Thứ Sáu, 01/01/2021, 12:37 (GMT+7)
.

Tiền Giang tự tin tiến lên phía trước

Năm 2020 đã chính thức khép lại với bộn bề những khó khăn, nhưng điểm lại Tiền Giang cũng đạt được nhiều dấu son quan trọng. Đó chính là tiền đề cơ bản để Tiền Giang tự tin bước tiếp vào chặng đường mới, đặc biệt là nỗ lực vươn lên trong năm 2021.

VƯỢT QUA “CHẤM ĐEN”

Năm 2020 khép lại với nhiều cung bậc khác nhau. Đi cùng với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh là những “chấm đen” tạo ra rất nhiều lo âu cho đời sống xã hội. Và có lẽ, năm 2020 là một trong những năm để lại dấu ấn rõ nét nhất, cả niềm vui lẫn nỗi lo.

Trong đó “điểm nhấn” mang tính bất lợi của năm 2020 không thể không nhắc đến dịch bệnh Covid-19 tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là về thương mại, đầu tư, du lịch, giao thông…

Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những thị trường.

Đây lại là những nhóm sản phẩm mang tính chủ lực của Tiền Giang. Chỉ riêng dịch Covid-19 cũng đủ làm “lay động” các chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2020 của nhiều ngành, lĩnh vực.

Tiền Giang tự tin  bước vào chặng đường mới.
Tiền Giang tự tin bước vào chặng đường mới.

Nhưng năm 2020 đâu chỉ có dịch Covid-19, mà còn có nhiếu yếu tố bất lợi khác, mà điển hình là cơn hạn, mặn mang tính lịch sử diễn ra vào những tháng đầu năm 2020.

Dư chấn của cơn hạn, mặn lịch sử diễn ra đầu năm đến cuối năm 2020 vẫn chưa chấm dứt. Người dân vẫn đang loay hoay cho công cuộc chuyển đổi cây trồng, thích ứng biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế.

Chưa kể, bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn còn xảy ra, tác động tâm lý trong dân, ảnh hưởng hoạt động tái đàn heo của tỉnh.

Chỉ cần những yếu tố tác động này cũng đủ để ngành Nông nghiệp nói riêng, kinh tế Tiền Giang nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Bởi kinh tế Tiền Giang phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế nông nghiệp mang lại.

Từ những yếu tố bất lợi chung của cả nước và từng địa phương, câu chuyện bật chiếc “lò xo” kinh tế được đặt ra gần đây nhằm mục tiêu kép là vừa vượt qua khó khăn của dịch bệnh, hạn, mặn và vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Thật ra, không đơn giản.

Nói chính xác hơn, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, không chỉ riêng đối với Tiền Giang, mà còn đối với tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Để vượt qua mục tiêu này, mỗi tỉnh, thành đều lựa chọn hướng đi, giải pháp riêng. Tiền Giang cũng không ngoại lệ.

Và tất nhiên, bài toán kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong năm 2020 đã được cân nhắc, tính toán lại không chỉ đáp ứng cho hiện tại, mà còn cho cả chặng đường tiếp theo.

Trụ sở làm việc mới của các sở, ngành tỉnh Tiền Giang.   Ảnh:  DUY NHỰT
Trụ sở làm việc mới của các sở, ngành tỉnh Tiền Giang. Ảnh: DUY NHỰT

Trong bộn bề khó khăn, thách thức nhưng khi khép lại chặng đường của năm 2020, Tiền Giang tiếp tục chạm đến những dấu mốc mới.

Điều này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương và sự đồng thuận của nhân dân.

Điểm qua một số chỉ tiêu, con số mới thấy rằng, Tiền Giang đã lựa chọn hướng đi và giải pháp hợp lý. Tuy tổng sản phẩm trên địa bàn Tiền Giang (GRDP) năm 2020 ước chỉ tăng 1,5%, không đạt kế hoạch đề ra, nhưng bù lại nhiều yếu tố Tiền Giang đạt rất tốt như GRDP bình quân đầu người đạt 57,4 triệu đồng (kế hoạch 55,3 triệu đồng), tăng 2,1 triệu đồng so năm 2019; với khoảng 750 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12% so với thực hiện năm 2019; thu hút được 37 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 17.779 tỷ đồng, tăng hơn 33%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,5%...

ĐI TIẾP CHẶNG ĐƯỜNG MỚI

Trong chặng đường vừa qua, dù chịu tác động của rất nhiều yếu tố bất lợi, nhưng Tiền Giang vẫn cho thấy một tiềm lực ổn định, bền vững. Đó chính là nền tảng vững chắc để Tiền Giang bước tiếp cho chặng đường mới. Nhìn về tương lai, 2021 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Nằm trong bức tranh chung của cả nước và thế giới, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Tiền Giang được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại; cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19...

Xét ở bình diện trong nước, theo nhận định chung, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên, nhưng nền kinh tế sẽ phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại chậm được khắc phục cũng như các vấn đề xã hội - môi trường gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Câu chuyện phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong chặng đường mới, gần nhất là trong năm 2021, được xem xét trong bối cảnh tình hình trong và ngoài tỉnh cũng có nhiều thuận lợi khi những kết quả của các năm trước về phát triển các ngành kinh tế chủ lực, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… và nhất là việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ là yếu tố thuận lợi giúp thúc đẩy sản xuất cũng như xuất khẩu, đặc biệt sẽ là đòn bẩy quan trọng để thu hút đơn hàng xuất khẩu cho ngành dệt may, da giày, trái cây, gạo...

Tất nhiên, Tiền Giang cũng chịu chung những áp lực, thách thức của cả nước và tác động từ bức tranh chung của thế giới. Dựa trên bức tranh thuận lợi và thách thức, Tiền Giang chắc chắn sẽ lựa chọn hướng đi thích hợp, hiệu quả nhất.

Ngay từ đầu năm 2021, chúng ta cũng rất khó đoán định hết những giải pháp mà Tiền Giang đề ra, bởi nó còn tùy thuộc nhiều vào các yếu tố tác động ở từng thời điểm khác nhau, nhất là đối với dịch bệnh.

Tuy nhiên, trong nhóm giải pháp cũng sẽ có điểm chung là trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19, tỉnh đã và đang xác định nông nghiệp là một trụ đỡ rất quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh.

Bởi Tiền Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng trái cây, cùng mạng lưới thu mua rộng khắp các vùng chuyên canh.

Một khía cạnh khác Tiền Giang tập trung thực hiện, bên cạnh thu hút đầu tư, cải cách hành chính, phát triển doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng giao thông, là đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh, kết hợp với công tác chỉnh trang đô thị, gắn kết công tác này với xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sức lan tỏa, từng bước nâng vị thế của khu vực nông thôn…

Tất cả những giải pháp chủ yếu của Tiền Giang nhằm hướng đến mục tiêu năm 2021 là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng từ 6% - 7%, GRDP bình quân đầu người đạt 61,8 triệu đồng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 10.612 tỷ đồng…

Và tất nhiên, chúng ta cũng đang rất kỳ vọng Tiền Giang sẽ tự tin vươn lên, hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng của năm 2021 và những năm tiếp theo.

T.T

.
.
.