Thứ Sáu, 04/11/2022, 08:52 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp

(ABO) Ngày 1-11-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 07-CT/TU tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp. Báo Ấp Bắc trân trọng đăng toàn văn Chỉ thị này.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU ngày 01/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp đạt được nhiều kết quả quan trọng; tổ chức, bộ máy của ngành Tư pháp được củng cố, kiện toàn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo tính pháp lý, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; việc thực thi pháp luật ngày càng được nâng cao; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; tỷ lệ hòa giải thành đạt cao, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp chặt chẽ, việc xã hội hóa lĩnh vực công chứng, đấu giá tài sản, thừa phát lại được đẩy mạnh theo đúng tinh thần cải cách tư pháp; công tác hành chính tư pháp (đăng ký, quản lý hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; nuôi con nuôi; chứng thực…) thực hiện kịp thời, đáp ứng nhu cầu của nhân dân,...

Tuy nhiên, việc rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn khó khăn, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thu hút người dân; việc tổ chức thực hiện theo dõi thi hành pháp luật, quản lý vi phạm hành chính có nơi chưa tốt, trình độ của công chức tư pháp - hộ tịch một số nơi chưa đạt yêu cầu,...

b

UBND tỉnh Tiền Giang tổng kết Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu hiến pháp và pháp luật. Ảnh: Lê Phương

Để tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh; cấp ủy huyện và tương đương tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác tư pháp, nhất là Kết luận 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư;

Kết luận 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Kết luận 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020,...

2. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác tư pháp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, trong đó bố trí công chức tư pháp - hộ tịch đủ số lượng, bảo đảm ổn định, lâu dài; phấn đấu đến năm 2025, có 100% công chức tư pháp - hộ tịch có trình độ cử nhân luật trở lên. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, đạo đức công vụ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn trong công tác tư pháp.

3. Tăng cường, nâng cao hơn nữa công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính pháp lý, phù hợp tình hình thực tế; thường xuyên theo dõi công tác thi hành pháp luật, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, tạo bước đột phá, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh, bền vững.

4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; củng cố, kiện toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; chú trọng tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của người dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để người dân dễ nắm, dễ hiểu, dễ thực hiện. Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kiện toàn, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên, phấn đấu tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 85% trở lên đối với các xã nông thôn mới, phấn đấu nông thôn mới, từ 90% trở lên đối với các xã nông thôn mới nâng cao; triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý; công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hành chính tư pháp (hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, giao dịch bảo đảm), đảm bảo giải quyết các thủ tục hành chính tư pháp đúng quy định pháp luật, đúng thời hạn quy định, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt Nghị quyết 08- NQ/TU ngày 06/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung nguồn lực số hóa Sổ hộ tịch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

6. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp theo đúng tinh thần cải cách tư pháp; xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ bổ trợ tư pháp đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các chế định bổ trợ tư pháp (luật sư, giám định tư pháp, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản…), góp phần hỗ trợ tốt cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Duy trì hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các Phòng Công chứng hoạt động hiệu quả; phát huy vai trò tự quản của Đoàn Luật sư, Hội Công chứng viên. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh; Đề án tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

7. Tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Tư pháp với các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể chính trị - xã hội có liên quan trong công tác tư pháp; xây dựng các quy chế phối hợp, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế; duy trì hiệu quả mối quan hệ phối hợp công tác trong và ngoài ngành Tư pháp.

Nâng cao hiệu quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đối với công tác tư pháp, nhất là giám sát việc chấp hành pháp luật của người đứng đầu đơn vị ngành Tư pháp; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; công tác thi hành pháp luật; công tác xử lý vi phạm hành chính; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật,...

8. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được phổ biến kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân.

- Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

- Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tư pháp, pháp chế; tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác tư pháp, bổ trợ tư pháp.

- Các cấp ủy, chính quyền thường xuyên thanh tra, kiểm tra gắn với phòng, chống vi phạm, tiêu cực, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong công tác tư pháp, hoạt động bổ trợ tư pháp.

- Các Ban đảng, Ban Cán sự đảng, Đảng đoàn; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh; cấp ủy huyện và tương đương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị này.

- Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết việc thực hiện.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị 06-CT/TU ngày 01/11/2012 của Ban Thường vụ Tinh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp.

.
.
.