Thứ Sáu, 04/07/2014, 13:29 (GMT+7)
.

Cần thực hiện nghiêm việc phản hồi thông báo vi phạm ATGT về cơ sở

Theo số liệu báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 48.363 trường hợp vi phạm, trong đó tạm giữ 5.390 phương tiện, tước giấy phép lái xe 4.615 trường hợp, phạt tiền 42.973 trường hợp, thành tiền 26,3 tỷ đồng.

Thực hiện theo Thông tư 38/2010 của Bộ Công an về việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT), Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATG đã gửi 7.249 thông báo về nơi cư trú của người vi phạm, nhận phản hồi 419 trường hợp từ công an cơ sở.

Lực lượng CSGT  đang làm nhiệm vụ trên QL.1A.  Ảnh:  Hữu Chí
Lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ trên QL.1A. Ảnh: Hữu Chí

Qua số liệu trên, chúng ta dễ dàng nhận ra sự chênh lệnh giữa con số phản hồi (419 trường hợp) từ CA cơ sở và số thông báo được gửi đi (7.249 trường hợp). Vậy nguyên nhân của việc không phản hồi thông báo từ phía CA cơ sở có phải là do việc chưa phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng CSGT và CA cơ sở trong công tác xử phạt vi phạm ATGT hay do công tác chỉ đạo giữa các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT ở các cấp chưa sâu sát?

Được biết, trong mỗi cuộc họp giao ban về công tác bảo đảm trật tự ATGT hàng quý, giữa năm và tổng kết cuối năm, thành viên Ban ATGT tỉnh là đồng chí Phó Giám đốc CA tỉnh, trong phát biểu ý kiến đều khẳng định là việc thực hiện thông báo tên người vi phạm ATGT về cơ sở được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt làm rất nghiêm túc. Nếu vậy, phải chăng con số phản hồi quá ít so với số thông báo gửi đi có phải do lỗi phía CA ở cơ sở vì “vị nể” người bị vi phạm hay không có thời gian để làm công văn phản hồi…?

Qua tìm hiểu, việc gửi thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự ATGT, ngoài việc mất thời gian, công sức để làm thủ tục, lực lượng CSGT còn gặp khó khăn khi ra quyết định xử phạt đối tượng vi phạm. Theo một số cán bộ, chiến sĩ CSGT khi làm nhiệm vụ, phần lớn người vi phạm đều né tránh khai rõ địa chỉ nơi cư trú khi tổ tuần tra ghi biên bản, trong đó có cả công nhân, viên chức.

Mục đích của Thông tư 38/2010 của Bộ Công an là nhằm phát huy vai trò của cơ quan, đoàn thể và chính quyền ở cơ sở trong việc góp phần giáo dục các đối tượng vi phạm trật tự ATGT, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, mặc dù đã được triển khai thực hiện nhưng các cơ quan, chính quyền ở cơ sở tiếp nhận thông báo người vi phạm lại quá thờ ơ! Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự ATGT của người tham gia giao thông thường xảy ra với các lỗi như: không đội nón bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định...

Trong số 48.363 trường hợp vi phạm ATGT của 6 tháng đầu năm 2014, có 90% số vụ vi phạm do người tham gia giao thông vi phạm các quy tắc ATGT. Điều này đặt ra những vấn đề về hiệu quả triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục các biện pháp tuần tra, kiểm soát, xử lý đối tượng vi phạm chưa tạo hiệu quả cao về mặt nhận thức.

Theo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII), Bộ Công an, qua gần 3 năm thực hiện Thông tư 38/2010, công an các địa phương đã gửi 1,5 triệu thông báo vi phạm đến công an cấp xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, công tác, học tập để theo dõi giáo dục.

Tổng cục VII nhận định cách làm này đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân.

Để góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, trong đó có yếu tố quan trọng là người tham gia giao thông phải chấp hành các quy định về ATGT, thiết nghĩ Ban ATGT tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chấn chỉnh việc phản hồi thông báo vi phạm của CA cơ sở đi vào nền nếp, nghiêm túc hơn.

NGUYỄN AN

.
.
.