Thứ Sáu, 14/11/2014, 14:12 (GMT+7)
.

Những hậu quả do bất cẩn trong sử dụng điện

Đã có nhiều vụ tai nạn do điện gây ra mà nguyên nhân chính là sự bất cẩn, chủ quan của con người, gây nên những tác hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản.

Dùng xung điện đánh bắt cá hay dùng điện rà cá  - hành vi này đã bị pháp luật ngăn cấm. Thế nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm, gây ra hậu quả đáng tiếc cho chính mình. Cụ thể, cách đây hơn 1 tháng, ông Hà Phước Hải (ngụ ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành) đã dùng điện để rà cá. Do bất cẩn, ông Hải bị điện giật làm tử vong. Tại hiện trường, công an thu giữ 1 cây vợt bị gãy và 1 đoạn dây điện có nhiều chỗ bong tróc, được nối lại bởi băng keo.

Hiện trường vụ điện giật ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông.
Hiện trường vụ điện giật ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông.

Ở khu vực Gò Công, bà con nuôi tôm đều sử dụng mô tưa điện để chạy quạt, máy sụt khí. Nhiều người còn te dây điện âm xuống đất với mục đích làm cho điện mạnh để bơm nước, thế nhưng tai nạn do điện cũng hay xảy ra. Cụ thể, ngày 15-10, ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) đã dùng dây te điện âm xuống đất, nhưng do bất cẩn, ông Hùng bị điện giật tử vong.

Đôi khi sự chủ quan của mình lại gây ra tai nạn đáng tiếc cho người khác. Đó là trường hợp tai nạn điện xảy ra trên địa bàn ấp Thuận An, xã Long Thuận, TX. Gò Công làm 1 người chết. Nạn nhân là ông Cao Vũ Phương (SN 1973, ngụ khu phố 4, phường 2). Trong lúc đi kéo bao lưới cá dưới kinh, ông Phương đã bị điện giật.   

Qua điều tra, đường đây điện này là của anh Đinh Văn Dũng, ngụ xã Long Thuận. Anh Dũng kéo dây điện ngang rạch để phục vụ cho việc chăn nuôi khoảng 3 năm nay, nhưng không kiểm tra thường xuyên, để cây ngã, dây điện rơi xuống nước và đã gây ra cái chết anh Phương.

Hiện nay, rất nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn, đường dây điện mắc chằng chịt, chồng chéo lên nhau như mạng nhện. Mặt khác, dây điện không được kiểm tra, thay thế định kỳ, bị bong tróc, tiềm ẩn nguy cơ điện giật rất cao. Dây điện đã vậy, cột điện cũng không khá hơn. Nhiều cột điện làm bằng tre, gỗ tạp xiêu vẹo, có thể ngã bất cứ lúc nào.

Ông Nguyễn Huỳnh Đạt, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Công ty Điện lực Tiền Giang cho biết: Trong những năm qua, tai nạn về điện thỉnh thoảng vẫn xảy ra, đơn cử năm 2013 đã xảy ra 11 vụ, làm chết 9 người, bị thương 4 người.

Điều đáng tiếc là những vụ tai nạn này có thể không xảy ra nếu chúng ta chú ý thực hiện đúng các biện pháp phòng tránh như: Không dùng điện để rà cá, bẫy chuột, làm rào chống trộm… khác với mục đích đăng ký sử dụng với ngành Điện; lắp đặt dây dẫn điện đúng cách và phải do người có chuyên môn kỹ thuật thực hiện, nếu tự làm, ít nhất phải cắt điện, dùng bút thử không còn điện và có biện pháp đề phòng đóng điện bất ngờ khi đang sửa chữa...

Đối với hệ thống điện của ngành Điện nên chú ý: Không vi phạm khoảng cách an toàn điện; không thả điều gần đường dây điện; không sử dụng cấu kiện của đường dây như cột xà, dây chằng… vào mục đích khác như che lều quán, buộc trâu bò hay tháo gỡ bù lon, dây chằng, dây tiếp địa…

Để biết thêm chi tiết, đề nghị bà con xem thêm các tờ rơi về an toàn tiết kiệm điện mà ngành Điện phân phát hoặc truy cập vào website của Công ty Điện lực Tiền Giang theo địa chỉ pctiengiang.evnspc.vn vào mục an toàn tiết kiệm điện. 

HỒ SƯƠNG

.
.
.