Thứ Hai, 13/04/2020, 16:12 (GMT+7)
.

Dấu son 45 năm

Người dân vận chuyển lúa ra bờ kinh để chờ thương lái đến mua (ảnh chụp năm 2019).                                                                                                                                                                                                                    Ảnh: Nguyễn sự
Người dân vận chuyển lúa ra bờ kinh để chờ thương lái đến mua (ảnh chụp năm 2019). Ảnh: Nguyễn Sự

45 năm sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975, kinh tế Tiền Giang có những bước chuyển mình và tăng tốc rõ nét. Đó là bước tiến dài trên nhiều mặt trận: Nông nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ…

Bài 1: “Kỳ tích” ngành Nông nghiệp

Kinh tế vườn, trọng điểm là cây ăn trái đã mang lại những “kỳ tích” rất lớn cho ngành Nông nghiệp, để Tiền Giang được xem là “vương quốc trái cây” đối với các tỉnh, thành trong cả nước.

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CAM GO

Chúng tôi, những người được sinh ra sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, không chứng kiến những đau thương, mất mát của chiến tranh và cả những vất vả, khó khăn, thiếu thốn sau ngày hòa bình lập lại. Song, từ trong sâu thẩm, chúng tôi vẫn cảm nhận được rằng, đó là một giai đoạn vô cùng khó khăn của đất nước. Cả nước cùng chung tay gầy dựng sau những tàn phá khốc liệt của cuộc chiến tranh. Tiền Giang cũng bắt đầu đi lên từ đó, trong đó trọng điểm là ngành Nông nghiệp. Bởi, cùng với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngành Nông nghiệp Tiền Giang có xuất phát điểm tương đối thấp, cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư lại rất hạn chế do đang trong bối cảnh đất nước còn bộn bề khó khăn.

Có dịp tìm hiểu kỹ suốt chiều dài lịch sử 45 năm của ngành Nông nghiệp Tiền Giang, chúng tôi mới cảm nhận được sự nỗ lực phi thường của người dân trên mặt trận này. Ngành Nông nghiệp Tiền Giang bắt đầu từ chỗ thiếu ăn, lũ lụt, rầy nâu tàn phá, đến nay không những đảm bảo nhu cầu tiêu thụ, mà còn tham gia xuất khẩu lúa gạo, trái cây và nhiều loại nông sản khác. Để đi đến đích của ngày hôm nay, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã trải qua những chặng đường rất cam go.

Đó là thời kỳ khôi phục sản xuất sau chiến tranh, được tính từ năm 1976 đến năm 1985. Đó là thời kỳ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từ năm 1986 đến năm 1995. Đó là thời kỳ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ năm 1996 đến năm 2005. Chưa kể các chương trình trọng điểm: Chương trình sản xuất vùng lúa năng suất cao 55.000 ha của các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành vào khoảng năm 1980; sau này là các chương trình kinh tế lúa gạo, kinh tế vườn, chăn nuôi, thủy sản… Hiện nay, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đang trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chủ trương chung từ Trung ương đến địa phương. Ở giai đoạn nào, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng mang lại những dấu ấn riêng, từ sản xuất, công tác đầu tư thủy lợi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi cho đến ứng dụng công nghệ vào sản xuất… “Kỳ tích” của ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã và đang được ghi nhận trên nhiều phương diện như thế.

Trực thăng phun thuốc diệt sâu rầy làm thí điểm ở xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông năm 1976.           Ảnh: TRẦN BIỂU
Trực thăng phun thuốc diệt sâu rầy làm thí điểm ở xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông năm 1976. Ảnh: Trần Biểu

Chặng đường 45 năm qua của ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Nếu như trên phương diện là người nông dân, ông Võ Văn Chung (Hai Chung, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) được xem là từ “Hai lúa” trở thành “vua” lúa giống của Tiền Giang và nổi tiếng khắp ĐBSCL mấy mươi năm qua. Nếu nhìn nhận từ các công trình, dự án, Dự án Ngọt hóa Gò Công và Dự án Cải tạo, khai thác Đồng Tháp Mười đã góp sức lớn tạo nên “kỳ tích” của ngành Nông nghiệp Tiền Giang.

Từ vùng đất phía Đông của tỉnh hằng năm bị xâm nhập mặn rất nghiêm trọng, chỉ sản xuất được 1 - 2 vụ lúa bấp bênh, đời sống người dân rất khó khăn, qua thực hiện các công trình thủy lợi nằm trong Dự án Ngọt hóa Gò Công, toàn khu vực có trên 54.000 ha đã cơ bản được ngăn mặn, giữ ngọt. Đây được xem là dự án ngọt hóa thành công bậc nhất ở ĐBSCL. Một dự án nữa cũng góp phần làm “kỳ tích” cho ngành Nông nghiệp Tiền Giang. Đó là Dự án Cải tạo, khai thác Đồng Tháp Mười. Từ vùng đất được mệnh danh là “con hổ ngủ”, sau khi khai thông hệ thống thủy lợi tiêu chua, rửa phèn đã đánh thức tiềm năng bao năm của vùng đất này. Có thể nói, việc cải tạo thủy lợi vùng Đồng Tháp Mười là yếu tố quyết định cho việc ra đời huyện Tân Phước ngày nay.

