Thứ Sáu, 06/12/2019, 06:28 (GMT+7)
.
Phiên giải trình Kỳ họp thứ 11- Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang: khóa IX

Vì sao xét chuyển công chức, viên chức phải có chứng chỉ Bồi dưỡng quản lý nhà nước

(ABO) Phiên giải trình tại Kỳ họp thứ 11 diễn ra sôi nổi vào ngày 5-12 với nhiều ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu chất vấn Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về những vấn đề còn bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng như lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã giải trình với tinh thần trách nhiệm cao, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

Tổ Nhân dân tự quản góp phần giảm tình hình tội phạm

Liên quan đến tình hình trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã đặt vấn đề về vai trò của Tổ Nhân dân tự quản (TNDTQ) có góp phần làm giảm tội phạm không? Đại biểu cho rằng, tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2328/QĐ-UBND ngày 11-8-2008 của UBND tỉnh quy định về tổ chức và hoạt động của TNDTQ về an ninh trật tự, ngành Công an tỉnh đã đề ra các giải pháp khắc phục những tồn tại trong hoạt động của TNDTQ. Đại biểu đề nghị Công an tỉnh cho biết đến nay kết quả như thế nào.

Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, vai trò của TNDTQ rất quan trọng trong góp phần làm giảm tội phạm và vi phạm pháp luật. Trong năm 2019, các TNDTQ trên địa bàn tỉnh tổ chức họp trên 20.000 cuộc, trên 400.000 lượt người tham dự. Tổ đã phối hợp các đoàn thể ở cơ sở tham gia quản lý, giáo dục những người vi phạm pháp luật tại xã, phường, thị trấn. TNDTQ đã phối hợp tạo việc làm cho 85 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và giúp đỡ 560 thanh thiếu niên tiến bộ, tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, TNDTQ còn tham gia bảo vệ hiện trường nhiều vụ việc, truy bắt tội phạm có lệnh truy nã và người có hành vi phạm tội quả tang; tích cực phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Qua phát động phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc, người dân đã cung cấp 253 tin, giúp lực lượng Công an bắt, xử lý 258 đối tượng vi phạm pháp luật.

Đồng thời, xây dựng tình đoàn kết, thân ái, giúp đỡ lẫn nhau; tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình, ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào khác tại địa phương; kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh giải trình tại hội trường
Đại tá Nguyễn Văn Nhựt, Giám đốc Công an tỉnh giải trình tại hội trường.

Về kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại trong hoạt động của TNDTQ, lực lượng Công an các cấp tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, thường xuyên rà soát, tập trung củng cố kiện toàn TNDTQ đảm bảo mỗi Tổ đều có Tổ trưởng và Tổ Phó. Đồng thời, phối hợp với các đoàn thể làm tốt công tác xét, phân loại chất lượng hoạt động TNDTQ định kỳ hàng năm để củng cố, nâng chất lượng hoạt động đối với những Tổ hoạt động trung bình và yếu (nâng chất từ yếu lên trung bình 61 Tổ, từ trung bình lên khá 232 Tổ).

Công an tỉnh tiến hành tổ chức tập huấn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TNDTQ cho 217 Tổ trưởng và Tổ phó; hướng dẫn nghiệp vụ, phương pháp làm việc, công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự và cung cấp thông tin phục vụ công tác sinh hoạt tuyên truyền người dân cho 164 Tổ trưởng và Tổ phó.

Công an tỉnh và UBND các cấp, đoàn thể cũng thường xuyên động viên khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc nhằm động viên góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TNDTQ; định kỳ sơ, tổng kết đánh giá hoạt động của TNDTQ để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động của TNDTQ.

Vì sao xét chuyển công chức, viên chức phải có chứng chỉ Bồi dưỡng quản lý nhà nước?

Nghị định số 161 năm 2018 của Chính phủ có quy định việc xét chuyển từ công chức cấp xã lên công chức cấp huyện không yêu cầu về chứng chỉ Bồi dưỡng Quản lý nhà nước (QLNN). Tuy nhiên, thực tế công tác xét tuyển hiện nay Sở Nội vụ yêu cầu thêm điều kiện chuyển từ viên chức sang công chức và từ công chức cấp xã thành công chức cấp huyện phải có chứng chỉ Bồi dưỡng QLNN, điều này gây khó khăn cho cơ sở trong tổ chức thực hiện. Đại biểu đề nghị Sở Nội vụ cho biết căn cứ pháp lý nào quy định khi xét chuyển công chức, viên chức phải có chứng chỉ Bồi dưỡng QLNN?

