Thứ Năm, 23/05/2019, 16:21 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU LÊ QUANG TRÍ, ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TIỀN GIANG:

Góp ý 8 nội dung vào dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

(ABO) Sáng 21-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Quang Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nhất trí cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bởi dự thảo Luật lần này tạo hành lang pháp lý để phát triển toàn diện con người Việt Nam. Đồng thời, đại biểu Lê Quang Trí đóng góp một số ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.

Một là, về liên thông trong giáo dục (Điều 10): Dự thảo Luật chưa có nội dung quy định về liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, nếu Luật quy định về nội dung này thì việc phân luồng trong giáo dục sẽ thuận lợi. Học sinh và phụ huynh học sinh sẽ an tâm khi cho con em mình học nghề, sống với nghề vì vẫn có cơ hội học tập nâng cao trình độ khi có điều kiện. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quy định này.  

Hai là, nội dung quy định về chính sách phát triển giáo dục: Dự thảo Luật quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non tại Điều 27, quy định về chính sách phát triển giáo dục thường xuyên tại Điều 46. Tuy nhiên, dự thảo Luật không có quy định về chính sách phát triển giáo dục phổ thông. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 điều về chính sách phát triển giáo dục phổ thông trong Tiểu mục 2 Giáo dục phổ thông.

Ba là, về tiêu chuẩn nhà giáo (Điều 67): Nghề giáo là nghề cao quý trong các nghề cao quý. Giáo viên và giảng viên phải thật sự là người gương mẫu về đạo đức, lối sống, được học sinh, sinh viên quý mến, được xã hội tôn trọng. Do đó, cơ bản thống nhất với các quy định về tiêu chuẩn nhà giáo tại điều này, bao gồm cả tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, nghề nghiệp và các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức. Nhà giáo phải là người vừa có tài vừa có đức.

Đối với các tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ thì nhà trường dễ đánh giá, nhưng đối với các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức nhà giáo thì rất khó đánh giá. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 khoản trong điều này, giao Chính phủ quy định về tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức đối với nhà giáo, cũng như phương pháp đánh giá có thể định lượng được một cách khách quan, khoa học.

Bốn là, về chính sách đối với nhà giáo (Điều 77): Để thu hút học sinh, sinh viên giỏi có phẩm chất đạo đức vào ngành Sư phạm, góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo có đức có tài, thì các quy định về chính sách đối với nhà giáo tại Điều 77 là chưa đủ mạnh. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các chính sách đối với con em nhà giáo. Ví dụ như, con em nhà giáo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn học phí ở tất cả các cấp học ..

Năm là, nội dung quy định về thỉnh giảng (Điều 71): Thống nhất với các quy định khuyến khích mời nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước đến giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo chế độ thỉnh giảng. Đây là cơ hội để thầy cô, học sinh, sinh viên được học tập, trao đổi với thầy cô, nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quy định tại khoản 3, điều này là chưa đầy đủ. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng khác có thể tham gia thỉnh giảng cho sinh viên, như các nhà quản lý, nhà quản trị, các chuyên gia tại các cơ quan, công ty, doanh nghiệp. Các đối tượng này có thể tham gia báo cáo chuyên đề hoặc giảng dạy một số tiết trong học phần liên quan. Vì chính các chuyên gia, các nhà quản lý này sẽ bổ sung các kiến thức thực tiễn cho thầy cô, học sinh, sinh viên, cũng như tăng cường mối liên kết giữa nhà trường và cơ sở sử dụng lao động.

Sáu là, về cựu học sinh, cựu sinh viên: Cựu học sinh và cựu sinh viên là sản phẩm của nhà trường, có vai trò quan trọng trong việc phản hồi, góp ý, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy của nhà trường phù hợp với yêu cầu thực tiễn; các cựu sinh viên thành đạt tại các doanh nghiệp có thể tiếp nhận học sinh, sinh viên tham quan, thực tập tại doanh nghiệp của mình; cựu sinh viên thành đạt sẽ đóng góp, tài trợ tài chính cho trường mình đã từng học. Ngược lại, nhà trường cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức cho cựu sinh viên của mình. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung 1 điều về Cựu học sinh và cựu sinh viên, để tạo điều kiện cho cựu sinh viên cập nhật kiến thức đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cũng như cựu học sinh, cựu sinh viên có điều kiện đóng góp xây dựng nhà trường bằng nhiều hình thức khác nhau.

Bảy là, về nội dung quy định đầu tư và tài chính cho giáo dục (Chương VII): Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, là đầu tư hiệu quả nhất cho tương lai của mỗi quốc gia. Do đó, ngoài các đối tượng là trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập không phải đóng học phí được quy định tại khoản 5, Điều 96, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng được miễn học phí là học sinh trung học phổ thông và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với các đối tượng này. Thực tế, có nhiều nước đã không thu học phí cho tất cả các cấp học phổ thông và tổ chức bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh tại trường.

 Tám là, hoạt động thanh tra giáo dục (Điều 111): Tại khoản 1, đề nghi bỏ cụm từ “của cơ sở giáo dục đại học”, điều chỉnh thành: Thanh tra trong lĩnh vực giáo dục bao gồm thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Bởi vì, trong thanh tra chuyên ngành không chỉ có cơ sở giáo dục đại học.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
.