Thứ Ba, 03/02/2015, 08:16 (GMT+7)
.

Cần đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông

Hiện nay, việc đội mũ bảo hiểm (MBH) đã quá quen thuộc đối với người dân khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy; việc đội MBH được thực hiện một cách đồng bộ và việc xử phạt các trường hợp không đội MBH cũng được các lực lượng chức năng xử lý nghiêm.

Bên cạnh việc chấp hành đó, vẫn còn không ít người thiếu ý thức, thiếu quan tâm trong việc đội MBH, nhất là đối với trẻ em đi cùng, điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường nếu có tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra.

Tập thói quen đội MBH cho học sinh tiểu học. Ảnh: P.L
Tập thói quen đội MBH cho học sinh tiểu học. Ảnh: P.L

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, mỗi năm cả nước có khoảng 20.000 người bị thương, 1.200 người tử vong vì TNGT, trong số đó, nạn nhân là trẻ em chiếm đến 35%. Đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ bị tử vong vì TNGT do không đội MBH đang ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Mặc dù pháp luật đã quy định bắt buộc cả người lớn và trẻ em trên 6 tuổi đều phải đội MBH khi đi xe máy, thực tế là tỷ lệ trẻ em đội MBH lại thấp hơn người lớn rất nhiều. Thậm chí tại các thành phố lớn của Việt Nam, trẻ em đội MBH chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong khi tỷ lệ người lớn đội MBH trên 90%. Tỷ lệ này cho thấy người lớn hiểu rõ sự cần thiết của việc đội MBH, vậy tại sao lại không bảo vệ trẻ em?

Dạo qua các cổng trường tiểu học và trung học cơ sở trong tỉnh trước giờ vào học và lúc tan trường, không khó để bắt gặp hình ảnh phụ huynh đưa, đón con “quên” đội MBH cho trẻ. Đó là chưa kể các trường nằm trên các tuyến giao thông nông thôn có nhiều phụ huynh và học sinh đều không đội MBH.

Điều này cho thấy, nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của việc đội MBH nên thực hiện chưa nghiêm túc. Có người cho rằng: “Chỉ đi một đoạn đường ngắn, cần gì đội  MBH”. Trong khi đó, TNGT có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi.

Đáng cảnh báo hơn, một số phụ huynh còn cho con trẻ đứng hẳn lên yên xe, đầu chỉ đội cái mũ vải và được người ngồi phía sau ôm rồi cứ như thế lao vun vút ngoài đường. Bên cạnh đó, nhiều học sinh có đội MBH nhưng không cài quai.

Có phụ huynh viện cớ không nên đội MBH cho trẻ em vì ảnh hưởng đến đốt sống cổ và đầu, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy đội MBH làm tăng nguy cơ chấn thương cổ ở trẻ em, hoặc dùng MBH có thể làm yếu cơ bắp ở cổ hay ảnh hưởng đến sự phát triển của cột sống của bé.

Một số vị phụ huynh lại đối phó với quy định của pháp luật bằng cách… treo sẵn MBH ở trước xe. Chỉ khi tới những đoạn đường có bóng dáng của cảnh sát giao thông họ mới dừng xe lại và cho con đội MBH.

Một số trường hợp có cho trẻ đội MBH nhưng không đảm bảo chất lượng, chỉ mang tính hình thức, chống chế. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh không biết quy định xử phạt trẻ em “trên 6 tuổi” khi ngồi trên xe máy không đội MBH.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tuyên truyền đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy được các trường học quán triệt, thường xuyên nhắc nhở cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Đặc biệt, đối với gia đình có con, em trong độ tuổi đến trường thực hiện đúng, nghiêm chỉnh luật giao thông khi tham gia giao thông.

Chiến dịch “Trẻ em cũng phải đội MBH” do Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Quỹ AIP phát động từ năm 2011 nhằm cải thiện tỷ lệ sử dụng MBH cho trẻ em, xóa bỏ những quan niệm sai lầm của phụ huynh về việc đội MBH cho trẻ em.

Việc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông là rất cần thiết, không chỉ đảm bảo an toàn cho trẻ mà còn tạo nền nếp, ý thức chấp hành luật lệ giao thông nói riêng, chấp hành pháp luật nói chung ở các em.

Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề quan trọng là các bậc phụ huynh phải luôn làm gương cho trẻ trong việc tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT. Hình thành thói quen đội MBH khi tham gia giao thông sẽ giúp giảm thương vong và đảm bảo an toàn cho trẻ em.

LÊ QUANG HUY

.
.
.