Bài 3: Nội lực xuất khẩu
Cải tạo nông nghiệp thành công, làn sóng đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại manh nha xuất hiện, cũng là thời điểm Tiền Giang bắt đầu cho giai đoạn xuất khẩu.
Sau lương thực là các sản phẩm công nghiệp chế biến và nhiều sản phẩm công nghiệp khác cùng tham gia xuất khẩu, giúp giá trị xuất khẩu của Tiền Giang bắt đầu tăng tốc trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Giá trị xuất khẩu tăng, chủ yếu do các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mang lại. Ảnh: MINH THÀNH |
VƯỢT 3 TỶ USD
Sau bao nỗ lực, từ chỗ thiếu ăn, lũ lụt, rầy nâu tàn phá của những ngày đầu sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngành Nông nghiệp Tiền Giang, trọng điểm là lúa gạo, không những đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn bắt đầu tham gia xuất khẩu. Đó là vào đầu những năm 1990, tiếp đó là các sản phẩm công nghiệp chế biến trên nền tảng khai thác vùng nguyên liệu của tỉnh thuần nông nghiệp.
Từ đây, câu chuyện xuất khẩu của Tiền Giang cũng chính thức bắt đầu và không ngừng tăng tốc. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang đã có bước nhảy thần kỳ, dần chiếm tốp đầu của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và lọt vào nhóm 15 tỉnh, thành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất của cả nước từ năm 2013, khi Tiền Giang chính thức vượt ngưỡng 1 tỷ USD xuất khẩu.
Nhìn thẳng vào sự thật của chặng đường đã qua, kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang tăng nhanh được khơi nguồn từ làn sóng phát triển công nghiệp, mở rộng môi trường, thu hút đầu tư và chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp đầu tư mới mang lại. Những doanh nghiệp mới trong các Khu công nghiệp Tân Hương, Long Giang, Mỹ Tho… đã đóng góp tỷ lệ rất lớn trong giá trị xuất khẩu của tỉnh, với các sản phẩm có thể kể đến như: Túi xách (Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang), giày (Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam và Công ty TNHH Freeview Industrial), dầu ăn (Công ty TNHH dầu ăn Honoroad Việt Nam) hay ống đồng (Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng…). Tất nhiên, với những gì đang diễn ra, tỷ trọng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cũng đã tăng rất nhanh, từ chỗ chỉ chiếm khoảng 21% vào năm 2011, lên 34% vào năm 2012 và năm 2019 chiếm hơn 75%... |
Cùng với cả nước, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Tiền Giang gắn chặt với quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước. Nhìn vào chặng đường đã qua mới thấy rằng, giá trị xuất khẩu của Tiền Giang chỉ mới bắt đầu tăng tốc nhanh trong vòng 10 năm trở lại đây. Bởi nhìn vào thực tế, nếu như năm 2009 Tiền Giang chỉ xuất khẩu đạt khoảng 416 triệu USD, sang năm 2010 đạt 495 triệu USD, năm 2011 là 740 triệu USD và chạm mốc 1 tỷ USD vào năm 2013.
Từ đây, giá trị xuất khẩu của Tiền Giang có bước tăng trưởng rất nhanh, đến năm 2017 đã đạt hơn 2,5 tỷ USD, sang năm 2018 chạm mốc 2,86 tỷ USD và kết thúc năm 2019 đạt hơn 3,1 tỷ USD. Điều này đã phần nào thể hiện được năng lực sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh, môi trường kinh tế của Tiền Giang đã được khởi sắc.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều gam màu sáng tối, con số kim ngạch xuất khẩu mà Tiền Giang đạt được trong những năm qua thật sự gây ấn tượng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nếu theo dõi kỹ mới có thể nhận thấy rằng, giá trị xuất khẩu của Tiền Giang dường như đã tăng đều qua các năm và đang tiến dần đến mốc 3,4 tỷ USD vào năm 2020.
Với những gì đang diễn ra và với đà tăng trưởng trong thu hút đầu tư, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và với xu hướng đón làn sóng đầu tư, chắc chắn Tiền Giang sẽ đón thêm các dự án mới. Và dĩ nhiên, trong bức tranh chung này, giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và duy trì vị trí là một trong những tỉnh, thành có giá trị xuất khẩu cao nhất của ĐBSCL…
DỊCH CHUYỂN CƠ CẤU
Xét trên bình diện chung về cơ cấu kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Tiền Giang cho thấy có sự dịch chuyển cơ cấu trong các nhóm ngành hàng xuất khẩu của tỉnh. Nhóm ngành sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Thủy sản chế biến, gạo, rau quả… đang dần mất ưu thế.
