Thứ Năm, 19/05/2022, 10:12 (GMT+7)
.

Người hai lần được gặp Bác Hồ

Ông cẩn thận sửa lại bình hoa vạn thọ, rồi nhẹ nhàng đặt lên bàn thờ Bác Hồ trên chiếc tủ cao trong nhà. Thật tình cờ tôi bắt gặp hình ảnh ấy nhân ghé thăm ông dịp Tết Nguyên đán năm 2013. Ông là Nguyễn Ngọc Châu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nguyên Giám đốc Trường Đảng tỉnh Tiền Giang.

KÝ ỨC 2 LẦN ĐƯỢC GẶP BÁC

Tiếp chuyện tôi bên ly trà nóng trước thềm nhà, ông bình dị như một lão nông, với mái tóc bạc trắng, đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện, cởi mở. Ông kể, khi đang còn phụ gia đình làm ruộng ở tỉnh Bến Tre ở tuổi 15 (năm 1950), ông đã làm giao liên cho bộ đội miền Tây Nam bộ. Lúc đó, cha ông là Nguyễn Văn Thanh, bộ đội Tiểu đoàn 307, đóng quân tại tỉnh Bạc Liêu.

Mỹ thay chân Pháp xâm lược Việt Nam, ông trong đoàn con em miền Nam tập kết ra Bắc, được đi học phổ thông, sau đó thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính. Ước mơ được gặp Bác Hồ khi ở miền Nam vẫn đau đáu trong ông. Và thật bất ngờ, đã trở thành hiện thực.

Ông nhớ lại: “Khoảng đầu năm 1962, được tin Bác Hồ đến thăm Trường Đại học Kinh tế - Tài chính, ai cũng háo hức lắm. Khi Bác đến, một cảm xúc chợt dâng trào không diễn tả được. Vẫn giản dị với bộ kaki và đôi dép râu quen thuộc, Bác đi đến xem nơi ăn, chốn ở của sinh viên. Sau đó, Bác đến hội trường, lên bục nói chuyện với cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường. Thời gian nói chuyện tuy ngắn, nhưng thu hút mọi người, với nhiều nội dung đầy ý nghĩa, thiết thực…” - ông kể lại một cách hào hứng, có vẻ như câu chuyện vừa xảy ra.

Tốt nghiệp ngành Ngoại giao của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính, nhưng ông lại được phân công về Thông tấn xã Việt Nam, có điều kiện đi viết bài, chụp ảnh. Ông còn nhớ như in một kỷ niệm đẹp về Bác trong buổi Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1964) tại Hà Nội: “Khi Bác vừa đến, một em thiếu nhi tiến tới trao Bác một bó hoa. Tôi liền đưa máy ảnh chụp. Bác thấy thế, vội khoát tay: “Khoan đã!”. Rồi Bác đến chỉnh lại tay cầm máy ảnh của tôi, nhắc tôi chụp lúc Bác vừa nhận bó hoa, chỉnh máy cho sắc nét… Sau đó Bác bước đến nhận lại bó hoa từ tay em thiếu nhi để tôi chụp ảnh.

Việc tuy nhỏ nhưng đó là bài học lớn đối với tôi trong suốt thời gian công tác ở Thông tấn xã Việt Nam.
Khuôn mặt ông hiện rõ niềm vui sướng, vinh dự và tự hào khi nói về 2 lần được gặp Bác.

BÌNH DỊ GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Những ai công tác chung với ông vào những năm 1982 - 1985 ở Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang đã nhắc chuyện ông Giám đốc cứ nằng nặc đòi làm việc ở cái nhà lá gần trại heo của trường. Nguyên do là, năm 1982, ông được điều về phụ trách Trường Chính trị tỉnh.

Giữa năm 2016, tôi có dịp đi công tác ở xã Thanh Hòa, bàng hoàng khi hay tin ông đã đột ngột ra đi hơn một tuần trước. Thắp nén nhang trước di ảnh ông, tôi thầm nghĩ: Với ông, tài sản vô giá của cuộc đời sau bao năm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước chính là những kỷ niệm được gặp và được học tập những đức tính cao đẹp của Bác Hồ; sau đó mới là những tấm Huân chương, Huy chương, Huy hiệu, Bằng khen, Giấy khen mà ông luôn trân trọng, nâng niu…

Lúc đó nền kinh tế nước ta vẫn còn bao cấp, đời sống cán bộ, công nhân viên nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Trường có lập một trại chăn nuôi heo để cải thiện đời sống anh em cơ quan, bên cạnh là căn nhà lá nhỏ.

Ông chọn cái nhà nhỏ đó để ngồi làm việc, bởi theo ông, ở đó yên tĩnh lại mát mẻ, giống hồi ở quê. “Còn cái phòng làm việc, tôi giao cho chú lái xe, nếu mệt cứ vào nghỉ” - ông nói với giọng dí dỏm.

Khi làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, anh em trong cơ quan nhiều lần đề nghị dùng xe con đưa ông về quê, nhưng bị ông từ chối: “Tôi còn đi được, chứ có què quặt đâu mà phải điều xe đưa rước. Ra đón xe đò đi vừa đỡ tốn kém lại tự do, không ai dị nghị…”. Ai cũng đuối lý, không dám cãi lại.

Ngay cả giờ giấc làm việc, lúc nào ông cũng tuân thủ đều đặn: 7 giờ đến văn phòng đọc tài liệu, chỉ đạo anh em triển khai công việc, kiểm tra lịch làm việc…, riết thành thói quen. Anh em trong cơ quan mắc khuyết điểm gì, ông nhẹ nhàng nhắc nhở, ai cũng “tâm phục, khẩu phục”, vừa nể lại vừa mến.

Ngày tiễn ông về hưu, có không ít người rưng rưng nước mắt vì cảm phục tài lãnh đạo và quý mến ông sống giản dị, hiền lành, gần gũi, quan tâm đời sống anh em cơ quan. “Về hưu chứ đâu bỏ anh em. Nếu rảnh, tôi sắp xếp xuống thăm anh em, chứ có gì đâu mà bịn rịn. Anh em đi công tác, nếu tiện đường ghé nhà tôi chơi!...” - ông nói tỉnh bơ. Rồi ông ra xe về thẳng nhà… bên vợ ở xã Thanh Hòa (huyện Cai Lậy), cho đến giữa những năm 1990 mới có nhà riêng.

Với 2 công đất trồng nhãn, ông chịu khó tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc và “dầm sương, dãi nắng” để cây cho năng suất cao. Ông luôn tâm niệm, vừa nuôi con ăn học nên người, vừa làm gương để con cái không ỷ lại vào cha mẹ. Từ 2 công đất ban đầu, giờ trong tay ông có 9 công vườn trồng mít, bưởi, nhãn… nằm rải rác trong xã Thanh Hòa.

Ngôi nhà của ông cất theo kiểu nhà ba gian, hai chái, là thành quả mà cả gia đình cật lực lao động hơn 10 năm trời. Gian giữa nhà ông đặt bàn thờ tổ tiên, gian bên trái đặt chiếc tủ cao, bên trên đặt ảnh thờ Bác Hồ. Ông luôn nhắc nhở các con mình: “Muốn trở thành người tốt thì phải luôn làm theo gương Bác!...”. Hiểu được tính ý của cha, nên 4 người con (2 gái, 2 trai) đều nỗ lực học tập, phụ giúp gia đình và đều mang lại niềm hãnh diện cho gia đình.

LÊ QUANG HUY

.
.
.