Thứ Hai, 23/03/2020, 09:37 (GMT+7)
.

Trong ngục tối vẫn rạng ngời ánh sáng của Đảng

Trong 2 cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng hàng loạt nhà giam, khám đường, nhà tù (gọi chung là nhà tù) để giam giữ các cán bộ, đảng viên, những người yêu nước. Nhằm điều tra và trấn áp các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, chúng đã dùng nhiều nhục hình, tra tấn, khiến các nhà tù trở thành “địa ngục trần gian”. Tuy nhiên, trong ngục tối vẫn rạng ngời ánh sáng của Đảng! Từ đó, các cán bộ, đảng viên, những người yêu nước đã kết nối chặt chẽ với nhau, biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi tôi luyện tinh thần chiến đấu, biến bóng đêm đen tối của nhà tù thành những tia sáng cách mạng tỏa khắp nơi nơi, biến những con người bình thường trở nên phi thường…

Khám đường Mỹ Tho.
Khám đường Mỹ Tho.

Bài 1: Hệ thống “địa ngục trần gian”

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, địch đàn áp phong trào cách mạng ở Tiền Giang bằng mọi giá. Từ giữa năm 1955, cùng với việc thực hiện chính sách “tố cộng - diệt cộng”, chính quyền tay sai tiến hành ngay việc cải tạo, mở rộng các nhà tù, trại giam của thực dân Pháp để lại và gấp rút xây dựng thêm một số nhà tù, trại giam khác nhằm giam cầm, điều tra, xét hỏi, phân loại và cải tạo tư tưởng, khủng bố tinh thần những người cộng sản, người yêu nước nói riêng và nhân dân nói chung.

MỞ RỘNG NHÀ TÙ, TRẠI GIAM

Năm 1861 sau khi thực dân Pháp nổ súng tấn công và đánh chiếm thành Định Tường, chúng liền cho san bằng đình Bình Tạo để lấy đất xây Nhà tù Mỹ Tho (Khám đường Mỹ Tho), với tổng diện tích 3.629 m2. Đây là nhà tù được thực dân Pháp xây dựng sớm nhất ở Nam bộ. Khám đường Mỹ Tho được xem là một trong những nhà tù lâu đời nhất kể từ khi Pháp xâm chiếm nước ta, nhằm giam cầm, tra trấn các chiến sĩ cách mạng và các nhà yêu nước Việt Nam trong suốt 115 năm ngoại bang thống trị nước ta. Đây là nhà tù khét tiếng tàn bạo trong tra khảo, giam cầm đối với tù nhân. Khám đường Mỹ Tho là một chứng tích về âm mưu thâm độc, tàn bạo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đối với những người cộng sản và những người yêu nước ở các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Long An...

Nó trở thành một trung tâm giam cầm và đày ải, tiêu hao dần lực lượng cách mạng ở địa phương. Trong 21 năm chống Mỹ, hàng ngàn người yêu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị giam cầm tại đây. Khám đường Mỹ Tho chia thành 14 phòng giam, những lúc đông, tù nhân bị giam trong khám đường lên tới hơn 850 người. Do số lượng đông, tù nhân không đủ chỗ nằm, phải chia ra phân nửa nằm, phân nửa ngồi, rồi thay đổi nhau, kể cả ban đêm.

Ngoài Khám đường Mỹ Tho, trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho và Gò Công (nay là tỉnh Tiền Giang), địch còn mở rộng hệ thống nhà tù và các nhà giam, được coi như các nhà tù khác. Cụ thể, ở Mỹ Tho, chúng lập nên Trung tâm cải huấn Định Tường, Trại giam tù binh Đồng Tâm, Nhà giam Cây Khế, Ty thẩm vấn Định Tường, Nhà giam Mãnh Hổ, Nhà giam Bến Tranh, Nhà giam Tân Hiệp, Nhà giam Chi khu Châu Thành, Nhà giam Chi khu Long Định, Nhà giam Chi khu Sầm Giang, Nhà giam Chi khu Cai Lậy, Nhà giam Chi khu Cái Bè, Nhà giam Chi khu Giáo Đức, Nhà giam Chi khu Chợ Gạo.

