Thứ Bảy, 23/11/2019, 08:57 (GMT+7)
.
MÔ HÌNH TÒA ÁN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN Ở NAM KỲ:

Sự sáng tạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho

Ngày 23-11-1940, lịch sử dân tộc Việt Nam ghi thêm một trang sử hiển hách trong quá trình chống ngoại xâm giành độc lập. Đó là Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất. Trong cuộc khởi nghĩa này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho đã phát huy cao độ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, nổi dậy giành quyền làm chủ một vùng nông thôn rộng lớn, thành lập được chính quyền cách mạng nhân dân theo thể chế dân chủ cộng hòa.

Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án nhân dân ở Nam bộ được xây dựng trong khuôn viên  Di tích Nam kỳ khởi nghĩa (Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đình Long Hưng).
Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên của Tòa án nhân dân ở Nam bộ được xây dựng trong khuôn viên Di tích Nam kỳ khởi nghĩa (Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đình Long Hưng).

Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (tháng 11-1939), Đảng ta đánh giá một cách toàn diện vấn đề dân tộc, nhận rõ mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược và tay sai. Đảng quyết định giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết các dân tộc, các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trên cơ sở liên minh công - nông. Đó là tiền đề, là cơ sở chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa và thiết lập chính quyền theo thể chế dân chủ cộng hòa.

Trong cuộc khởi nghĩa năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho xuất hiện Quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” ở đình Long Hưng (quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho), trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Mỹ Tho. Cùng với sự xuất hiện của Quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc, thiết chế dân chủ cộng hòa cũng được thể nghiệm ở tỉnh Mỹ Tho. Trong 22 ngày thực sự làm chủ (từ ngày 23-11 đến 14-12-1940), sau đó duy trì thêm 27 ngày nữa (từ ngày 15-12-1940 đến 12-1-1941), Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Mỹ Tho thực hiện được một số việc có ý nghĩa lịch sử như: Thành lập được chính quyền nhân dân cấp tỉnh, quận, xã; thành lập được Tòa án nhân dân tỉnh; thực thi một số chính sách: Tuyên bố xóa bỏ các thứ thuế vô lý, xóa bỏ các khoản nợ của nông dân thiếu địa chủ, tịch thu lúa của địa chủ chia cho dân nghèo, giáo dục và khoan hồng người lầm đường lạc lối biết hối cải... Chế độ dân chủ cộng hòa không còn là mô hình trên lý thuyết, mà trở thành hiện thực trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Truyền thống tòa án nhân dân

Gần 80 năm đã trôi qua (1940 - 2019), nhưng sự xuất hiện của Tòa án nhân dân (TAND) cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử ngành Tư pháp cách mạng nói riêng. Nhằm tri ân các thế hệ cách mạng đã không tiếc máu xương cho nền độc lập của dân tộc và xây dựng nên truyền thống của ngành TAND nói chung và TAND tỉnh Tiền Giang nói riêng, để không ngừng giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó đối với các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống Tòa án; ghi nhận một cách chính thức về lịch sử, bằng những việc làm cụ thể để các sự kiện lịch sử nêu trên được lưu giữ như là một biểu tượng về tính cách mạng của nền tư pháp nước ta, góp phần xây dựng nên truyền thống cách mạng của hệ thống TAND. Xuất phát từ ý nghĩa và yêu cầu đó, TAND tỉnh Tiền Giang đã báo cáo Ban cán sự đảng TAND tối cao, Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang cho ý kiến trong việc thu thập tài liệu lịch sử, tổ chức hội thảo về sự kiện thành lập TAND và địa điểm mở phiên tòa cách mạng đầu tiên trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.

Tháng 9 vừa qua, tại khuôn viên Khu Di tích Nam kỳ khởi nghĩa (Khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia đình Long Hưng), TAND tỉnh Tiền Giang tổ chức Lễ Khởi công xây dựng Bia ghi dấu ấn địa điểm xét xử đầu tiên ở Nam bộ, nhằm tri ân thế hệ các đồng chí đã không tiếc máu xương cho nền độc lập của dân tộc và xây dựng nên truyền thống của hệ thống TAND nói chung, TAND tỉnh Tiền Giang nói riêng.

