Thứ Tư, 16/09/2020, 13:56 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG BIÊN GIỚI THU ĐÔNG (16-9-1950 - 16-9-2020)

Bước ngoặt quan trọng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Cách đây tròn 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta trên mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn cùng với cả nước đã khắc phục muôn vàn khó khăn, thử thách, dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo mở Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược. Đây là một trong những sự kiện quan trọng của lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói chung.

Bước vào năm 1950, tình hình có những chuyển biến quan trọng, cuộc kháng chiến của nhân dân ta trên đà phát triển mạnh mẽ. Để tạo chuyển biến quan trọng cho cuộc kháng chiến, Đảng và Chính phủ ta quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới, mở mối quan hệ rộng rãi với các nước, đặc biệt với Trung Quốc, Liên Xô và các nước Dân chủ Nhân dân anh em.

Hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc không ngại khó khăn, nguy hiểm ra mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ đạo cuộc chiến đấu là nguồn động viên to lớn, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ, dân công ra sức thi đua “giết giặc lập công”, đưa chiến dịch đến toàn thắng.

MỞ MÀN CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI

Vùng biên giới Việt - Trung có tầm chiến lược quan trọng, có đường huyết mạch số 4 trải dài trên 300 km, chạy qua 3 tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, qua căn cứ địa Việt Bắc. Từ sau Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947, thực dân Pháp tập trung xây dựng hệ thống đồn binh trên đường số 4, với mưu đồ “cắm mũi dao sâu” vào giữa căn cứ địa Việt Bắc, đánh phá hậu phương kháng chiến, khóa chặt biên giới, cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân ta đối với quốc tế, ngăn cản sự liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu III và Liên khu IV.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới.

Vào thời điểm mở chiến dịch, lực lượng địch trên biên giới có 11 tiểu đoàn, 9 đại đội, đại bộ phận là lính Âu-Phi tinh nhuệ, 27 khẩu pháo, 8 máy bay, 4 đại đội bộ binh cơ giới. Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy kiêm Chính ủy đã quyết định tập trung một lực lượng mạnh để tấn công giải phóng từ Cao Bằng đến Thất Khê.

Ngày 16-9-1950, ta mở đầu chiến dịch bằng trận đánh cứ điểm Đông Khê. Chỉ sau 54 giờ chiến đấu, ta giành thắng lợi, tạo điều kiện phát triển chiến dịch. Ngày 30-9-1950, địch cho binh đoàn của Lơ Pagio tiến lên nhằm chiếm lại Đông Khê và để đón binh đoàn của Sáctông từ Cao Bằng rút về. Nắm vững thời cơ, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã tập trung lực lượng tiêu diệt từng cánh quân địch. Qua 8 ngày chiến đấu ở phía Tây Đông Khê, quân ta đã diệt gọn toàn bộ quân địch, bắt sống Lơ Pa Giơ và Sáctông. Hoảng sợ, quân địch rút khỏi phòng tuyến đường số 4.

Sau 29 ngày đêm chiến đấu, Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi. Quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 8.000 tên địch, diệt gọn 8 tiểu đoàn, giải phóng 5 thị xã và 13 thị trấn, khai thông một vùng biên giới dài 750 km, gồm 35 vạn dân. Căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng, nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới là bước chuyển biến cơ bản đưa cuộc kháng chiến vào giai đoạn mới - giai đoạn quân ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính, chủ động tiến công và phản công ngày càng lớn.

Có thể nói, đây là chiến dịch đầu tiên mà bộ đội Việt Minh chủ động tấn công, làm thay đổi cục diện chiến trường: Bắt đầu giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính Bắc bộ. Quân Pháp thất bại lớn cả về quân sự và chính trị, bị đẩy lùi vào thế phòng ngự bị động. Chiến dịch này có ý nghĩa bản lề quan trọng, là bước ngoặt của cuộc chiến tranh.

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA MẶT TRẬN

Từ cuối tháng 8-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Người kiểm tra kế hoạch tác chiến, xem xét công tác chuẩn bị hậu phương, theo dõi kịp thời diễn biến của chiến dịch, góp những ý kiến chỉ đạo và động viên cán bộ, bộ đội, dân công. Việc Người ra mặt trận làm cho mọi người càng thấm sâu ý nghĩa quan trọng của chiến dịch sắp mở, động viên mạnh mẽ nhất, xúc động nhất, lan truyền trong sâu thẳm toàn thể đội ngũ dân công, bộ đội tham gia chiến dịch.
Ngày 2-9-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi về Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng: “Chiến dịch Cao -
Bắc - Lạng rất quan trọng.

Chúng ta quyết đánh thắng trận này”. Ngày 9-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng hãy tiếp tục giúp đỡ bộ đội để chiến dịch được thắng lợi. Trung tuần tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận. Người nghe báo cáo, kiểm tra công tác chuẩn bị, thị sát trận địa, động viên cán bộ, bộ đội, nhân dân, cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo trận đánh giành thắng lợi. Lời kêu gọi của Người càng làm nức lòng đồng bào các dân tộc Cao Bằng rời nhà lên đường đi chiến dịch. Đồng bào vùng cao của Cao Bằng chưa từng xa nhà cũng tình nguyện đi bạt núi mở đường, bắc cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược bằng đôi vai, bằng ngựa thồ. Hàng vạn dân công hỏa tuyến bám sát trận địa phục vụ bộ đội ăn no để đánh thắng giặc.

Khi đến Cao Bằng, sau khi làm việc với Tỉnh ủy Cao Bằng ở Lam Sơn (huyện Hòa An), Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Quảng Uyên làm việc với Bộ Chỉ huy chiến dịch. Ngày 10-9, tại Sở Chỉ huy chiến dịch Tả Phầy Nưa, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên, Người đã trực tiếp phê chuẩn quyết tâm tác chiến của Bộ Chỉ huy chiến dịch, phân tích chủ trương đánh Đông Khê (huyện Thạch An).

Chiều ngày 11-9-1950, cũng tại Sở Chỉ huy chiến dịch, Người chủ trì Hội nghị phổ biến kế hoạch chiến dịch cho cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn và chỉ thị: “Chưa đánh thắng thì chưa được coi là chuẩn bị xong. Quân sự thì phải chuẩn bị mãi. Thắng xong trận này cũng mới chỉ là chuẩn bị xong một đợt. Khi nào toàn thắng mới là chuẩn bị xong”. Đồng thời, Người mong và yêu cầu cán bộ các cấp tuyệt đối không được chủ quan, khinh địch, mà phải quán triệt và làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, nhất là liên tục củng cố quyết tâm chiến đấu cho bộ đội trong suốt quá trình chiến dịch.

Với tác phong theo sát bước chân chiến sĩ, ngày 13-9, Người rời Sở Chỉ huy chiến dịch đến Sở Chỉ huy tiền phương ở Nà Lạn, xã Đức Long (huyện Thạch An). Sáng sớm 16-9-1950, từ vị trí quan sát đặt trên núi Báo Đông (cách Đông Khê 11 km đường chim bay), Người chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Cũng tại nơi đây, Người cảm hứng và để lại cho đời bài thơ “Lên núi” bất hủ:

“Chống gậy lên non xem trận địa,
Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây.
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu,
Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.