Chủ Nhật, 20/06/2021, 09:07 (GMT+7)
.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà báo vĩ đại, người sáng lập và phát triển báo chí cách mạng Việt Nam

(ABO) Đối với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ lỗi lạc, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, mà còn là nhà báo vĩ đại, ngọn bút sắc sảo, giàu tính chiến đấu, phong cách mẫu mực, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống, có tính giáo dục cao. Phong cách làm báo của Người đã ghi đậm dấu ấn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà báo Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần chiến đấu, tính trung thực, cách thể hiện ngắn gọn, súc tích và mang đầy tính nhân văn cao cả. Đó là nét rất riêng, độc đáo, sáng tạo trong phong cách làm báo của Người, mãi mãi là tấm gương sáng để những người làm báo học tập và noi theo.

Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân ở chiến khu Việt Bắc năm 1951.
Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân ở chiến khu Việt Bắc năm 1951.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, trong hành trình bôn ba ở nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống, Người đã quan tâm đến báo chí và hoạt động báo chí. Cuối năm 1917, khi đặt chân lên nước Pháp, Người bắt đầu chú ý nhiều hơn đến việc học viết báo và làm báo. Tại đây, được sự hướng dẫn của Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, làm việc ở báo Sinh hoạt công nhân tận tình chỉ dẫn, Người đã cố gắng học viết báo từ những bài đơn giản nhất cho tới những bài dài hơn, chuẩn mực hơn. Ban ngày, Người vẫn phải làm việc để kiếm sống, chỉ khi đêm về Người mới cặm cụi học viết báo.

Ngày 21-6-1925, Bác đã sáng lập và cho xuất bản số đầu tiên tờ Thanh niên, mở đầu cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Bác đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận cho tờ báo này. Trước đó, từ khi còn đang hoạt động cách mạng ở Pháp - năm 1922, Người đã sáng lập tờ báo Người cùng khổ (Le Paria).

Báo Thanh Niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925.
Báo Thanh Niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925.

Tiếp đến, tháng 12-1926, Bác lập ra Báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân Việt Nam. Tháng 2-1927, Báo Lính Kách Mệnh (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cũng được Bác sáng lập.

Trong thời gian này, những tờ báo xuất bản dù công khai hay bí mật đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho thành lập một đảng cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị lãnh đạo nhân dân nổi dậy phá tan ách nô lệ của thực dân Pháp, giành quyền độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đưa nước Việt Nam tiến theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Năm 1930, Bác sáng lập tạp chí Đỏ, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác mật thiết của các tờ báo Đảng như: Búa Liềm, Tranh Đấu, Tiếng Nói Của Chúng Ta...

Năm 1941, Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập và năm 1942 là Báo Cứu Quốc nhằm tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn vào các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh.

Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập và năm 1942.
Bác sáng lập tờ Việt Nam Độc Lập vào năm 1942.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân dân. Kể từ ngày Báo Nhân dân ra số đầu tiên (11-3-1951), Bác đã có 28 năm gắn bó với tờ báo này.

Người đã viết hàng trăm bài báo cho Báo Nhân dân dưới các bút danh C.B, K.C, C.N, T.L… để chỉ đạo phương hướng, tuyên truyền đường lối cách mạng.

Báo Nhân Dân trên các ngả đường trong kháng chiến.
Báo Nhân Dân trên các ngả đường trong kháng chiến.

Không chỉ là người đặt nền móng và sáng lập ra tờ báo cách mạng đầu tiên, mà Bác còn đào tạo thế hệ làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Bác, báo chí cách mạng Việt Nam đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén để lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc; truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin; cổ vũ, động viên toàn dân tham gia sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lập nên những kỳ tích, mang lại độc lập tự do cho dân tộc.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam và việc đào tạo đội ngũ người làm báo. Bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình, Bác tận tâm chỉ dẫn nghiệp vụ cho các nhà báo.

Bác Hồ thăm và làm việc với Báo Nhân Dân mùa xuân năm 1957.
Bác Hồ thăm và làm việc với Báo Nhân Dân mùa xuân năm 1957.

Ngày 17-8-1952, trong buổi nói chuyện tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương ở rừng Việt Bắc, Bác nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó. Bác căn dặn: “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng’”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?”.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng với các nhà báo trong nước và nước ngoài đưa tin, chụp ảnh về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 vào tháng 9-1960.
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng với các nhà báo trong nước và nước ngoài đưa tin, chụp ảnh về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III vào tháng 9-1960.

Nói về vai trò quan trọng của báo chí cách mạng, Bác khẳng định: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo...”, “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời...”. Bác căn dặn: “Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hằng ngày, nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu ai cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc. Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể Đảng viên và cốt cán cần phải xem báo Đảng”.

“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng với các đại biểu tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962.
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng với các đại biểu tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962.

Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ chí Minh luôn coi báo chí và những người làm báo là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác nói: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Cho nên điều đầu tiên mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? Như Bác từng nói: “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”. Nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng.

Không chỉ là người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn là một nhà báo tài năng, tâm huyết. Bài báo đầu tiên trong đời làm báo của Hồ Chí Minh là bài viết Vấn đề người bản xứ đăng trên Báo L'Humanité (Báo Nhân Đạo của Pháp ngày 2-8-1919. Bài báo cuối cùng mà Người viết là bài Thư trả lời Tổng thống Mỹ, đăng Báo Nhân Dân ngày 7-11-1969 (bài báo này Hồ Chí Minh viết ngày 25-8-1969, tức là trước một tuần ngày Người qua đời). Tuy nhiên, bài báo cuối cùng đăng khi Người còn sống là bài Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, ký tên TL, đăng Báo Nhân Dân ngày 1-6-1969).

Bác Hồ tặng hoa cho phóng viên Truyền hình Việt Nam Phan Thế Hùng.
Bác Hồ tặng hoa cho phóng viên Truyền hình Việt Nam Phan Thế Hùng.

Trong cuộc đời làm báo của mình, Hồ Chí Minh đã viết trên 2.000 bài viết với nhiều chủ đề khác nhau. Nhà báo Hồ Chí Minh không những chỉ viết báo bằng tiếng Việt mà còn viết bằng nhiều ngôn ngữ khác. Người là cộng tác viên và đã viết hàng loạt bài cho các báo như: L' Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp, La Vie d'Ouvriers (Đời sống thợ thuyền) của Liên đoàn Lao động Pháp, Điện tín Quốc tế của Quốc tế Cộng sản III, Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô...

Chỉ riêng Báo Nhân dân, nếu tính từ số 1 ngày 11-3-1951 đến số 5526 ngày 1-6-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng 1.206 bài viết với 23 bút danh khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được xem là nhà báo có nhiều bút danh nhất thế giới với gần 200 bút danh khác nhau.

HÀ ANH (tổng hợp)

.
.
.