Thứ Năm, 18/06/2020, 20:55 (GMT+7)
.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang:

Góp ý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

 (ABO) Chiều 17-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường để đại biểu Quốc hội tập trung đóng góp, cho ý kiến làm rõ thêm một số nội dung, vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo luật và đóng góp thêm một số nội dung, cụ thể như sau:

- Về quỹ hỗ trợ việc làm ở nước ngoài, đại biểu thống nhất với sự cần thiết là tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ở ngoài nước, nhằm hỗ trợ phát triển ổn định và mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nâng cao chất lượng người lao động; hỗ trợ phòng ngừa và giải quyết rủi ro cho người lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, liên quan vấn đề này, đại biểu đề nghị 2 vấn đề như sau:

+ Thứ nhất là, để đảm bảo sự phù hợp duy trì quỹ này vào thời điểm hiện nay, nhất là đối chiếu với Nghị quyết số 19 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét về nội dung này.

+ Thứ hai là, về nhiệm vụ chi của quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Qua nghiên cứu Báo cáo số 66 ngày 29-4-2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về đánh giá tổng kết quỹ hỗ trợ việc làm, nhận thấy quỹ hiện nay gồm có 4 nguồn như sau: Một là số dư Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động chuyển sang; Hai là đóng góp của doanh nghiệp với mức là 1% tiền dịch vụ hằng năm; Ba là, đóng góp của người lao động với mức 100 nghìn đồng/người/hợp đồng; Bốn là, hỗ trợ ngân sách nhà nước trong trường hợp đặc biệt, theo quyết định của Chính phủ.

 Với kết quả thu, tính đến ngày 31-12-2019 có 354.782 triệu đồng, từ 2 nguồn đóng góp chính là doanh nghiệp và người lao động, và đến nay chưa có sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, trong đó doanh nghiệp đóng góp 40,1%, người lao động là 34,9% và quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động năm trước chuyển sang là 25%. Tính đến ngày 31-12-2019, tổng số quỹ sử dụng chi là 110.066 triệu đồng, trong đó chủ yếu 64,11%, là dành chi rủi ro cho người lao động ở thị trường nước ngoài; lao động của nước ngoài và doanh nghiệp chi hỗ trợ mở rộng và phát triển thị trường lao động nước ngoài 33,01%; chi về công tác thông tin truyền thông, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là chiếm 13,94%; chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động là 6,89%; chi hoạt động quỹ là 12,05%.

Với các vấn đề nêu trên, như vậy rõ ràng tồn tại một sự bất hợp lý là việc chi hoạt động quỹ lại nhiều hơn chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đây là vấn đề cốt yếu trong việc xuất khẩu lao động của Việt Nam chúng ta trong thời gian qua. Mặt khác, qua rà soát trong tất cả các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 69 của luật này, nhận thấy không có nhiệm vụ chi cho công tác quản lý quỹ này. Câu hỏi đặt ra là nhiệm vụ chi của công tác quản lý này chúng ta có còn hay không? Hơn nữa tại khoản 2 Điều 68 của dự thảo luật lần này, quỹ hỗ trợ đi làm nước ngoài của đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý bởi Hội đồng quản lý quỹ. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu, làm rõ thêm vấn đề này. Trường hợp nếu nhiệm vụ chi vẫn còn, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào khoản 2 Điều 69 của dự thảo luật để quy định được rõ ràng, chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các nhiệm vụ chi của quỹ được đúng theo quy định.

- Về đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 43), quy định này đã tạo cơ sở pháp lý để hình thành đơn vị phục vụ công giúp chuẩn bị tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài các doanh nghiệp dịch vụ đang thực hiện hoạt động hiện nay. Tuy nhiên nhận thấy một số bất cập sau:

+ Dự thảo luật chỉ quy định về người đứng đầu của đơn vị sự nghiệp, chưa đề cập đến các yếu tố khác của đơn vị như là tổ chức hoạt động hiệu quả hoạt động, yếu tố con người, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động.

+ Về sự cần thiết thành lập đơn vị sự nghiệp này ở tất cả các địa phương tại khoản 1 Điều 43 có quy định, quy định này dẫn đến tình trạng thành lập ồ ạt các đơn vị sự nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi nước ngoài nên chúng ta cần sắp xếp lại tình trạng này. Hơn nữa, vấn đề này chúng ta cũng cần tính đến sự tồn tại song song của các doanh nghiệp mà chúng ta đã thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua.

+ Về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp này sẽ như thế nào, vì nó là đơn vị sự nghiệp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Thiết nghĩ cũng cần có quy định chung về cơ chế tài chính cho các đơn vị này để thực hiện thống nhất trong cả nước, dễ kiểm tra, dễ kiểm soát và dễ truy cứu nếu chúng ta có sai phạm.

MINH NHỰT (tổng hợp)

.
.
.