Thứ Bảy, 25/07/2020, 09:51 (GMT+7)
.

Ký ức một thời hào hùng

Từ ngày thành lập đến nay, ngành Công tác Tư tưởng - Văn hóa có nhiều tên gọi khác nhau, trong đó Tuyên huấn là cái tên được sử dụng lâu dài nhất, được nhiều người quen biết nhất. Trong 90 năm qua, ngành Tuyên huấn tỉnh nhà đã đóng góp xứng đáng vào 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, ngành Tuyên huấn đã chiến đấu, trưởng thành và trải qua những chặng đường lịch sử rất vẻ vang, gắn liền với nhiều chiến công vang dội.

Dàn đồng ca của Đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho. Người chỉ huy: Trần Linh.
Dàn đồng ca của Đoàn Văn công tỉnh Mỹ Tho. Người chỉ huy: Trần Linh.

Nếu tính từ những ngày đầu đến năm 1975 là cả một quá trình hình thành và phát triển của ngành Tuyên huấn với bao gian lao, thử thách. Nhiều đồng chí trong ngành đã hy sinh, tù đày và thương tật…

 TÔI BỊ “LÉ MẮT” TRƯỚC CÁCH LÀM của CÁC ĐỒNG CHÍ TRONG BAN TUYÊN HUẤN TỈNH ỦY MỸ THO 

Đồng chí Võ Văn Long, Trưởng Tiểu ban Thông tấn - Báo chí Khu 8 đã kể lại một kỷ niệm không bao giờ quên về quá trình công tác của mình: “Cuối năm 1970, tôi và anh Trúc Liêm được Tiểu ban Thông tấn cùng anh Lê Hà - Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu 8 đưa xuống chiến trường Mỹ Tho (trọng điểm của Khu Trung Nam bộ) trong bối cảnh Mỹ đang mở rộng chiến tranh trên toàn Đông Dương… Tuyên huấn Mỹ Tho không dừng lại ở vai trò tham mưu, mà họ có đủ chuyên môn như: Tuyên truyền xung phong, thông tấn - báo chí, in ấn, chiếu phim, văn công, giáo dục…

Tôi vẫn còn nhớ rõ: Giữa năm 1962, chiến trường Mỹ Tho bắt đấu ác liệt. Đoàn Văn công sơ tán tại chiến trường Cái Bè (tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang), giáp ranh với tỉnh Kiến Tường (nay là TX. Kiến Tường, tỉnh Long An), xung quanh ngày đêm địch với ta đánh nhau liên tục. Chúng tôi thường phối hợp với địa phương luồn sâu gần đồn bót địch tổ chức biểu diễn, cho chúng cũng nghe được hoạt động của Đoàn Văn công cách mạng, còn bà con thì đêm nào cũng có hàng ngàn người xem. Tôi luôn nhớ sự đùm bọc, thương yêu của các đồng chí Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho, cùng bà con tỉnh Mỹ Tho thời bấy giờ. Thời gian trôi qua nhưng tôi không bao giờ quên được hình ảnh những bà mẹ ở xã Mỹ Hạnh Đông, nhất là Mẹ Mười. Tất cả chúng tôi trong Đoàn Văn công Mỹ Tho đều được mẹ thương yêu, chăm sóc từng bữa cơm, từng cúc áo và lo đau đáu mỗi lần đoàn đi công tác. Tấm lòng của người dân vùng kinh Nguyễn Văn Tiếp thật bao la, nồng hậu…

(Lê Minh - tức Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Khắc, Trưởng Đoàn Văn công tỉnh, giai đoạn 1961 - 1962).

Sau nghị quyết của Tỉnh ủy, các bộ phận là những đơn vị “trực chiến” có kế hoạch hoạt động rất linh hoạt. Chuyện về Đoàn Văn công của anh Ba Quang luôn hoạt động giữa vòng đồn bót địch phục vụ nhân dân vùng ven lộ 4… Đêm ấy là một đêm tối trời, không biết Ban Tuyên huấn Cai Lậy Bắc và Đoàn Văn công khéo tổ chức và ngụy trang như thế nào mà quanh mỗi đồn tua địch có từ 2 - 3 máy kôle 4, máy kôle 7, mở đèn măng xông cho máy bơm nước tưới ruộng với tiếng nổ rền vang cả vùng. Tôi “lé mắt” thán phục cách “che mắt, bịt tai” giặc của các đồng chí trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Mỹ Tho, để cho hàng trăm bà con quanh vùng ung dung thưởng thức văn nghệ giữa lòng đồn bót địch.