VĂN THẢO

Ngày 23-11-1940, cùng với việc thành lập chính quyền cách mạng lâm thời tỉnh Mỹ Tho, Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho cũng được thành lập tại đình Long Hưng (nhân dân gọi là miễu Chánh). Đây là lần đầu tiên ở Nam kỳ, cũng là lần đầu tiên ở nước ta, Tòa án nhân dân cách mạng cấp tỉnh được thành lập. Như vậy, ngay từ đầu, những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho biết thực hiện quyền tư pháp, mà chủ yếu là quyền xét xử là một trong những chức năng quan trọng của chính quyền cách mạng và được giao cho Tòa án nhân dân thực hiện. Do vậy, Tòa án nhân dân cách mạng có vị trí rất quan trọng trong bộ máy Nhà nước dân chủ cộng hòa mới hình thành.

Hội đồng Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho căn cứ vào chính sách cụ thể của Xứ ủy Nam kỳ đề ra trong cuộc khởi nghĩa: “Khoan hồng với người lầm lạc. Bảo vệ quyền lợi nhân dân. Tôn trọng tự do tín ngưỡng. Hủy bỏ các khế ước giao kèo có tính chất áp bức bóc lột. Tịch thu địa bạ của bọn địa chủ phản động để luận tội và kết án...”. Hoạt động xét xử công khai của Tòa án nhân dân có sự tham dự của đông đảo quần chúng và lần đầu tiên nhân dân trực tiếp tham gia luận tội thể hiện tính dân chủ của cách mạng.

Các phiên tòa diễn ra như buổi huấn luyện chính trị, có tác dụng tốt và ảnh hưởng lâu dài đến các giai đoạn cách mạng sau này. Chỉ 49 ngày làm chủ vừa thực thi các chính sách của Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho vừa chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng, nhân dân ta tự mình thực hiện quyền tự do, bình đẳng, đoàn kết và hành động dưới sự quản lý của chính quyền cách mạng, như tham gia phá kho lúa của địa chủ chia cho dân nghèo, tham gia luận tội trong các phiên tòa xét xử bọn ác ôn…

Chính những việc tự mình làm và những thành tựu đạt được đã để lại dấu ấn sâu đậm của một thời kỳ hào hùng trong cuộc khởi nghĩa, của hơn một tháng thực hiện thiết chế dân chủ cộng hòa với nhân dân, một chính quyền dân chủ chủ trương đoàn kết dân tộc, khoan dung, kiên quyết chống giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; thể hiện sức mạnh của cách mạng, của chân lý, của niềm tin tất thắng. 

Với Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta, bởi các sáng tạo có giá trị đặc sắc, đặc biệt là về nghệ thuật lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập tòa án nhân dân để đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng giành được. Với vị trí đặc biệt ấy, có thể nói, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 là một mốc son chói lọi trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, là một trong những cánh én báo hiệu mùa xuân cho dân tộc ta.

Kết quả của Cuộc khởi nghĩa năm 1940 ở tỉnh Mỹ Tho để lại rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đó là thành lập được chính quyền nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho theo thể chế dân chủ cộng hòa và thành lập được Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho. Tòa án nhân dân cách mạng tỉnh Mỹ Tho thật sự đã trở thành chỗ dựa vững chắc của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người; đồng thời là công cụ hữu hiệu bảo vệ chính quyền cách mạng và thể chế dân chủ cộng hòa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm có hành vi chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Tòa án nhân dân cách mạng là biểu tượng của công lý, là nơi công dân gửi gắm niềm tin: Bất kỳ hành vi xâm phạm nào đối với quyền lợi quốc gia, dân tộc cũng bị xử lý nghiêm minh; bất kỳ quyền hoặc lợi ích hợp pháp nào của con người, của công dân bị xâm phạm đều được cách mạng kiên quyết bảo vệ.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY TIỀN GIANG

.
.
.