Chủ Nhật, 18/11/2018, 19:50 (GMT+7)
.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến góp ý 6 nội dung về Luật Đầu tư công

Chiều 16-11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cho rằng: Luật Đầu tư công hiện hành đã tạo được cơ sở pháp lý quan trọng trong quản lý đầu tư công, giúp siết chặt kỷ cương trong quản lý vốn ngân sách nhà nước chi đầu tư thông qua các quy định mang tính chất đột phá, như chuyển cơ chế từ kế hoạch đầu tư hằng năm sang kế hoạch đầu tư trung hạn, gắn với kế hoạch hằng năm. Chương trình đầu tư, dự án đầu tư phải được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi phê duyệt…

Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Đầu công đã bộc lộ những vướng mắc trong triển khai thực hiện, dẫn đến chậm tiến độ giải ngân, chậm tiến độ hoàn thành dự án. Để hoàn thiện hơn nữa dự án Luật, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến góp ý 6 nội dung sau:

Thứ nhất, theo Luật Ngân sách nhà nước, kế hoạch tài chính 5 năm được trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định được sử dụng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và địa phương, làm cơ sở cho cấp thẩm quyền quyết định đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm được cơ quan quản lý về kế hoạch đầu tư và tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân chỉ để tham khảo khi thảo luận, xem xét khi thông qua dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách nhà nước hằng năm. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét đơn giản bớt các thủ tục còn khá phức tạp về trình tự, thủ tục lập, thẩm định kế hoạch đầu tư công 3 năm.

Bên cạnh đó, cùng với yêu cầu đơn giản các thủ tục hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, đơn giản bớt thủ tục quản lý đầu tư công đối với các dự án quy mô nhỏ và rất nhỏ, sử dụng vốn ngân sách địa phương theo hướng gộp chung việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn vào quy trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án; vì thực tế, trước khi có Luật Đầu tư công quản lý các dự án quy mô nhỏ không gặp khó khăn, vướng mắc, nên việc đơn giản thủ tục này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án tại địa phương.

Thứ hai, Luật Ngân sách nhà nước quy định về kế hoạch tài chính 5 năm là các kế hoạch tài chính được lập trong thời hạn 5 năm, cùng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm là kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước được lập hằng năm cho thời hạn 3 năm được lập kể từ năm dự toán ngân sách và 2 năm tiếp theo.

Đây là những định hướng phân bổ nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, trong đó có chi đầu tư công, như vậy tương ứng với kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm, sẽ có kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và kế hoạch đầu tư công 3 năm, đề nghị bổ sung vào Điều 12 dự thảo Luật nguyên tắc phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm.

Thứ ba, đối với trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉ quy định những trình tự, thủ tục riêng có của chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn này.

Đối với những nội dung trùng quy định cho chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được quy định trước đó thì chỉ cần gộp thành một khoản liên kết đến các nội dung để văn bản bớt rườm rà và dễ hơn trong tra cứu, thực hiện.

Thứ tư, về quy định cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Đây là điều, khoản quy định mới, phù hợp với Luật Quản lý nợ công.

Tuy nhiên, theo dự thảo Luật quy định 2 cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, mỗi cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định những nội dung riêng sẽ rất khó cho cơ quan cấp trên tổng hợp, xem xét.

Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa theo hướng giao 1 Bộ làm cơ quan đầu mối phối hợp với Bộ còn lại tổng hợp các nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thứ năm, đối với một số quy định trong dự thảo về quản lý 1 dự án nhưng sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn, dự thảo quy định việc quyết định chủ trương đầu tư thuộc về cơ quan cấp cao nhất có vốn thuộc cấp mình quản lý.

Tuy nhiên, thực tế quy định này chưa thể hiện mạnh mẽ tính phân cấp, dồn khối lượng công việc cho cơ quan cấp trên, nhất là trong trường hợp dự án có cấu phần vốn rất bé của cơ quan cấp cao nhất.

Vì vậy, để tăng tính phân cấp, tạo tính chủ động cho các đầu tư kinh phí có cấu phần vốn lớn, đề  nghị cơ quan soạn thảo xem xét quy định, cơ quan Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp có cấu phần vốn chiếm tỷ trọng cao nhất trong dự án xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; đồng thời, báo cáo về cơ quan cấp trên có phần vốn tham gia vào dự án.

Thứ sáu, về phân loại dự án đầu tư công theo dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng, đề nghị phải chỉnh lại cách thể hiện, bổ sung phần giải thích từ ngữ, nội dung về cấu phần xây dựng; đồng thời, quy định ở đây chỉ cần thể hiện 2 loại là dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng, không cần phải liệt kê lại như dự thảo Luật sẽ không rườm rà, không sợ liệt kê không đúng các nội dung.

                                                                   ĐĂNG HIẾU (tổng hợp)

.
.
Liên kết hữu ích
.