Thứ Tư, 01/06/2022, 20:10 (GMT+7)
.

Chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế ban hành khẩn trương nhưng triển khai chậm

(ABO) Đó là ý kiến thảo luận của Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm ở phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào sáng 1-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

* Gói hỗ trợ nếu không dùng đúng sẽ gây lãng phí nguồn lực

Cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang Tạ Minh Tâm cho rằng, Nghị quyết 11 được ví như “cú huých”, hay có người xem là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, tạo niềm tin, phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người lao động. Việc ban hành Nghị quyết 11 như là một thể chế hỗ trợ mạnh mẽ, toàn diện, đúng trọng tâm, trọng điểm, đã được làm cực kỳ khẩn trương nhưng tiến độ - kết quả chưa như kỳ vọng. 

Nghị quyết 11 được ban hành với “khí thế thần tốc”: Ngày 11-1-2022, tại Kỳ họp bất thường nhằm ứng phó với hoàn cảnh bất thường chưa từng có tiền lệ, Nghị quyết 43 của Quốc hội được ban hành. Đến 19 ngày sau, ngày 30-1-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 với 5 nhóm giải pháp trọng tâm và bố trí nguồn lực cụ thể.

Tuy nhiên, từ khi được ban hành đến nay đã hơn 4 tháng, việc triển khai Nghị quyết 11 có phần đã đi vào cuộc sống, nhưng cũng không ít nội dung vẫn còn ở trên “giấy tờ”, đang trong quá trình tham vấn, trao đổi giữa các cơ quan chức năng. Trong tháng 2 và tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã phải có 3 Công điện đôn đốc. Trong tháng 4, Thủ tướng đã chỉ đạo “Các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phải triển khai nhanh, đúng, đủ, để người dân và doanh nghiệp được hưởng thụ sớm…”.

Cùng với đó là vấn đề nguồn vốn. Dù đã được tính toán rất nhanh, rất cụ thể trong Nghị quyết 11 (và trước đó Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 43). Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, cho đến giờ này, một số dòng tiền thông qua các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11 phần lớn vẫn chưa đến được các đối tượng thụ hưởng hoặc có đến nhưng chưa đáng kể.

Đại biểu Tạ Minh Tâm
Đại biểu Tạ Minh Tâm phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Tạ Minh Tâm cho rằng, mục tiêu giải ngân đạt tiến độ theo kế hoạch của các gói trong năm nay sẽ là không dễ. Bởi, thực tế ngoài việc triển khai giảm thuế VAT (nhưng cũng còn vướng mắc trong thực thi) thì vẫn còn nhiều hỗ trợ hiện đang trong quá trình thể chế hóa, xây dựng hướng dẫn hoặc lúng túng trong triển khai thực hiện, như việc hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và tiền thuê đất,… Các nội dung này thủ tục ra sao để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, không xảy ra tình trạng “xin - cho”, không gây phiền hà cho người dân, DN cũng là vấn đề đặt ra, cử tri đang quan tâm.

Đặc biệt về lĩnh vực chi đầu tư phát triển, với “gói 176 ngàn tỷ đồng” cũng đang trong quá trình bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện danh mục dự án. Nghị quyết 11 với yêu cầu đặt ra là “phục hồi” và thêm vế nữa là “phát triển” kinh tế - xã hội thì yêu cầu đề ra là dòng tiền các gói hỗ trợ, kể cả đầu tư phát triển phải được hấp thu vào nền kinh tế ngay trong năm nay mới là tối ưu, mới có thể phát huy hiệu quả ngay trong năm 2022 và 2023. Nhất là đối với mục tiêu tăng trưởng năm 2022 tăng thêm 2% nhờ tác động chính sách tài khóa tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Vì vậy, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát cân nhắc các chính sách hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hiện nay; điều chỉnh các nội dung không còn mang tính cấp thiết, sang các lĩnh vực trọng tâm then chốt, có tác động lan tỏa; củng cố và phát huy vai trò bệ đỡ của ngành Nông nghiệp, khu vực nông thôn.

