Chủ Nhật, 24/11/2013, 07:59 (GMT+7)
.

Về thăm di tích quốc gia vụ thảm sát Chợ Giữa, Vĩnh Kim

Vào những ngày này, khi khắp nơi đều nhớ đến hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa bất diệt thì nhiều người dân trong tỉnh đều tìm về Vĩnh Kim để thăm di tích quốc gia vụ thảm sát Chợ Giữa, Vĩnh Kim, để tưởng nhớ và tự hào về cuộc khởi nghĩa hào hùng của quân và dân Tiền Giang.

Di tích bia căm thủ Chợ Giữa, Vĩnh Kim.
Di tích bia căm thù Chợ Giữa, Vĩnh Kim. Ảnh: Hữu Chí

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (ngày 23-11-1940), thực dân Pháp huy động một lực lượng quân sự đông đảo để càn quét trấn áp ý chí đấu tranh kiên cường của nhân dân ta. Các xã có phong trào khởi nghĩa như Long Hưng, Đông Hòa, Vĩnh Kim, Kim Sơn… đều bị địch càn quét với thủ đoạn thật tàn bạo, dã man, đặc biệt trong đó có làng Vĩnh Kim, nơi mà quân Pháp cho rằng đây là cơ quan chỉ huy của cuộc khởi nghĩa.

Theo tư liệu lịch sử, ngày 3-12-1940, quân Pháp đã dùng canô, tàu chiến, máy bay, cùng lính bộ càn quét vào các làng nói trên, riêng đối với Vĩnh Kim, chúng đã bỏ 2 quả bom xuống chợ vào lúc 7 giờ sáng trong lúc người dân nhóm chợ rất đông.

Vụ ném bom đã làm chết và bị thương 200 người dân vô tội trong đó đa số là người già, phụ nữ, xác chết trôi đầy sông… Sau đó, giặc Pháp bao vây chợ bắt những người sống sót, kéo xác những người đã chết xuống hố bom không cho thân nhân đem xác về chôn và chôn sống cả những người bị thương chưa chết. Hơn 10 ngày sau, vì quá hôi thối nhân dân quanh chợ đấu tranh, địch mới cho thân nhân đem xác về chôn nơi khác.

Theo báo cáo của chủ tỉnh Dufous, từ 3 đến 5-12-1940, địch đã càn quét bắt 400 người và từ ngày 6-12 đến cuối tháng 12-1940, bắt thêm 2500 người. Tổng cộng trong vòng 1 tháng chúng bắt được 2.900 người dân vô tội. Ngoài ra, thực dân Pháp còn đưa những người bị bắt ra xử tử hàng loạt. Chúng đem những người bị bắt về nhốt tại nhà việc làng Điều Hòa, Mỹ Tho rồi dùng dây thép gai xiên tay lại với nhau đày ra Côn Đảo. Trên đường đi chúng ném nhiều người xuống sông, xuống biển…

Ngày 22-2-2004, địa điểm nơi thảm sát Chợ Giữa được công nhận và xếp hạng di tích quốc gia. Năm 2005, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa, công trình tượng đài căm thù Chợ Giữa, Vĩnh Kim với kinh phí hơn 3 tỷ đồng được xây dựng tại địa điểm mà ngày xưa giặc Pháp ném bom thảm sát đồng bào vô tội.

Tượng được đúc bằng đồng, nặng 8 tấn do nhà điêu khắc Lương Văn Thạnh là tác giả của công trình nghệ thuật này. Bức tượng thể hiện hình tượng người phụ nữ với nón lá, gióng gánh trong tư thế quỳ, tay ôm đứa con đã chết, tay cầm chiếc đòn gánh gãy, phía dưới là thúng, gióng, mắt hướng lên bầu trời nơi có máy bay giặc đang quần đảo, với ánh mắt đầy căm phẫn…

Ngày nay, mỗi lần đến dịp kỷ niệm Ngày Nam kỳ khởi nghĩa, người dân trong tỉnh nói chung và tại xã Vĩnh Kim nói riêng đều đến viếng di tích, thắp nhang để tưởng nhớ những người đã mất trong vụ thảm sát. Đồng thời, đây cũng là dịp để cho thế hệ trẻ biết và tự hào về những ngày tháng đấu tranh hào hùng của dân tộc.

HOÀNG AN
 

.
.
.