Giám đốc Sở Công thương Đoàn Văn Phương nói với chúng tôi rằng, trái cây Tiền Giang muốn đi vững ra thị trường nước ngoài thì làm sao phải có thương hiệu ngay tại thị trường nội địa. Một khi có sức hấp dẫn tốt ở thị trường nội địa sẽ tạo tiền đề để phát triển ra các thị trường khó tính ở nước ngoài.

Nếu không có bước đi căn cơ này, trái cây Tiền Giang cũng rất khó vươn xa. Đặc biệt, thời điểm có những biến động của thị trường nước ngoài, khi thị trường nội địa có nền tảng vững chắc, trái cây cũng không bị động. Ngành hàng trái cây muốn phát triển phải được đi trên 3 chân, đó là: Thị trường xuất khẩu, thị trường nội địa và công nghiệp chế biến. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Tiền Giang đang cải cách thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư với một số dự án lớn trên lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, chẳng hạn như: Dự án chế biến trái cây của Công ty cổ phần Đồng Giao, với diện tích khoảng 200 ha tại huyện Tân Phước; Dự án chế biến dừa tại huyện Chợ Gạo, với diện tích khoảng 5 ha và 2 dự án đang được trông chờ là mít và sầu riêng sấy tại huyện Cai Lậy đang thực hiện các thủ tục…

Chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, với ngành hàng trái cây là trụ cột, trong thời gian tới việc sản xuất, chế biến gắn với vùng nguyên liệu là hướng đi đúng. Tương lai phát triển ngành hàng trái cây vẫn còn rộng mở ở phía trước, vấn đề là sản xuất phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…

THÀNH QUẢ

Câu chuyện “kỳ tích” của ngành Nông nghiệp Tiền Giang còn được ghi nhận trên nhiều phương diện khác. Dấu son gần đây của ngành Nông nghiệp Tiền Giang được ghi nhận nhiều hơn trên lĩnh vực cây ăn trái. Bởi lẽ, không chỉ do diện tích, năng suất, mà còn do giá trị kinh tế của cây ăn trái mang lại. Nếu như vào giai đoạn những năm 1990, toàn tỉnh chỉ có hơn 20.000 ha cây ăn trái, bao gồm cả diện tích dừa ở các huyện phía Đông, còn lại là cây ăn trái của các huyện phía Tây; đến thời điểm hiện nay, đã có hơn 79.100 ha cây ăn trái. Tiền Giang được xem là vương quốc trái cây, với tổng sản lượng thu hoạch hằng năm hơn 1,4 triệu tấn, nhiều loại trái cây mang lại giá trị kinh tế cao, điển hình như: Sầu riêng, thanh long, xoài…

Chính cây ăn trái đã góp phần đổi đời cho rất nhiều hộ nông dân. Một thống kê gần đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, chính sức hấp hẫn của nguồn thu nhập đã thúc đẩy nông dân tập trung chuyển đổi sang một số loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, đã tạo nên phong trào rầm rộ trong thời gian vừa qua. Đánh giá sơ bộ của Sở NN-PTNT mới thấy rằng, nếu như năm 2013 cây bưởi chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 363 triệu đồng/ha/năm, đến nay đã tăng lên 630 triệu đồng. Còn nếu tính trên cây sầu riêng, năm 2013 chỉ đạt 380 triệu đồng/ha/năm, vươn lên hơn 936 triệu đồng. Hiệu quả mà cây thanh long mang lại cũng khá cao, từ 221 triệu đồng/ha/năm của năm 2013, đến năm 2019 đạt hơn 465 triệu đồng. Tất nhiên, con số này người trồng đã trừ đi các khoản chi phí đầu tư. Điều này góp phần lý giải cho thực tế sản xuất cây ăn trái của Tiền Giang giai đoạn 2013 - 2018 có tốc độ tăng về diện tích là 2,49% và tăng 5,36% về tổng sản lượng…

Dấu ấn của ngành Nông nghiệp Tiền Giang trong chặng đường 45 năm qua không chỉ trên mặt trận sản xuất, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cả xuất khẩu. Cùng với cả nước, từ năm 1990, Tiền Giang đã bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo với số lượng tăng dần qua các năm, gần đây trái cây của Tiền Giang cũng đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính. Theo thông tin của Sở Công thương, trong năm 2019, trái cây xuất khẩu chính ngạch của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn Tiền Giang đạt 43 triệu USD, trong đó có các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Nhiều tỷ phú trên mặt trận nông nghiệp cũng đã xuất hiện ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Bức tranh nông thôn Tiền Giang cũng đã thay đổi đáng kể.

Diện mạo ngành Nông nghiệp trong những năm qua đã được thay đổi trên nhiều phương diện và đang bắt đầu cho cuộc trường chinh mới theo hướng tái cơ cấu ngành, nâng cao chất lượng theo hướng chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng, chặng đường phía trước của ngành Nông nghiệp cũng được dự báo sẽ còn lắm những chông chênh do tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn, diễn biến bất thường của thời tiết… Song, khi soi rọi vào lịch sử cùng với những nỗ lực phi thường của cả ngành Nông nghiệp, chúng ta có thể tự tin rằng nhiều “kỳ tích” mới cũng sẽ xuất hiện…

ANH PHƯƠNG

(Còn tiếp)

.
.
.