Ở Gò Công, chúng lập nên các nhà tù: Khám Gò Công (sau năm 1954 đổi thành Khám lớn Gò Công), Khám tối - Ty thẩm vấn Gò Công, Nhà giam Hòa Đồng (từ tháng 4-1965 đến tháng 4-1975 đổi thành Nhà giam Chi khu Hòa Đồng), Nhà giam Chi khu Hòa Bình, Nhà giam Chi khu Hòa Lạc, Nhà giam Chi khu Hòa Tân…

Giai đoạn từ năm 1969 đến 1971, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng bị địch bắt, giam cầm, tất cả các nhà tù ở Mỹ Tho, Gò Công đều chật cứng người. Lúc này, trên địa bàn 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công có gần 20 nhà tù, trại giam (chưa kể những nơi tạm giam của các cơ quan an ninh quân đội, tình báo của Mỹ, của ngụy). Hệ thống nhà tù, gông cùm, xiềng xích và đủ các đòn tra tấn tàn bạo nhất của địch hòng dập tắt ngọn lửa đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng. Hệ thống nhà tù Mỹ Tho - Gò Công là nơi đã giam cầm và đày ải hàng ngàn chiến sĩ cách mạng trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

ĐỊA NGỤC TRẦN GIAN

Từ thời thực dân Pháp tiếp đến thời Mỹ - ngụy, Nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã tồn tại 20 năm (1953 - 1973). Đây là nơi tập trung điển hình về tội ác của chế độ thực dân, đế quốc. Ở đây kẻ thù tự do đặt ra nhiều kiểu hành hạ con người một cách dã man. Quản tù là những tên khát máu hành hạ tra tấn tù binh, vì thế hơn 4.000 người đã hy sinh trong tù.

Tháng 9-1946, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Phú Quốc. Địch chọn Phú Quốc để lập nhà tù lớn nhất Đông Nam Á, giam cầm các chiến sĩ cách mạng, vì hòn đảo này có vị trí quân sự chiến lược, xa đất liền, xa các cơ quan ngôn luận để chúng dễ bề đàn áp tù nhân.

Giữa năm 1953, Pháp dùng doanh trại của tàn quân quốc dân đảng để xây dựng nhà tù, gọi là Căng Cây Dừa. Nhà tù có diện tích khoảng 40 ha, hình chữ nhật, chia làm 4 trại A, B, C, D. Toàn Căng có hàng rào thép gai dày bao quanh, phía trên mắc dây điện trần và đèn bảo vệ. Chòi canh thường xuyên có lính gác. Mỗi cổng có một tiểu đội lính tuần tiễu được trang bị tiểu liên và súng trường. Vành ngoài có công sự chiến đấu. Số lượng tù binh thời kỳ này có khoảng 6 ngàn người. Đến tháng 4-1954 có khoảng 14 ngàn tù nhân đều là nam giới.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, sau Mậu Thân 1968, địch mở rộng nhà tù đến 11 khu. Mỗi khu trại giam chia làm 4 phân khu A, B, C, D, mỗi phân khu có từ 9 đến 18 nhà giam, mỗi nhà dài 20 m, rộng 5 m giam giữ từ 80 đến 120 người. Tổng số có đến 400 nhà giam, vách dựng bằng tôn thiếc, mái lợp thiếc, cửa cũng bằng tôn thiếc. Trưa nắng nhìn cả trại giam chói rực lên nhức mắt. Hầu hết nền nhà đều bằng đất, nhưng sau những vụ đào hầm trốn tù, địch trám xi măng. Từng phân khu có hàng rào kẽm gai bao quanh, chỗ dày có thể từ 10 - 15 lớp rào, chỗ mỏng từ 5 - 7 lớp rào.