Nếu như trước đây, nhóm các sản phẩm chủ lực của tỉnh chiếm xấp xỉ 50% trong tổng cơ cấu xuất khẩu của tỉnh, thì hiện nay nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các sản phẩm: Ống đồng, da giày, may mặc… đã chiếm hơn 75%. Điều này đã phần nào phản ánh kết quả thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh dần phát huy hiệu quả. Nhưng thực tiễn này cũng phản ánh sức ép không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp trong tỉnh, với lợi thế là chế biến sản phẩm nông nghiệp của Tiền Giang trước áp lực của cạnh tranh và hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Được mệnh danh là “vương quốc trái cây” nhưng xuất khẩu mặt hàng rau quả của Tiền Giang dường như vẫn đang còn rất nhiều dư địa, với giá trị xuất khẩu mang về còn thấp. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao điệp khúc “được mùa rớt giá” luôn là bài toán nan giải của ngành Nông nghiệp nói riêng và của tỉnh nói chung. Bởi theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2019, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này chiếm chưa hơn 1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chỉ với 9 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, dù xuất khẩu rau quả là một trong những nhóm ngành được xem là “điểm sáng” về xuất khẩu của tỉnh khi có mức tăng gấp 2 lần so với năm 2018, đạt hơn 40 triệu USD, với sản lượng gần 19 ngàn tấn. Thế nhưng, trong xuất khẩu rau quả, trái cây tươi chiếm khoảng 60%, gồm các loại chủ lực là: Thanh long, sầu riêng, chuối, xoài… và chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, chiếm đến 76%... |
Mặc dù giá trị xuất khẩu của tỉnh tăng rất nhanh trong những năm gần đây, nhưng điều đáng lưu tâm là hầu hết những ngành có lợi thế của Tiền Giang như gạo, thủy sản, nông sản đều giảm rất sâu.
Ở khía cạnh khác cũng đáng chú ý là tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giảm mạnh qua các năm, giảm mạnh nhất là loại hình kinh tế tư nhân.
Nếu như vào năm 2011 nhóm doanh nghiệp này chiếm gần 59% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, thì đến năm 2013 chỉ còn gần 40%; tập trung vào các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản, nhất là thủy sản và gạo. Nếu như năm 2011, trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh, thủy sản chiếm trên 41%, thì đến năm 2013 giảm xuống chỉ còn gần 27%; gạo từ trên 19%, giảm xuống còn xấp xỉ 9% và xu hướng giảm vẫn cứ tiếp tục.
Theo đánh giá của Sở Công thương, kết thúc năm 2019 cũng cho thấy, dưới tác động của việc tăng cường bảo hộ, tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật dẫn đến tình hình xuất khẩu ngày càng khó khăn. Đặc biệt là mặt hàng gạo giảm đến 50% so với năm 2018 do cạnh tranh gay gắt trên thị trường về giá cả và yêu cầu về chất lượng, trong khi các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách tự cung lương thực, đa dạng hóa nguồn cung. Xuất khẩu gạo giảm sâu kéo theo tỷ trọng nhóm hàng nông, thủy sản cũng giảm 3,7% so với năm 2018, chỉ chiếm khoảng 14% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Trái ngược với các doanh nghiệp trong nước là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại có giá trị xuất khẩu tăng vọt trong những năm gần đây. Nếu như năm 2011, nhóm doanh nghiệp này chỉ chiếm trên 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, thì đến năm 2013 đã chiếm trên 47% và năm 2019 chiếm hơn 75%.
Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng là do từ cuối năm 2012 các doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Tân Hương và Long Giang bắt đầu xuất khẩu với sản lượng, kim ngạch lớn và giá cao.
Đây cũng là những mặt hàng mới của tỉnh. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù giá trị xuất khẩu đã tăng rất cao, nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu từ nước ngoài về sản xuất, nên thực chất giá trị mang lại cho địa phương không lớn, chủ yếu là giải quyết lao động.
Cũng như các lĩnh vực khác, giá trị xuất khẩu cũng sẽ tiếp tục tăng tốc khi Tiền Giang không ngừng mở rộng, hợp tác, thu hút đầu tư trong và ngoài nước dựa trên nền tảng đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Thế nhưng, với những gì đã và đang diễn ra, nhất là đối với cơ cấu ngành hàng xuất khẩu, cũng đang trở thành bài toán cần được mổ xẻ, phân tích một cách toàn diện hơn...
ANH PHƯƠNG (Còn tiếp)