Thứ Năm, 18/03/2021, 21:04 (GMT+7)
.

Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính

(ABO) Chiều 18-3, Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì tại điềm cầu Tiền Giang.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết: Trong 10 năm qua, CCHC đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Quang cảnh tại điểm cầu Tiền Giang.
Từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ trung bình công chức được cấp tài khoản hộp thư điện tử công vụ tại các bộ, ngành là 99%, trong khi đó, tại các tỉnh, tỷ lệ này là khoảng 79,69%. Từ năm 2011 đến tháng 3-2020, trung bình tỷ lệ văn bản hành chính được trao đổi dưới dạng điện tử tại các tỉnh, thành phố là 86,1%. Trong các năm 2018 và năm 2019 tỷ lệ này đạt 100%.
 
Từ khi khai trương, có hơn 3,8 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong năm 2020 tăng 2,5 lần so với năm 2019. Việc gửi nhận văn bản điện tử giúp tiết kiệm chi phí xã hội trên 1.200 tỷ đồng/năm. Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp gần 2.700 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số gần 6.800 TTHC tại 4 cấp chính quyền; gần 89 triệu lượt truy cập, trên 382 nghìn tài khoản đăng ký, hơn 24 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; gần 580 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng; tiếp nhận, hỗ trợ trên 38 nghìn cuộc gọi, xử lý khoảng 9.194 phản ánh, kiến nghị; chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 8.000 tỷ đồng/năm.
 
Tính đến tháng 11-2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền.
Thủ Tướng trao Huân Chương Lao động hạng Ba cho 2 tập thể.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho 2 tập thể.
Mục tiêu, định hướng công tác CCHC giai đoạn 2021 - 2030: Tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống cơ quan hành chính nhà nước các cấp tinh gọn, thông suốt và hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng CCHC đã góp phần phát triển ở tất cả các lĩnh vực của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Thủ tướng biểu dương Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ; các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện tốt công tác CCHC trong thời gian qua. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị (chụp tại điểm cầu Tiền Giang)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị (ảnh chụp tại điểm cầu Tiền Giang).
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã nêu một số hạn chế trong công tác CCHC cần tiếp tục khắc phục như đơn giản hóa TTHC. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng cho công tác CCHC giai đoạn tiếp theo: Tăng cường tính công khai minh bạch, xử lý nghiêm có trường hợp vi phạm, làm sao tiếng kêu của người dân, doanh nghiệp ít đi; các cấp tập trung tuyên truyền Nghị quyết XIII của Đảng; tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh CCHC, xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình, từng bước hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước….
P. MAI
 
 
.
.
.