Cùng với đó là rà soát lại các dự án trong danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm đưa vào danh mục các dự án đáp ứng những nguyên tắc, tiêu chí thể hiện tại điểm đ, khoản 1.2, điều 3 Nghị quyết 43. Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh, thay thế, bổ sung vào danh mục các dự án đủ điều kiện; có khả năng giải ngân nhanh và hấp thu ngay vào nền kinh tế.

Ngoài ra, đại biểu Tạ Minh Tâm cũng kiến nghị Quốc hội cân nhắc bổ sung chính sách, cơ chế đặc thù, rút gọn bên cạnh những cơ chế đã thông qua tại điều 5, Nghị quyết 43 nhằm rút ngắn quy trình, thủ tục đưa các chương trình, dự án đi vào cuộc sống.

* Quan tâm đến “nông nghiệp - nông dân - nông thôn” trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Vấn đề thứ 2, đại biểu Tạ Minh Tâm quan tâm và cho ý kiến tại hội trường là vai trò vị trí của “nông nghiệp - nông dân - nông thôn” trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu Tạ Minh Tâm cho rằng, để thực hiện Nghị quyết 43, trong 5 nhóm giải pháp của Nghị quyết 11, liên quan trực tiếp lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn có 2 điểm hỗ trợ được thể hiện:

Một là, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2% trong 2 năm 2022 - 2023 đối với các khoản vay thương mại nêu tại điểm c, mục 3, phần II của Nghị quyết 11. Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ này phải kèm theo tiêu chí “Có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi…”. Điểm này nếu không được quy định chi tiết, minh bạch, rõ ràng thì rất dễ biến thành “điểm nghẽn” trong việc tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ này.

Mặt khác, thực tế số DN lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng không nhiều, khoảng 0,9% tổng số DN, giảm 13,6% so với năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Do vậy, hỗ trợ này dành cho DN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa tạo được sức lan tỏa.

Hai là, trong nhóm giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chỉ có 3 nội dung liên quan sát sườn với nông nghiệp - nông thôn được Nghị quyết “định danh”: (1) Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển; (2) Bảo đảm an toàn hồ chứa nước và (3) Thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo Danh mục dự án dự kiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thể hiện bố trí 46 dự án với số vốn là 5 ngàn tỷ đồng trong 176 ngàn tỷ đồng tăng chi đầu tư phát triển.

Đại biểu Tạ Minh Tâm
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường.

Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, ngành Nông nghiệp được xem là “trụ đỡ của nền kinh tế”. Vai trò, vị thế đã rõ. Để “nông nghiệp - nông dân - nông thôn” hiện diện trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rõ nét, tương xứng với trách nhiệm bệ đỡ, trụ đỡ của nền kinh tế; khẳng định vai trò, vị thế theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét, điều chỉnh, bổ sung các gói hỗ trợ, tăng cường hạ tầng nông nghiệp - nông thôn, thúc đẩy các mô hình sản xuất liên kết, gắn kết thị trường, gắn kết chuỗi giá trị. Hỗ trợ lực lượng lao động nông nghiệp, các nông hộ nhỏ lẻ vượt qua khó khăn trong bối cảnh tác động bất lợi của thị trường hậu Covid-19; tạo cú hích mạnh mẽ phát triển trong hai năm 2022 - 2023.

Đại biểu Tạ Minh Tâm nhắc lại ý kiến của Chủ tịch Quốc hội: “Gói hỗ trợ nếu dùng không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân” và đồng tình với quan điểm này. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có các giải pháp mạnh mẽ tạo điều kiện các gói hỗ trợ được hấp thu nhanh vào nền kinh tế; nghiên cứu bổ sung các nội dung nâng đỡ lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn - nông dân trong thực thi Nghị quyết 43, Nghị quyết 11.

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.