Thứ Hai, 24/11/2014, 07:15 (GMT+7)
.

Phát triển cây xanh-môi trường xanh: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Hội Sinh vật cảnh vừa phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo “Cây xanh - môi trường xanh trong đô thị”. Hội thảo xoay quanh các vấn đề như: vai trò của cây xanh trong hệ sinh thái ở đô thị; lợi ích của cây xanh trong đô thị; thực trạng, giải pháp trồng cây xanh trong đô thị Mỹ Tho, TX. Gò Công. Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển cây xanh, đồng thời qua đó giúp ngành chức năng có cách nhìn đúng hơn trong quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị mới.

Dãy phân cách trên tuyến đường 30-4 được trồng các loại cây mang sắc thái văn hoá như bon sai, lộc vừng
Dải phân cách trên đường 30-4 được trồng các loại cây mang sắc thái văn hoá như bon sai, lộc vừng.

Lợi ích của cây xanh trong đô thị

Ông Nguyễn Kha, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết: “Cây xanh trong đô thị có vai trò điều hoà khí hậu, làm cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, lợi ích của cây xanh trong đô thị biểu hiện rõ: ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, giảm nhiệt độ, chắn gió, giảm tiếng ồn… tạo cho con người cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái sau khoảng thời gian ồn ào, vội vã của cuộc sống. Có thế nói rằng: một thành phố không cây xanh còn tệ hơn cả sa mạc”.

Một trong những tiêu chí quan trọng của “Thành phố văn minh, hiện đại”, “Thành phố môi trường” chính là cây xanh đô thị. Môi trường xanh là môi trường được kiến tạo thân thiện với môi trường, bảo vệ hệ sinh thái được thể hiện trong quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch kiến trúc.

Bà Hồ Ánh Tuyết, cán bộ Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh đã dẫn chứng một loạt lợi ích của cây xanh trong đô thị như: cây xanh làm giảm chi phí sử dụng năng lượng từ 20-25% cho một gia đình; khả năng chắn gió, giảm tiếng ồn; tăng chất lượng không khí, có thể làm giảm hàm lượng khói bụi đến 6%; giảm sức nóng của mặt đường từ 6-8oC; bên cạnh, cây xanh còn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý của con người….

Cây xanh đô thị không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường sức khoẻ mà còn góp phần tạo nên không gian văn hoá, chứng nhân thuyết phục nhất cho bề dày lịch sử văn hoá của một đô thị. Thạc sĩ Nguyễn Minh Phúc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định:

“Cây xanh có vai trò quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan, tính chất của cây như hình dạng, màu sắc làm tăng giá trị thẩm mỹ, tạo sự hài hoà và tăng tính sinh thái trong kiến trúc. Tùy vào điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tầm nhìn của nhà quy hoạch mà cây xanh ở mỗi đô thị có những sắc thái và đặc trưng riêng, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần cho con người. Người dân TP. Mỹ Tho xưa có lẽ sẽ không bao giờ quên hàng me đường Lê Lợi hay vườn hoa Công viên Lạc Hồng…”.

Thực trạng - giải pháp trồng cây xanh trong đô thị

Việc trồng, bảo vệ cây xanh tại các đô thị trên địa bàn tỉnh như TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, trong thời gian qua có sự quan tâm của các cấp, các ngành. Riêng TP. Mỹ Tho có 77 tuyến đường trồng cây xanh, 5 công viên, 4 bồn hoa vỉa hè, 5 dải phân cách, 8 tượng đài, tiểu đảo, vòng xoay.

Trong những năm qua, thành phố từng bước thay thế những loại cây không phù hợp trên các tuyến đường như: thay thế cây cau vua bằng cây dầu trên đường Hùng Vương; đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa được trồng mới bằng cây chuông vàng, dầu; trồng bằng lăng, cây me thay cho cây phượng trên đường Lê Thị Hồng Gấm; trồng mới các cây hoa, cây lá màu, thảm cỏ tại công viên, tượng đài, vòng xoay, dải phân cách…

Đại diện Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho và TX. Gò Công cho biết: “Việc trồng cây xanh trong đô thị dù đã được các cấp, ngành quan tâm nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Phần lớn do thiếu kinh phí nên định mức chăm sóc cây xanh còn hạn chế như tại TP. Mỹ Tho việc sửa tán cây xanh đường phố mỗi năm 2 lần/cây trên tổng 11.900 cây, nhưng hiện nay chỉ sửa tán 4.000 cây/ năm; chăm sóc cỏ công viên, nhổ cỏ dại 12 lần/năm giảm xuống còn 6 lần/ năm, hay tưới cây, thảm cỏ công viên 240 lần/ năm giảm xuống 160 lần/ năm… đối với các dải phân cách trên các con đường do quá nhỏ hẹp nên cây lá màu, hoa kiểng không đủ dưỡng chất để phát triển”.

Một thực trạng luôn được mọi người quan tâm đó là việc trồng cây xanh trên các tuyến đường chưa phù hợp, vì chưa đủ kinh phí để thay thế. Kỹ sư Phạm Việt Hồng, Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh cho rằng:

“Theo tiêu chuẩn thì cây xanh trồng ven đường phải cao từ 20m trở lên mới phân tàn. Hiện nay có nhiều tuyến đường trồng các loại cây chưa phù hợp trong đó có các loại cây trứng cá, cây gừa, sò đo cam… thấp, ảnh hưởng giao thông trên đường và đường dây điện. Bên cạnh, tại TP. Mỹ Tho có những tuyến đường hầu như không có bóng cây xanh như đoạn đường Trần Hưng Đạo”.

Trước thực trạng trên, tại buổi hội thảo đã có nhiều kiến nghị, giải pháp trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong đô thị. Ông Trần Hoàng Diệu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh nhấn mạnh: “Trồng cây xanh đường phố nên quy hoạch loại cây lâu năm, trong công viên nên trồng cây hoa, cây lá màu, hay trồng các loại cây theo văn hoá như cây lộc vừng, tha la….

Song song đó, cần phải phát động, tuyên truyền để người dân đô thị nhận thức tầm quan trọng của cây xanh để cùng Nhà nước chăm sóc, bảo vệ cây. Từng cá nhân, hộ gia đình, hưởng ứng phong trào trồng cây xanh, hễ có một khoảng diện tích nào có thể tận dụng được thì ở đó có màu xanh. Cụ thể, các hộ dân trong thành phố cần tận dụng các ban công, sân thượng để trồng rau, cây cảnh…”.

Ông Nguyễn Kha, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh khẳng định: “Vấn đề cây xanh - môi trường xanh trong đô thị, là vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội. Trong quá trình xây dựng đô thị tại các địa phương thì việc trồng cây xanh phải được quan tâm hàng đầu. Các cấp, ngành liên quan, sở chuyên ngành cần tham mưu lãnh đạo tỉnh trong quy hoạch trồng cây xanh trong đô thị vừa đảm bảo kinh tế vừa đảm bảo văn hoá đô thị, giúp TP. Mỹ Tho sớm hoàn thành xây dựng đô thị loại 1 vào năm 2015”.

P. MAI

.
.
.