Thứ Hai, 08/12/2014, 13:50 (GMT+7)
.

Cần quan tâm đến "sức sống" của quy ước ấp (khu phố)

Quy ước ấp (khu phố) là văn bản quy phạm xã hội, quy định các nguyên tắc xử sự do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận, đặt ra để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính chất tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý Nhà nước theo pháp luật.

Thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện Quy ước ở ấp (khu phố) được nhiều nơi trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện. Song, theo phản ánh của nhiều ấp (khu phố), vẫn còn không ít bất cập nên quy ước chưa đi vào cuộc sống.

Nhờ thực hiện Quy ước, nhận thức người dân ở khu phố 9 (phường 5, TP. Mỹ Tho) nâng lên rõ rệt trong việc giữ gìn vệ sinh đường phố sạch sẽ.
Nhờ thực hiện Quy ước, nhận thức người dân ở khu phố 9 (phường 5, TP. Mỹ Tho) nâng lên rõ rệt trong việc giữ gìn vệ sinh đường phố sạch sẽ.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo  của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, việc xây dựng và thực hiện quy ước ở ấp (khu phố) luôn tuân thủ theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh.

Theo đó, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, nhất là các tổ tự quản ở ấp (khu phố) đã nỗ lực tuyên truyền, phát huy dân chủ ở cơ sở, người dân đã dần phát huy tính tự quản. Nhiều ấp (khu phố) tạo được sự đồng thuận và trách nhiệm xã hội trong dân, góp phần xây dựng tình đoàn kết, phát huy truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư, từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lối sống, quan hệ ứng xử trong nhân dân khu dân cư.

Tính đến cuối năm 2013, có 64 xã, 940 ấp (khu phố), 23 chợ, 9 công viên, 170 con đường, 267 cơ sở thờ tự đạt tiêu chuẩn văn hóa, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 37,4 triệu đồng/người/năm, góp phần thực hiện thành công nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Ở nhiều ấp (khu phố), thông qua việc thực hiện quy ước đã tác động tích cực đến nhận thức của người dân, những vấn đề phát sinh về trật tự xã hội, quan hệ tình làng nghĩa xóm… được đưa ra họp tổ tự quản để nhắc nhở hoặc được chính quyền, các ngành chức năng ở cơ sở kịp thời giải quyết.

Qua đó, trật tự xã hội ổn định, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt, ý thức tự giác trong việc đóng góp ý kiến xây dựng và thực hiện quy ước dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực...

NHỮNG HẠN CHẾ

Trên thực tế, việc xây dựng và thực hiện quy ước ở nhiều ấp (khu phố) vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Trưởng khu phố 9 (phường 5, TP. Mỹ Tho), khu phố thực hiện quy ước từ năm 2008, đến nay đã có những cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, trong đó việc tổ chức họp dân để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và lấy ý kiến đóng góp, sửa đổi, bổ sung quy ước… nhưng người dân tham gia dự họp rất ít. Mặt khác, hình thức tuyên truyền ra dân còn đơn điệu…

Bà Võ Thị Kim Thy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Gạo thì cho rằng, nhiều nội dung trong quy ước ấp (khu phố) vẫn chưa được phát huy tốt. Chẳng hạn, vẫn còn tình trạng khi người dân có mâu thuẫn, tranh chấp thường gởi đơn đến chính quyền cơ sở, địa phương, mà không có thói quen trình báo đến tổ trưởng tổ nhân dân tự quản. Mặt khác, một số vấn đề đã có quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn đưa vào nội dung quy ước, dẫn đến quy ước ấp (khu phố) quá dài, người dân không nhớ hết và khó thực hiện…

Theo đại diện Phòng Tư pháp huyện Châu Thành, nội dung một số quy ước ấp (khu phố) chưa cụ thể và chưa mang tính đặc thù của cộng đồng dân cư nên khó thuyết phục người dân áp dụng quy ước trong đời sống hàng ngày.

Còn theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, thực tế nhiều quy ước ấp (khu phố) ban hành chỉ mang tính hình thức, đối phó; tình trạng ban hành các quy ước giống nhau còn rất phổ biến và hầu hết các ấp (khu phố) không tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện quy ước, nếu có thì chỉ lồng ghép vào các chương trình khác và báo cáo sơ qua; nội dung quy ước ở nhiều nơi thiếu thiết thực, thậm chí một số quy ước vừa thiếu vừa lạc hậu do chậm sửa đổi, bổ sung so với sự tiến bộ của đời sống thực tế…

ĐỂ QUY ƯỚC ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Theo ông Nguyễn Minh Phúc, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở
VH-TT&DL), để quy ước ấp (khu phố) đi vào cuộc sống cần quan tâm đến “sức sống” của các quy ước, cập nhật cái mới vào quy ước; lồng ghép quy ước với các chương trình, cuộc vận động của Đảng, Nhà nước; gắn việc xây dựng, thực hiện quy ước với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tạo sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện quy uớc. Đặc biệt là nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành của người dân, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc xây dựng và thực hiện quy ước”.

Ông Phạm Văn Hanh, Trưởng phòng Xây dựng và Theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật -
Sở Tư pháp cho rằng, các ấp (khu phố) nên nghiên cứu xây dựng quy ước theo đặc điểm tình hình, phong tục, tập quán của địa phương, cơ sở và tại địa bàn mình cư trú, lựa chọn những nội dung nào thật sự cần thiết đưa vào quy ước để thực hiện trước. Lưu ý, nội dung trong quy ước phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn tại ấp, khu phố.

Những năm tiếp theo, trên cơ sở kiểm tra, tổng kết, kiểm điểm việc thực hiện, có thể bổ sung các nội dung khác phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, cơ sở. Đối với những địa bàn dân cư không thuần nhất, cư dân nhiều vùng, miền, nghề nghiệp đan xen thì nội dung quy ước cần xây dựng ưu tiên hướng đến mục tiêu tương thân tương ái, giúp nhau phát triển sản xuất - kinh doanh đảm bảo trật tự trị an. Cũng cần cân nhắc kỹ nội dung quy ước sao cho thiết thực và phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, các ấp (khu phố) trên địa bàn tỉnh có thể tham khảo cách xây dựng và thực hiện quy ước của các tỉnh, thành, địa phương, cơ sở lân cận để biên soạn quy ước sao cho dễ hiểu, dễ làm… Có như vậy, quy ước ấp (khu phố) mới khả thi và ngày càng hoàn thiện.

Trên cơ sở thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém và được sự góp ý của các ngành hữu quan, tin rằng không lâu nữa những hạn chế sẽ được khắc phục, quy ước ấp (khu phố) sẽ thật sự trở thành văn bản quy phạm xã hội, hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý Nhà nước theo pháp luật, gìn giữ và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, địa phương và cơ sở.

HOÀI THU

.
.
.