Thứ Sáu, 02/09/2016, 16:31 (GMT+7)
.

Tân Phước: Bức phá trong triển khai Dịch vụ công trực tuyến

Qua gần 2 năm, với sự nỗ lực và quyết tâm của các ngành, cấp huyện, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Tân Phước thật sự có chuyển biến, đạt nhiều kết quả khả quan trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, DVCTT vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định.

Bộ phận một cửa ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của UBND xã Mỹ Phước.
Bộ phận một cửa ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của UBND xã Mỹ Phước.

Năm 2014, huyện Tân Phước bắt đầu triển khai DVCTT ở tất cả 31 cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn và bắt đầu thực hiện DVCTT mức độ 2 và 3 vào năm 2015, áp dụng trên 40 lĩnh vực. Trong đó, huyện Tân Phước áp dụng DVCTT mức độ 2 cho 241 thủ tục hành chính; mức độ 3 là 92 thủ tục hành chính.

Anh Huỳnh Văn Khách, chuyên viên phụ trách quản trị mạng Văn phòng UBND huyện Tân Phước cho biết: “Thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã cụ thể hóa và ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2015 và năm 2016; kế hoạch tập huấn phần mềm quản lý văn bản và điều hành kết hợp ứng dụng chữ ký số cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức…

Tính đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ cho công việc của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện: 12 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện đạt 100%; 6 đơn vị sự nghiệp đạt 100%; 13 xã, thị trấn đạt 70%. Các xã, thị trấn đều được trang bị hệ thống hội nghị trực tuyến”.

Từ khi triển khai phần mềm một cửa điện tử đến nay đã tiếp nhận và xử lý được 16.032 hồ sơ; trong đó đúng hạn là 1.386 hồ sơ, chiếm 8,65%; trước hạn là 12.491 hồ sơ, chiếm 77,91%; trễ hẹn là 2.155 hồ sơ, chiếm 13,44%.

Anh Huỳnh Văn Khách cho biết thêm: “Phần mềm một cửa điện tử giúp cho việc luân chuyển hồ sơ được thuận tiện, nhanh, kịp thời cho công việc tại cơ quan hành chính Nhà nước huyện. Việc ứng dụng phần mềm giúp cho cán bộ, công chức xử lý hồ sơ được nhanh hơn, giảm được các công việc trùng lắp, việc theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ được thực hiện công khai, minh bạch, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi kết quả giải quyết hồ sơ hành chính theo quy định. Từ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và sớm hạn ngày càng tăng…”.

Triển khai thực hiện DVCTT mức độ 3 hơn 1 năm qua, mỗi ngày bộ phận một cửa của UBND xã Mỹ Phước tiếp nhận từ 3 - 5 hồ sơ. Ông Lê Văn Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước cho biết: “Khi triển khai xã được đầu tư 2 máy vi tính và máy scan.

Sử dụng DVCTT rất thuận lợi cho cán bộ quản lý hồ sơ chặt chẽ hơn. Đa số cán bộ đều sử dụng được, nhưng người dân phải được cán bộ “một cửa” làm giúp hoặc hướng dẫn làm. Xã chuẩn bị triển khai DVCTT ở mức độ 4 với 3 lĩnh vực: Kết hôn, khai sinh và đăng ký giám hộ”.

Bên cạnh những thuận lợi, những kết quả đạt được trong sử dụng DVCTT, thì công tác này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực còn hạn chế; đặc biệt người dân chưa hiểu và chưa ứng dụng được.

Chị Võ Thị Của, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Mỹ Phước, người trực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ tại bộ phận một cửa cho biết “Khi người dân đến thực hiện thủ tục hành chính, cán bộ phải trực tiếp hướng dẫn người dân viết lời khai sau đó phải scan lên máy tính. Một số thủ tục chưa giải quyết qua mạng được như: Thủ tục kết hôn phải có chữ ký sống của người dân; hình thức thanh toán lệ phí…”.

DVCTT mức độ 4 là DVCTT mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.

Để triển khai thực hiện tốt DVCTT mức độ 4 vào cuối năm 2016 ở huyện Tân Phước ở 3 lĩnh vực: Cấp phép nhà ở riêng lẻ, cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh, huyện Tân Phước rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành.

P. MAI

.
.
.