Giám đốc Sở Nội vụ Võ Tấn Hiền giải trình tại phiên giải trình
Giám đốc Sở Nội vụ Võ Tấn Hiền giải trình tại phiên giải trình tại hội trường.

Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Tấn Hiền cho biết: Đối với việc tiếp nhận công chức cấp xã và viên chức thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh:

 Đối với các trường hợp tiếp nhận thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh ở vị trí việc làm yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên và vị trí tiếp nhận là chuyên viên thì phải đáp ứng tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên. 

Điều kiện tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên căn cứ quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 7 Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 9-10-2014 của Bộ Nội vụ quy định các tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên là: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên hoặc bằng tốt nghiệp đại học ngành hành chính học, thạc sĩ quản lý hành chính công, tiến sĩ quản lý hành chính công; có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24-1-2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số; có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11-3-2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin hoặc chứng chỉ tin học ứng dụng tương đương.

Như vậy, đối với việc tiếp nhận công chức cấp xã và viên chức thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh thì có đủ các tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm như đã nêu trên. Do đó công chức cấp xã và viên chức được tiếp nhận và chuyển thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh, nếu vị trí việc làm là chuyên viên thì phải đảm bảo tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch chuyên viên. Thực tế, thời gian qua, Thanh tra Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra ở một số tỉnh, thành phố, trong đó có những trường hợp tiếp nhận viên chức thành công chức hoặc tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã thành công chức cấp huyện, cấp tỉnh nhưng chưa qua bồi dưỡng QLNN ngạch chuyên viên là chưa đúng quy định.

Kè giữ lục bình và trồng cây để phòng, chống sạt lở

Liên quan đến việc thực hiện mô hình Kè giữ lục bình và trồng cây để phòng, chống sạt lở, các đại biểu đề nghị ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá hiệu quả thực hiện mô hình này trên địa bàn các huyện, thành, thị phía Tây; kế hoạch và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng chỉ đạo công tác trục vớt lục bình tại xã Quơn Long (huyện Chợ Gạo).
 

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Mô hình Kè giữ lục bình và trồng cây để phòng, chống sạt lở trên địa bàn các huyện, thị phía Tây được triển khai tại những vị trí kinh, rạch có độ dốc thấp, ghe tàu lưu thông nhiều gây sạt lở mặt và không có dòng chảy ngầm. Mô hình này dễ làm, dễ nhân rộng, kinh phí thực hiện thấp (200.000 đồng/m dài) nhưng có hiệu quả phòng sạt lở rất cao, được nhân dân và các địa phương đồng tình hưởng ứng.

Với cơ chế hỗ trợ 50% kinh phí trên 1 m dài (100.000 đồng/m), thời gian qua, tỉnh đã thực hiện được khoảng 10.000 m, đạt kết quả khả quan đối với vùng sông, rạch phía Tây của tỉnh, qua đó đã nâng cao ý thức của nhân dân sống dọc theo sông, kinh, rạch theo tinh thần tự bảo vệ đất mình nhằm hạn chế sạt lở góp phần tiết kiệm kinh phí nhà nước cho việc xử lý sạt lở. Đây là việc làm thiết thực trong thực hiện “Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Kế hoạch và giải pháp phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh trong năm 2020: Giải pháp phi công trình là các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa sạt lở. Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện mô hình Kè giữ lục bình và trồng cây để phòng, chống sạt lở trên địa bàn các huyện, thị phía Tây.

Giải pháp công trình là kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở tại các khu vực sạt lở bờ sông, kinh, rạch; chủ động huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn vốn khác để xử lý sạt lở bờ sông, kinh, rạch, trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp di dời nhà ở, di dời công trình… để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; thực hiện các quy định hiện hành về hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Định hướng, quy hoạch và khuyến cáo các vùng có nguy cơ sạt lở: Xây dựng bản đồ dự báo nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở bố trí dân cư và sản xuất; khuyến cáo người dân không xây dựng nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông như đê, đường giao thông, bãi vật liệu xây dựng…, hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kinh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ.

NHÓM PHÓNG VIÊN

.
.
.