Thứ Sáu, 10/01/2020, 11:01 (GMT+7)
.

Thầy giáo Lê Văn Philippe: Tấm gương bất khuất, kiên trung

Nhà đồng chí Lê Văn Philippe (số 16, đường Trần Hưng Đạo, TX. Gò Công) nơi mở các cuộc họp để khởi nghĩa ở Gò Công tháng 8-1945.
Nhà đồng chí Lê Văn Philippe (số 16, đường Trần Hưng Đạo, TX. Gò Công) nơi mở các cuộc họp để khởi nghĩa ở Gò Công tháng 8-1945.

THẦY GIÁO CÓ TÊN TÂY NHƯNG LẠI “GHÉT” TÂY

Thầy giáo Lê Văn Philippe sinh năm 1905 tại Gò Tre, làng Long Thuận, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Long Thuận, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân sinh ông là đốc học Gò Công Lê Văn Sang (1875 - 1927).

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng là người chăm học và học giỏi. Sau khi đậu bằng Thành Chung, ông học ngành Sư phạm ở Sài Gòn, rồi về dạy học ở trường làng Yên Luông Đông (nay là Trường Trung học cơ sở Long Hòa, TX. Gò Công) từ năm 1938, với chức danh là giáo viên tiểu học chánh ngạch (Instituteur primaire).

Vốn là người có tinh thần dân tộc và khẳng khái, ông luôn tỏ thái độ chống đối chế độ thực dân. Đặc biệt, trong những giờ giảng dạy trên lớp, ông rất chú ý đến việc giáo dục lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc cho học sinh.

Do ông bị thực dân Pháp thủ tiêu, không tìm thấy thi hài, nên năm 2001, Đại tá về hưu Nguyễn Huỳnh Ngân và ông Triệu Quang Phấn, cư ngụ ở ấp Gò Tre, xã Long Thuận, TX. Gò Công đã tiến hành xây dựng một “không phần” (còn gọi là mộ gió, tức là mộ không có hài cốt) để tưởng nhớ đến ông tại khu mộ Gò Quán, Gò Tre, xã Long Thuận, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Lịch sử quê hương trân trọng ghi công thầy giáo Lê Văn Philippe trong những trang sử cách mạng vẻ vang. TX. Gò Công đang phát triển, nhiều công trình sẽ xây dựng, nhất định sẽ có công trình được vinh dự mang tên người thầy giáo kiên trung, bất khuất này.     

Năm 1940, khi Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, tại lớp của ông dạy có một lá cờ đỏ sao vàng được treo trên bảng. Bất chấp sự nguy hiểm, ông đã hào hứng giảng giải nguồn gốc của lá cờ và cuộc nổi dậy của quần chúng ở toàn Nam kỳ cho học sinh nghe.

Sau đó, ông và học sinh kiên quyết bảo vệ lá cờ, khiến bọn làng lính phải dùng vũ lực mới lập lại được trật tự. Từ đây, ông bị bọn mật thám ở tỉnh Gò Công chú ý theo dõi, rình rập.

GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO CUỘC KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN THÁNG 8-1945 Ở TỈNH GÒ CÔNG

Vào trung tuần tháng 3-1945, sau ngày phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, chính quyền thân Nhật được dựng lên ở tỉnh Gò Công, nhưng được che đậy dưới chiêu bài “quốc gia, dân tộc”.

Trước tình hình đó, bằng sự cảm quan chính trị nhạy bén, sắc sảo, ông đã giúp giới trí thức và thanh niên, học sinh ở địa phương nhận thấy rõ bản chất tay sai, bán nước của chính quyền này và kêu gọi mọi người tẩy chay, bất hợp tác với bọn bù nhìn.

Nhờ thế, ông trở thành người có uy tín lớn trong giới trí thức và thanh niên, học sinh ở tỉnh Gò Công. Do đó ông được Tỉnh ủy Gò Công và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thủ lĩnh lực lượng Thanh niên Tiền Phong Nam kỳ đề cử làm thủ lĩnh lực lượng Thanh niên Tiền Phong tỉnh Gò Công vào đầu tháng 8-1945.

Với cương vị này, ông đã bố trí cán bộ cách mạng nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong lực lượng Thanh niên Tiền Phong ở tỉnh và các tổng, làng.

Ngày 18-8-1945, tại Hội nghị thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Gò Công, ông được bầu làm Ủy viên. Ngày 19-8-1945, khí thế khởi nghĩa của quần chúng ở tỉnh Gò Công dâng lên sôi nổi.

Trước tình hình đó, tỉnh trưởng chính quyền bù nhìn Trần Hưng Ký mời lực lượng Thanh niên Tiền Phong tỉnh tham gia giữ gìn trật tự trị an. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để tạo thế cho cách mạng, ông đã yêu cầu viên tỉnh trưởng phải mời thêm một cựu sĩ quan trong quân đội Pháp để nắm lực lượng quân sự.

Trước lập luận hợp lý của ông, viên tỉnh trưởng đồng ý. Lập tức, ông giới thiệu ông Trần Hữu Liêm, đảng viên cộng sản, nguyên là sĩ quan hải quân Pháp đứng ra chỉ huy binh lính và cảnh sát ở trong tỉnh.

