên nhất thiết phải làm rõ điều này, để tránh hiện tượng sử dụng cơ sở dữ liệu gốc không chuẩn, dẫn đến sai sót hoặc khi thực hiện xong ghép nối và hợp nhất không đồng nhất.

Thứ năm, về hệ thống thông tin dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ tại Điều 36: Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung làm rõ thêm thông tin về dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên ngành chuyên đề, cụ thể cần có dữ liệu hiện trạng sử dụng đất, vì bản đồ chủ yếu là hiện trạng sử dụng đất như thế nào. Việc này khác với quy hoạch sử dụng đất, vì công tác rà soát và nắm bắt hiện trạng sử dụng mặt đất hiện nay khác rất nhiều so với bản đồ hiện tại đang sử dụng.

Thứ sáu, về quản lý, lưu trữ, cung cấp thông tin dữ liệu sản phẩm đo đạc và bản đồ tại Điều 38: Đề nghị phân cấp, phân quyền, sử dụng và khai thác nguồn thông tin dữ liệu chung để đồng bộ, thống nhất quản lý cơ sở dữ liệu tổng quát của quốc gia, phân quyền sử dụng và hạn chế sử dụng đối với từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể để có cơ sở rà soát và đối chiếu. Đồng thời, các đơn vị chuyên ngành khi cập nhật dữ liệu cũng nên dựa trên nền tảng cơ sở gốc để không chồng chéo khi xây dựng quy định mức phí sử dụng đối với từng loại thông tin dữ liệu một cách công khai.

Thứ bảy, về trách nhiệm của Chính phủ tại Điều 56: Ở khoản 1, đề nghị bổ sung đoạn “Phát triển ngành đo đạc và bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia” sau đoạn “chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược kế hoạch dự án”, với lý do cần quy định rõ các chiến lược kế hoạch dự án này trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
.