Thứ Tư, 12/11/2014, 10:11 (GMT+7)
.

Để không còn tình trạng cấp phát trùng thẻ BHYT

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, qua kiểm tra, rà soát việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước (NSNN) đóng, hỗ trợ tiền đóng BHYT năm 2011-2012 phát hiện trùng 14.332 thẻ BHYT với tổng kinh phí là 6,152 tỉ đồng; năm 2013 tiếp tục rà soát phát hiện trùng 373 thẻ với kinh phí là 221 triệu đồng. Mặc dù năm 2014 tình trạng này có giảm, song, hầu hết các địa phương còn lúng túng trong việc giải quyết vấn đề này.

Qua khảo sát thực tế, các địa phương đều phản ánh công tác cấp phát thẻ BHYT còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân chủ yếu do ngành BHXH và các bên liên quan chưa có tiếng nói chung, chưa thống nhất về cách làm cũng như chưa có phần mềm quản lý mà chủ yếu làm thủ công dẫn đến tình trạng cấp trùng thẻ BHYT.

Báo Ấp Bắc cũng đã có bài phản ánh vấn đề này, cụ thể ngày 24-10-2014 Thường trực và Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức buổi hội thảo với BHXH tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ban, ngành tỉnh liên quan nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể tháo gỡ tình trạng nên trên.

Tuyên truyền để người dân hiểu và tự khai báo khi phát hiện trùng thẻ BHYT.
Tuyên truyền để người dân hiểu và tự khai báo khi phát hiện trùng thẻ BHYT.

Tại cuộc hội thảo, BHXH tỉnh và các sở, ngành đã đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế, trong đó có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) bằng cách xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung trong việc quản lý mua, bán thẻ BHYT được xem là giải pháp khả thi, khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT. Cơ sở dữ liệu này dùng cho tất cả các sở, ban, ngành liên quan cấp tỉnh, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, UBND cấp xã.

Ngoài ra còn hỗ trợ theo dõi, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia BHYT và khắc phục việc lạm dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh. Đồng thời thống nhất giao Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị đầu mối có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung này, sau đó hướng dẫn, triển khai ứng dụng cho tất cả các đơn vị hữu quan từ tỉnh đến huyện, xã.

Theo đó, khi đã có cơ sở dữ liệu dùng chung thì đối với đơn vị bán BHYT chỉ cần nhập tên đối tượng vào là biết đã bán chưa, và người đề nghị mua BHYT chỉ cần nhập tên đối tượng vào cơ sở dữ liệu là biết mua chưa, khắc phục triệt để việc mua trùng thẻ BHYT như thời gian qua.

Tại đây, các đại biểu cũng đặt vấn đề ngành Y tế cần có một phần mềm dùng chung cho công tác khám, chữa bệnh áp dụng cho tất cả các cơ sở đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh, kể cả các phòng khám tư nhân nhằm khắc phục việc sử dụng thẻ BHYT sai mục đích.

Đồng thời sắp xếp được phương án tối ưu trong khám, chữa bệnh. Việc lựa chọn nhà tư vấn xây dựng phần mềm dùng chung cũng cần phải xem xét kỹ. Theo các đại biểu, đơn vị tư vấn phải đảm bảo có năng lực, mạnh về thiết kế xây dựng phần mềm, am hiểu tình hình thực tế ở địa phương, có lực lượng kỹ thuật viên đóng trên địa bàn để thuận lợi trong công tác phối hợp với địa phương kịp thời cập nhật, chỉnh lý và phát triển phần mềm theo yêu cầu của từng giai đoạn phát triển; tận dụng tối đa yếu tố hạ tầng kỹ thuật và các thiết bị phần cứng đã được đầu tư, kết hợp với các dự án phần mềm tỉnh đang triển khai thực hiện trên địa bàn nhằm giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn đảm bảo được tính hiệu quả.

Theo phân tích của các đại biểu, “Cơ sở dữ liệu dùng chung cho công tác quản lý BHYT” và “Phần mềm dùng chung cho công tác khám, chữa bệnh BHYT” khi triển khai sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư xây dựng phần mềm ứng dụng CNTT phân tán, tốn nhiều chi phí nhưng không hiệu quả ở các đơn vị liên quan.

Đồng thời, sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc thực hiện hoàn thành mục tiêu Đề án 2180/QĐ-UBND thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2013-2015 và 2020 của UBND tỉnh; góp phần nâng cao chỉ số ứng dụng CNTT của tỉnh, đúng với tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hy vọng rằng với sự nỗ lực chung tay tháo gỡ khó khăn của các bên liên quan, nhất là khi đã có “nhạc trưởng” điều phối các hoạt động từ khâu hướng dẫn, thống kê, tổng hợp, theo dõi, cập nhật tất cả các đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn. Không lâu nữa, tình trạng cấp phát trùng thẻ BHYT sẽ được giải quyết triệt để.

THU HOÀI

.
.
.