Như vậy, ở tỉnh Gò Công lúc bấy giờ có 2 cán bộ cách mạng công khai hoạt động trong lòng địch: Trần Hữu Liêm chỉ huy quân lính và Lê Văn Philippe thủ lĩnh lực lượng Thanh niên Tiền Phong.

Tối 19-8-1945, tại nhà của ông, Hội nghị của Tỉnh ủy Gò Công được nhóm họp để đề ra kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại hội nghị, đóng góp ý kiến cho kế hoạch, ông đã nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước và sẵn sàng tham gia cách mạng của tầng lớp trí thức, thanh niên và binh lính ở tỉnh Gò Công; đồng thời, ông tán thành phương án khởi nghĩa giành chính quyền bằng đấu tranh chính trị do Tỉnh ủy đề ra.

Ngày 21-8-1945, ông lại được viên tỉnh trưởng nhờ dàn xếp việc một đoàn biểu tình của nông dân huyện Chợ Gạo thuộc tỉnh Mỹ Tho đang tiến vào địa phận tỉnh Gò Công.

Nhận thấy đây là một tình thế mới xuất hiện rất thuận lợi cho cách mạng, ông đã yêu cầu viên tỉnh trưởng phải mời đại diện của Mặt trận Việt Minh tỉnh đứng ra giải quyết, bởi vì đó là công việc nội bộ của Việt Minh.

Không có cách nào khác, viên tỉnh trưởng Gò Công phải chính thức mời Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh kiêm Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Gò Công Nguyễn Văn Côn giải quyết vụ việc nói trên.

Ngay sau đó, ông cùng với đồng chí Nguyễn Văn Côn đi xe hơi của tỉnh trưởng Gò Công có gắn cờ đỏ sao vàng đến Thạnh Nhựt để dàn xếp tình hình. Kết quả, đoàn nông dân huyện Chợ Gạo bằng lòng quay về, để cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Gò Công sẽ do Tỉnh ủy và Mặt trận Việt Minh tỉnh Gò Công lãnh đạo và chỉ đạo theo kế hoạch đã vạch ra từ trước.

Trước tình hình chính quyền địch ở tỉnh Gò Công đã hoàn toàn bất lực, ông cùng với đồng chí Nguyễn Văn Côn yêu cầu viên tỉnh trưởng phải hạ cờ Nhật, cờ quẻ ly của chính phủ bù nhìn và giao quyền kiểm soát tỉnh Gò Công cho Việt Minh. Viên tỉnh trưởng chỉ đồng ý hạ cờ Nhật; còn việc rút lui thì xin được trả lời sau.

Một lần nữa, ông lại nhận lãnh nhiệm vụ thuyết khách. Trước lý lẽ kiên quyết, sắc sảo, có lý có tình của ông, viên tỉnh trưởng chấp nhận đầu hàng cách mạng.

Đúng 12 giờ trưa ngày 22-8-1945, tại dinh tỉnh trưởng, ông thay mặt lực lượng Thanh niên Tiền Phong tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Côn thay mặt Mặt trận Việt Minh tỉnh chính thức tiếp nhận việc bàn giao chính quyền từ tay tỉnh trưởng Trần Hưng Ký.

Như vậy, ông đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Gò Công. Thế hệ cách mạng mùa Thu năm 1945 ở tỉnh Gò Công ai cũng biết “phong trào do ông Chín Côn lãnh đạo và thầy Hai Philíp vận động tỉnh trưởng đầu hàng nên chính quyền đã về tay cách mạng không đổ máu” (Theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Việt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gò Công).  

KIÊN TRUNG TRONG NGỤC TÙ CỦA BỌN THỰC DÂN

Sau ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-1945), ông đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh tỉnh Gò Công kiêm Chỉ huy trưởng lực lượng Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh (tức lực lượng Công an sau này).

Tháng 10-1945, khi quân Pháp nổ súng tấn công phòng tuyến Cầu Nổi (nay là cầu Mỹ Lợi), ông là một trong những cán bộ lãnh đạo của tỉnh Gò Công trực tiếp chỉ huy và chiến đấu tại mặt trận nhằm chặn địch tiến vào TX. Gò Công, nhưng thế giặc quá mạnh, phòng tuyến bị tan vỡ, lực lượng của ta phải di chuyển sang Lý Nhơn (nay thuộc huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh).

Theo sự phân công của tổ chức, ông lên Sài Gòn để tìm cách nối liên lạc với lực lượng kháng chiến ở đây. Tuy nhiên, vào tháng 3-1946, khi mới đến Tân An (tỉnh Long An), ông bị địch bắt. Bọn chúng đã chuyển ông về nhà tù Gò Công để khai thác.

Biết ông là một trí thức nổi tiếng có ảnh hưởng sâu đậm trong giới trí thức và nhân dân tỉnh Gò Công, chính quyền thực dân ra sức mua chuộc và dụ dỗ, nhưng ông đều từ chối. Lập tức, bọn chúng tra tấn ông rất dã man để buộc ông phải đầu hàng, nhưng vẫn không khuất phục được ông. Địch đưa ông lên Mỹ Tho, giam ở khám số 7.

Lại tiếp tục lôi kéo, mua chuộc và tra tấn nhưng ông trước sau đều cương quyết không hợp tác với Pháp. Bọn chúng lại đưa ông về Gò Công. Và lần này, bọn chúng đã hèn hạ thủ tiêu ông (vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7-1946).

NGUYỄN PHÚC NGHIỆP

.
.
.