Bài 2: Đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết
Bài 1: Khi "Tổ quốc gọi tên mình"
Bài 3: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Bài 4: Rưng rưng ngày đại thắng…
Bài cuối: Thắm đượm truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"
Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa”. Quả đúng như thế, khi dấn thân vào con đường cách mạng, người chiến sĩ cách mạng phải đối mặt với muôn vàn gian lao, thử thách. Và thử thách cao nhất đó chính là “thử thách chất anh hùng”.
Lính trẻ. Ảnh: Đoàn Công Tính |
* ĐỨNG GIỮA LẰN RANH SỐNG - CHẾT
Dù đã 40 năm đã trôi qua kể từ ngày 30-4-1975 lịch sử, nhưng trong ký ức của người cựu chiến binh Nguyễn Thành Đô (chú Năm Đô, xã Tân Hội, TX. Cai Lậy) vẫn còn vẹn nguyên những ngày tháng “nếm mật nằm gai…” nơi chiến trường ác liệt.
Tham gia cách mạng từ năm 1968, trong 7 năm chiến đấu, Thượng tá Nguyễn Thành Đô 5 lần bị thương và 3 lần thoát chết mà đến bây giờ chú cũng không hiểu tại sao mình có thể thoát chết dưới họng súng của địch.
Chú Năm bồi hồi nhớ lại: Lần thứ nhất thoát chết là vào một đêm địch càn vào nơi bộ đội đóng quân, nhưng chú và đồng đội không hay. Khi giật mình tỉnh giấc thì địch đã đến. Chú và 3 anh em cùng đơn vị lập tức xuống xuồng để rút vào địa hình.
Khi xuống xuồng thì có 1 chiếc xuồng khác cũng đang bơi song song và nhiều xuồng ở phía sau đang tiến vào. Cứ ngỡ là lực lượng của ta rút vào địa hình, nhưng một lúc sau chú và mọi người phát hiện đó là xuồng của địch. Lợi dụng lúc địch chưa phát hiện, chú và các anh em rẽ vào con rạch, trốn thoát.
Một lần khác, trong trận giao chiến với địch ở An Hữu (huyện Cái Bè), chú Năm bị thương nặng, được dân công tải về tuyến sau. Nhưng rồi 2 dân công cũng trúng đạn… Chú cố bườn xuống mương gần đó để nấp pháo địch. Sau khi trận đánh kết thúc, chú cố gắng bườn lên bờ rồi ngất xỉu lúc nào không hay. Đến sáng hôm sau, lực lượng của ta quay lại phát hiện, đưa chú về quân y. Do vết thương nhiễm trùng nặng, chú phải nằm ở trạm xá điều trị 6 tháng mới hồi phục.
Dù chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ vẫn còn tươi nguyên trong tâm khảm của Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng (chú Sáu Lưỡng). Tham gia cách mạng từ năm 1962, đến ngày giải phóng, thống nhất đất nước, chú Sáu bị thương tất cả 7 lần và nhiều lần đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết.
Trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, chú Sáu bị thương và ngất xỉu trên một con đường trong nội ô TP. Mỹ Tho, may nhờ lực lượng của ta phát hiện đưa về tuyến sau. Rồi một lần hợp đồng tác chiến đánh vào đồn ở Cai Lậy, nội tuyến phản bội, nhưng nhờ cảm quan của người chiến sĩ cách mạng, chú đã không thực hiện theo thỏa thuận với nội tuyến nên tránh được tổn thất lớn.
Rồi một lần đang nằm võng, địch bất ngờ ập vào chỉa súng vào người… Những lần đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết như thế cứ ùa về, chảy mãi không dứt trong dòng hồi ức của người cựu chiến binh - Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng.
“Chuồng cọp” bằng kẽm gai - nơi giam giữ cán bộ, chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Phú Quốc. |
Còn người cựu chiến binh của Đoàn tàu không số Huỳnh Thanh Trước (chú Ba Trước), hiện cư ngụ ở phường 1, TP. Mỹ Tho, dù đã bước sang tuổi 82, chuyện đời có cái nhớ cái quên, nhưng ký ức về những lần đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết vẫn còn tươi nguyên trong tâm khảm.
Giọng run run, chú Ba kể, đó là một đêm máy bay của địch ném bom bầy trúng ngay đơn vị của chú đóng quân (xã Tân Phú, huyện Cai Lậy). Đơn vị có 8 người thì hy sinh hết 7, chỉ còn lại một mình chú, nhưng cánh tay phải của chú bị gãy nát.
Giọng chú bỗng chùn xuống, bùi ngùi: “Chú sống là nhờ sự may mắn, vì đêm ấy người bạn ghé đơn vị từ giã chú để hôm sau chuyển công tác sang đơn vị mới. Bạn ở lại qua đêm nên chú nhường chỗ của mình cho bạn, còn chú nằm chỗ khác. Nào ngờ…”. Chú Ba bỏ lửng câu nói, giọng chùn xuống, rưng rưng…
* “THỬ THÁCH CHẤT ANH HÙNG”
40 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày gian khổ, thử thách trong chiến tranh vẫn mãi mãi tươi nguyên trong lòng những người cựu chiến binh mà chúng tôi đã gặp. Khơi lại những ngày “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, dòng ký ức cứ thế trào tuôn… Trong câu chuyện của những ngày thực hiện lời dạy của Bác “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, không chỉ có những câu chuyện đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, mà còn có cả những câu chuyện về sự “thử thách chất anh hùng” của người chiến sĩ cách mạng.