Những bãi mìn dày đặc xung quanh nhà tù. Bao quanh nhà tù là một vành đai trắng, rộng hàng cây số, không một bóng nhà dân. Ban đêm, trong những lớp rào có thả chó và ngỗng mai phục người tù trốn trại và đèn điện sáng trưng như ban ngày.

Nhà tù chia làm 5 ban: Ban điều hành, Ban giám thị, Ban an ninh, Ban chiến tranh chính trị và Ban quân y. Chỉ huy trại giam là cố vấn người Mỹ, với 4 tiểu đoàn quân cảnh. Ngoài ra, còn có một trung đội quân khuyển toàn là chó becgie giống Anh.

Riêng lực lượng hải quân tương đương một sư đoàn, giăng kín ngoài biển… Tỷ lệ cứ 2 người tù có 1 người lính trông coi. Giám thị điểm danh cả ngày lẫn đêm liên tục để chống tù nhân vượt ngục. Có một tốp trực thăng chiến đấu cũng thay nhau ngày đêm quần đảo trên bầu trời Phú Quốc, tạo nên cảm giác ảm đạm, ngột ngạt cho tù nhân.

Bộ máy đàn áp nhà tù lên tới 4.000 người, gồm cả hải, lục, không quân. Những người bị địch bắt đưa về nhà tù này gồm đủ các miền Bắc, Trung, Nam. Số tù nhân tăng lên nhiều từ năm 1968, cao nhất vào khoảng 40.000 người.

Còn Nhà tù Côn Đảo (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Bôna ký quyết định thành lập vào ngày 1-2-1862. Hệ thống các cơ sở giam giữ tù nhân ở nhà tù này được xây dựng dần dần, từ năm 1862 đến 1945. Hệ thống đó bao gồm 3 trại giam (banh) và những sở chuyên môn, gọi tắt là các sở tù.

Cụ thể như sau: Banh I ở ngay giữa thị trấn Côn Đảo; Banh II ngay cạnh Banh I, gần nhà thương Côn Đảo; Banh III ở ngoại ô thị trấn, nằm bên trái đường xuống sở Lò vôi, cách Banh I khoảng 1 km; Banh phụ của Banh III xây dựng năm 1941. Các sở tù gồm có: Sở rẫy An Hải - An Hội, Sở đá, Sở tiêu, Sở củi - Chuồng Bò, Sở kéo cây, Sở Đất Dốc, Sở Cỏ Ống, Sở Lò vôi, Sở bông hường, Sở hòa ni, Sở Ông Đụng, Sở muối, Sở bản chế, Sở lưới, Sở Rẫy Ông Lớn…

Tháng 3-1955, thiếu tá A.Blanck bàn giao chức Giám đốc quần đảo và đề lao Côn Đảo cho Bạch Văn Bốn, thiếu tá quân đội Sài Gòn, chấm dứt gần 1 thế kỷ cai trị của thực dân Pháp. Con số tù nhân thời chống Mỹ lên cao nhất từ khoảng năm 1969 đến 1972, xấp xỉ 10.000 người. Trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, Nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị.

Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ - ngụy tưởng có thể thủ tiêu cách mạng bằng cách giết chết dần các chiến sĩ cách mạng trong khổ sai, nhục hình, đói khát và bệnh tật ở các nhà tù rải ra trên khắp nước ta, trong đó Nhà tù Côn Đảo là một trong những nhà tù lớn nhất, ác nghiệt nhất, được mệnh danh là “địa ngục trần gian”. Nhưng thủ đoạn gian ác đó của thực dân, đế quốc đã thất bại thảm hại. Côn Đảo được những người cộng sản biến thành chiến trường và trường học cách mạng, đã thực sự là một vườn ươm của cách mạng Việt Nam.

THIÊN LÊ (còn tiếp)

.
.
.