Hoạt động đó càng sôi động trong những ngày có Hiệp định Paris. Cũng Đoàn Văn công ấy, những tổ văn nghệ xung kích của các huyện bám sát ven lộ 4, vành đai căn cứ của Mỹ ở Đồng Tâm, sân bay Thân Cửu Nghĩa biểu diễn phục vụ bà con vùng tạm chiếm về quê mừng hòa bình, mừng Xuân Quý Sửu; cùng các đoàn cán bộ tổ chức đón và biểu diễn chiêu đãi phóng viên báo chí Sài Gòn, Báo Paris Match của Pháp, Báo Guardian của Anh, Truyền hình NBC của Mỹ… ra thăm vùng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam làm chủ...”.

90 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, công tác tuyên giáo đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và nhất là thế hệ những cán bộ đã và đang công tác trong ngành Tuyên giáo. Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng là dịp để chúng ta cùng ôn lại và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo; bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngành Tuyên giáo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng...

Đồng chí Lê Thanh Châu, công tác tại Tuyên huấn Khu 8, đã ghi lại những cảm nhận khó quên khi đặt chân công tác tại chiến trường Mỹ Tho: “Đã biết trong chuyến đi này có thể có đồng chí hy sinh, nhưng ai nấy đều cảm thấy vinh dự, đều hăm hở… Khi chân ướt chân ráo vừa đến bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp thì hai hôm sau pháo ở Cổ Chi “chào” đoàn chúng tôi hai tiếng đồng hồ để “nắn gân” đoàn chiến sĩ mặt trận văn hóa này. Ngày hôm sau hành quân về Mỹ Hạnh Đông thì gặp địch đang mở trận càn lớn lấn chiếm vùng kinh Tư Chột để xây dựng hệ thống đồn bót chia cắt vùng lõm căn cứ của ta. Ban ngày, đoàn bám công sự trong địa hình để tránh địch càn, ban đêm ra đồng nơi dân ở biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân, có đêm đoàn còn biễu diễn dưới pháo sáng của địch. Tôi đã chứng kiến một quang cảnh lạ lùng, trong bom đạn, trong lúc địch vừa càn quét như vậy mà đồng bào vẫn đến dự đông đảo và thích thú xem văn nghệ như không có chuyện gì xảy ra…”.

SỰ MAY MẮN HIẾM CÓ

Đồng chí Trần Văn Mai, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kể về những tháng ngày làm việc khó khăn, vất vả, ngay cả cận kề cái chết trong thời gian hoạt động cách mạng của mình: “Ngày 2-9-1962, như thường lệ, sáng nào chúng tôi cũng phải dậy thật sớm chuẩn bị nấu cơm để “phòng động” (tránh địch càn quét).

Ở xã Hưng Thạnh, nơi Văn phòng Ban Tuyên huấn đóng quân, khi mặt trời vừa ló dạng, nghe tiếng súng ù ù ù từ xa, tôi đặt vội chén cơm đang ăn chạy ra sân, nhìn hướng về xã Thân Cửu Nghĩa thấy đoàn trực thăng “Khánh Ngọc” - tên bọn ngụy gọi sau này trong trận Ấp Bắc, với hơn chục chiếc lù lù bay tới, đổ quân phía sau cánh đồng, phía Bắc kinh Nguyễn Văn Tiếp. Chúng chia nhiều cánh lần dò tiến về phía bờ kinh, nguy hiểm quá.

Anh em ở tại chỗ thì có nơi lẩn tránh từ trước. Còn tôi, tuy là ở cơ quan nhưng là một bộ phận khác - nhà in, ở tận sâu trong rừng tràm Tân Hòa Đông ra Hưng Thạnh phát hành báo, tạm nghỉ đêm chờ sáng, mua ít lương thực, thực phẩm về rừng tràm để sống, chẳng may gặp trận càn này. Vì “lạ nước, lạ cái” tôi vô cùng bối rối trong việc tìm chỗ “chém vè”. Tôi và đồng chí Út Ngạn ra rừng tràm tìm chỗ khuất ẩn mình. Lúc này, gặp ngay nước ngập lên khỏi chân tràm vài tấc, hai chúng tôi chui vào bụi cóc kèn ngồi “chờ thần chết rước đi”.

Chúng tôi ngồi im phăng phắc, nghe rất rõ tiếng la hét cùng tiếng lội bì bõm của bọn ngụy. Tôi nghĩ thầm trong bụng: Thế nào chúng cũng đến đây, một là bị bắn chết, hai là cho lên trực thăng về “khám đường dưỡng sức”. Một phút trôi qua, rồi nhiều phút trôi qua, tiếng la hét và bì bõm cứ nhỏ dần, nhỏ dần và còn lại sự im lặng thật đáng sợ. Cuối cùng, sự chờ đợi của chúng tôi không xảy ra, địch càn hướng khác và hợp điểm tại đầu kinh Sáu Ầu, còn chúng tôi “ở ngoài vùng phủ sóng” và trở về an toàn”...

LINH THỦY(tổng hợp)

.
.
.