Dù 47 năm đã trôi qua, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Lưỡng vẫn còn nhớ như in Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Sau khi bị thương, trước tình thế cấp bách phải mổ cấp cứu nhưng không còn thuốc gây mê và gây tê, nên ê kíp y, bác sĩ vẫn quyết định mổ gắp các mảnh đạn trong phổi để bảo toàn tính mạng cho chú. Chú Sáu Lưỡng chỉ diễn tả cảnh tượng khủng khiếp ấy bằng 3 từ ngắn gọn: “Đau chết giấc!”.
Tuy nhiên, chuyện đại phẫu gắp mảnh đạn trong phổi, cưa chân, cắt ruột… mà thiếu hoặc không có thuốc gây tê, gây mê vẫn chưa phải là những thử thách ghê gớm nhất. Thử thách lớn nhất của người chiến sĩ cách mạng là khi rơi vào tay địch. Trong hoàn cảnh bị kẻ thù bắt, giam cầm, tra tấn và đàn áp khốc liệt, nhưng đa số các chiến sĩ cách mạng đã giữ vững khí tiết, đấu tranh với kẻ thù bằng trái tim và khối óc kiên trung, bất khuất.
Người cựu tù kháng chiến Trần Văn Mừng (ấp Hòa Quý, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè) vẫn không thể nào quên những ngày bị địch bắt giam cầm trong nhà lao Phú Quốc. Sau khi phát hiện chú đào hầm, tổ chức cho đồng đội trong nhà lao vượt ngục, chúng lấy búa đập nát 10 đầu ngón tay của chú… Đến bây giờ chú cũng không hiểu vì sao bị bọn cai ngục đánh đập, tra tấn dã man như thế mà vẫn không chết. Và đến bây giờ, 10 ngón tay của chú vẫn không có cái móng nào mọc ra được.
Trong số những cựu tù kháng chiến trải qua “thử thách chất anh hùng”, Liệt sĩ Đặng Văn Bê (sinh năm 1943, quê ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy - nay thuộc TX. Cai Lậy) là một điển hình. Tháng 10-1969, trong một trận chống càn, anh Bê bị rơi vào tay địch. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng anh Bê vẫn kiên trung, giữ vững khí tiết.
Tháng 2-1970 địch đày anh ra nhà tù Phú Quốc. Ngày 30-1-1971, cùng anh em trong trại giam tập trung đấu tranh không chịu sang trại chiêu hồi, anh Bê đã đánh tét đầu 1 tên quân cảnh làm cho kế hoạch của địch bị thất bại. Hèn hạ, bọn địch đã hành hình anh Bê một cách dã man. Chúng dùng bao bố trùm kín người anh đem nhúng vào chảo nước đang sôi…
Còn câu chuyện về 2 Liệt sĩ Nguyễn Thị Ngọc Tiến và Lê Thị Lệ Chi ở Trạm xá Dân y huyện Chợ Gạo cũng là một câu chuyện bi hùng, vượt lên mọi thử thách tàn độc của kẻ thù. Và tận cùng của sự dã man là chúng đã mổ bụng, moi gan 2 chị…
Sáng ngày 16-4-1972, lực lượng lính bảo an quận Chợ Gạo do tên quận phó trực tiếp chỉ huy càn vào địa hình khu vực trạm xá ở xã Hòa Định. 2 chị bị bắt cùng với tài liệu chưa kịp hủy. Biết là nơi có chứa thương binh nên giặc tập trung mọi thủ đoạn tra tấn dã man. Thằng chỉ huy hằn học dọa: “Mổ bụng ra để xem lá gan mày bao lớn”. Nhìn thẳng vào mặt quân thù, chị Tiến dõng dạc thách thức: “Có giỏi thì làm, mày đừng hù, đừng hòng tao khai!”.
Thằng chỉ huy thọc dao mổ bụng, moi lá gan chị Tiến ném trước mặt chị Chi. Tưởng rằng chứng kiến cảnh tượng ấy sẽ làm cho chị Chi khuất phục, nhưng đáp lại là ánh mắt nảy lửa của chị: “Mày cứ mổ bụng tao đi!”. Thằng chỉ huy không nói, lững thững bước tới thọc mạnh cái dao lê dính đầy máu vào bụng chị…
Anh Bê, chị Tiến, chị Chi ngã xuống trong tâm thế của người anh hùng, xứng đáng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT. Cách sống, chiến đấu và chọn sự hy sinh của các anh, chị càng làm cho hình ảnh người chiến sĩ cách mạng thêm cao đẹp, lung linh và ngời sáng…
NGUYÊN CHƯƠNG
(còn tiếp)